Tổng thư ký LHQ: Thế giới đang tiến gần hơn tới xung đột toàn cầu

chiến sự Liên Hợp Quốc
14:38 - 07/02/2023
Cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra sắp tròn 1 năm, nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: SOPA
Cuộc xung đột Nga - Ukraine diễn ra sắp tròn 1 năm, nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ảnh: SOPA
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại sự leo thang của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể đẩy toàn nhân loại tiến gần hơn tới cuộc xung đột có quy mô toàn cầu.

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 6/2, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết: "Chúng ta bắt đầu năm 2023 với một loạt thách thức chưa từng có trong cuộc đời", theo AFP.

Ông Guterres đã trình bày về các vấn đề ưu tiên của ông trong năm 2023, bao gồm tập trung vào cuộc xung đột Nga – Ukraine, khủng hoảng khí hậu và nghèo đói cùng cực.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết các nhà khoa học và chuyên gia an ninh hàng đầu đã điều chỉnh Đồng hồ Ngày tận thế tới mốc 90 giây trước nửa đêm vào tháng trước - đánh dấu mức nhân loại tiến gần đến thảm họa toàn cầu nhất trong 76 năm qua.

Ông Guterres gọi đó là dấu hiệu cảnh báo và kêu gọi: "Chúng ta cần thức tỉnh và bắt tay vào làm việc".

Đề cập đến cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine – vấn đề hàng đầu trong danh sách cấp bách cần giải quyết trong năm 2023, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo cộng đồng quốc tế "đang không mộng du để bước vào một cuộc chiến quy mô lớn hơn, mà đang làm vậy khi hoàn toàn tỉnh táo".

"Triển vọng hòa bình trong cuộc xung đột cứ giảm dần. Trong khi nguy cơ leo thang căng thẳng và đổ máu tiếp tục gia tăng", ông Guterres nói, lên án sự thiếu "tầm nhìn chiến lược" đang ngăn cản những nhà lãnh đạo ra quyết định chính trị thực hiện các hành động đúng đắn.

Ông Guterres cũng nêu các mối đe dọa khác đối với hòa bình, như cuộc xung đột Israel – Palestine, Afghanistan, Myanmar, Trung Phi và Haiti. "Nếu mọi quốc gia thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiến chương Liên Hợp Quốc thì quyền sống trong hòa bình sẽ được đảm bảo", ông Guterres nói.

Theo ông, đã đến lúc các nước phải “thay đổi cách tiếp cận hòa bình bằng cách tái cam kết với Hiến chương, đặt nhân quyền và nhân phẩm lên hàng đầu, lấy phòng ngừa làm trọng tâm”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng nhận định: “Có điều gì đó không ổn với hệ thống kinh tế và tài chính của chúng ta". Ông cho rằng hệ thống này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói gia tăng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn và gây ra gánh nặng nợ nần cho các nước đang phát triển.

"Nếu không có những cải cách cơ bản, các quốc gia và cá nhân giàu nhất sẽ tiếp tục tích lũy của cải, chỉ để lại những mảnh vụn cho những cộng đồng và quốc gia ở khu vực phía Nam bán cầu", ông Guterres nhấn mạnh. "Khu vực phía Nam bán cầu" được sử dụng để chỉ các nước đang phát triển ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Á.

Tin liên quan

Đọc tiếp