Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ: Ukraine xứng đáng gia nhập NATO

Quân sự ukraine
16:42 - 08/07/2023
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 8/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định Ukraine “xứng đáng” gia nhập NATO trong bối cảnh Kiev đang thúc đẩy một lộ trình rõ ràng để trở thành một thành viên của liên minh quân sự trước Hội nghị thượng đỉnh Vilnius.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky ở Istanbul ngày 7/7, ông Erdogan cho biết Ankara đã thể hiện “sự đoàn kết” với Kiev và cung cấp “sự hỗ trợ cụ thể”. RT trích dẫn tuyên bố của ông cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Ukraine xứng đáng là thành viên của NATO”.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Ukraine cho biết ông "rất vui mừng" về sự ủng hộ của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó ngày 6/7 trong khuôn khổ chuyến thăm Cộng hòa Czech, ông Zelensky cũng từng bày tỏ rằng ông cần “một tín hiệu rõ ràng về việc Ukraine có thể gia nhập liên minh quân sự”. Ông nhận xét việc “rộng mở cánh cửa” là không đủ mà Ukraine cần dấu hiệu rõ ràng về việc trở thành một phần của NATO.

Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Czech Petr Pavel ở Prague ngày 6/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố: "Chúng tôi đang nói về một tín hiệu rõ ràng, cụ thể hơn là hướng tới một lời mời. Chúng tôi cần có động lực này, cần có sự trung thực trong các mối quan hệ của mình".

Một số đồng minh, đặc biệt là những nước ở Đông Âu gần Ukraine và Nga hơn, vẫn luôn ủng hộ việc thiết lập một con đường cụ thể hơn để Kiev gia nhập NATO sau khi chiến dịch quân sự đi tới hồi kết. Ngược lại, một số quan chức cho rằng việc Ukraine nhanh chóng trở thành một thành viên của NATO có thể được coi như một hành động khiêu khích và do đó trở thành một canh bạc rủi ro ngay cả khi chiến sự đã chấm dứt.

Ngày 17/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã từng khẳng định Ukraine sẽ không được nhận bất kỳ sự sắp xếp đặc biệt nào do nước này cũng phải “đạt được các tiêu chuẩn giống các thành viên khác”, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ không “làm cho quá trình dễ dàng hơn”.

Ở một diễn biến khác, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ kỳ cũng kêu gọi Nga và Ukraine nối lại các nỗ lực hòa bình đang dang dở cũng như khẳng định sẽ thúc đẩy thỏa thuận ngũ cốc. Ông Erdogan cho biết: “Một nền hòa bình công bằng không tạo ra kẻ thua cuộc” và đó cũng là lý do Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện "những nỗ lực mạnh mẽ nhất" để chấm dứt xung đột trong năm 2022 sau khi làm trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình dù gặp thất bại.

Các nỗ lực đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine cho tới nay đều gặp thất bại.

Các nỗ lực đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine cho tới nay đều gặp thất bại.

Thêm vào đó ông cũng khẳng định sẽ tổ chức các cuộc đàm phán với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào tháng 8 tới với mục tiêu giúp gia hạn thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng Biển Đen trong bối cảnh xung đột. RT trích dẫn ông cho biết: “Hy vọng của chúng tôi là thỏa thuận sẽ được gia hạn ít nhất 3 tháng một lần, chứ không phải 2 tháng một lần. Chúng tôi sẽ nỗ lực trong vấn đề này và cố gắng tăng thời hạn lên 2 năm”.

Về phía Nga, Điện Kremlin ngày 7/7 cho biết sẽ “theo dõi sát sao” cuộc đàm phán giữa Tổng thống Ukraine và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày 5/7, chính phủ Nga cho biết nước này vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về việc có nên gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen chuẩn bị hết hạn ngày 17/7 tới nhưng triển vọng được đánh giá là không tích cực.

RT trích dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga ngày 4/7 cho biết nước này không nhận thấy bất kỳ cơ sở nào trong việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc. Nguyên nhân được đưa ra là do thỏa thuận đã không đạt được các mục tiêu ban đầu là hướng ngũ cốc tới các quốc gia nghèo. Thay vào đó, nó lại trở thành một kế hoạch “thuần túy thương mại” nhằm vận chuyển lương thực đến các nước giàu có.

Trong khi đó, tình hình liên quan đến xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga vẫn bị chặn và “tiếp tục xấu đi”. Được ký kết tháng 7/2022, thỏa thuận Sáng kiến Biển Đen yêu cầu Nga đảm bảo an toàn cho các tàu chở ngũ cốc đến và đi từ các cảng của Ukraine qua vùng biển mà nước này kiểm soát. Cũng theo thỏa thuận được Liên Hợp Quốc và Nga ký, các sản phẩm của Nga bao gồm phân bón được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường toàn cầu mà không bị cản trở.

Cơ quan này cũng khẳng định 5 mục tiêu “hệ thống” được hình dung trong bản ghi nhớ giữa Nga và Liên Hợp Quốc vẫn chưa được đáp ứng. Các mục tiêu này bao gồm việc cho phép ngân hàng cho vay nông nghiệp lớn của Nga là Rosselkhozbank quay trở lại hệ thống thanh toán SWIFT, cho phép vận chuyển phụ tùng thay thế cho máy móc nông nghiệp, khôi phục đường ống dẫn khí amoniac Tolyatti-Odessa, phân loại bảo hiểm và hậu cần cũng như "giải phóng" tài sản của Nga.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.