Trị bệnh 'mù mờ' để không phải giải cứu nông sản

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
22:22 - 27/12/2021
Bài toán mù mờ là vấn đề mà ngành nông nghiệp cần sớm đưa ra lời giải thoả đáng.
Bài toán mù mờ là vấn đề mà ngành nông nghiệp cần sớm đưa ra lời giải thoả đáng.
0:00 / 0:00
0:00
Thực tế nền nông nghiệp của Việt Nam đang có sự mù mờ về thông tin, trong đó người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường mù mờ về sản xuất khiến cung cầu bị ngắt quãng. Chuyển đổi số được cho là một yêu cầu tất yếu để giải quyết tình trạng này.

Dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan về câu chuyện người nông dân mù mờ trong sản xuất, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết nông nghiệp lâu nay từ sản lượng cho đến quy chuẩn chất lượng, kế hoạch nuôi trồng thường dựa trên thông tin loáng thoáng, truyền tai nhau.

“Người kinh doanh nông sản mù mờ về nơi sản xuất, khiến việc truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn. Người tiêu dùng mù mờ về nguồn gốc, xuất xứ, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các doanh nghiệp tiêu thụ mù mờ về sản lượng cho đến thời điểm thu hoạch. Cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp mù mờ về thông tin mùa vụ, về nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Bài toán mù mờ là vấn đề mà ngành nông nghiệp cần sớm đưa ra lời giải thoả đáng”, Thứ trưởng Tiến chia sẻ tại hội thảo “Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” ngày 27/12.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội thảo

"Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu: Người nông dân sản xuất nông sản chất lượng, với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất”.

Chuyển đổi số còn gặp nhiều bài toán khó

Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, thế giới cạnh tranh nhau về thông tin gắn với trí tuệ con người. Ngành nào nắm thông tin nhanh hơn ngành đó thắng. Chuyển đổi số là dùng máy móc thay thế con người để con người hiệu quả hơn.

Ngành lâm nghiệp được Nhà nước giao 16,2 triệu ha rừng, trong đó có 7,1 triệu lô rừng, 1,4 triệu hộ gia đình là các chủ rừng, 326 ban quản lý rừng phòng hộ, 167 ban quản lý rừng đặc dụng. Nếu thiếu công nghệ số sẽ gặp nhiều khó khăn trong quản lý rừng với địa bàn rộng lớn và số lượng đông đảo các đối tượng như vậy.

Hiện ngành lâm nghiệp đã xây dựng hệ thống thông tin quản lý với các chiến dịch quản lý số đến từng lô rừng. Mỗi lô rừng có 52 trường dữ liệu trên các khía cạnh khác nhau: diện tích, hình dạng, tình trạng, chủ sở hữu… Tuy nhiên đây mới là bước đầu còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới, làm thế nào cho các chiến dịch đó “sống” tiếp và có tính ứng dụng cao.

“Các chiến dịch phải được cập nhật đến hàng ngày hàng giờ, tính đến cảnh báo chống phá rừng bừa bãi. Đều là những bài toán rất thiết thực nhưng còn gặp nhiều khó khăn”, ông Điển nhấn mạnh.

Một trong những ứng dụng quan trọng của chuyển đổi số được đại diện Tổng cục Lâm nghiệp nhắc đến là việc định loại gỗ xuất khẩu. Số hóa sẽ giúp kiểm tra chính xác loại gỗ đã đăng ký về tiêu chuẩn, chất lượng, đây chính là phương án cụ thể mang lại hiệu quả kinh tế.

Trong năm 2022, Tổng cục Lâm nghiệp cho biết sẽ kết hợp với đề án của Bộ NN&PTNT xây dựng nhiều phương án thiết thực, hiệu quả có tính khả thi cao.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Tương tự như vậy ở ngành thủy sản, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, chuyển đổi số cần tiến hành càng sớm càng tốt bởi các sản phẩm thủy sản xuất khẩu yêu cầu truy xuất nguồn gốc rất nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó là yêu cầu hoàn thiện cơ sở dữ liệu tàu cá với trên 84.000 tàu để quản lý đăng ký, đăng kiểm và kiểm soát các hoạt động. Hiện nay ngành thủy sản mới lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được trên 27.000 tàu.

Theo ông Luân, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn và cần được số hóa nhanh chóng. Với diện tích 1.3 triệu ha, trong đó hai sản phẩm nuôi trồng chính là tôm (740.000 ha) và cá tra (5.700 ha) đang cần được thống kê các dữ liệu và số hóa cơ sở nuôi chứ không chỉ là vùng nuôi.

Đại diện Tổng cục Thủy sản đưa ra yêu cầu cần truy xuất nguồn gốc đến từng chủ hộ chứ không chỉ là vùng nuôi. Số hóa phải yêu cầu đến từng hộ một, qua đó có các phân hệ quản lý từ thả giống, thu hoạch, chăm sóc… để đưa ra dự báo năng suất, sản lượng, thời điểm quản lý thu hoạch.

“Chúng ta bàn rất nhiều đến kỹ thuật, kỹ thuật và công nghệ có thể gặp nhau nhưng chi phí ở đâu để tiến hành mới là yếu tố quyết định thúc đẩy được quá trình số hóa thành công. Đây chính là điều đang vướng mắc nhất mà chúng ta chưa chú trọng tới”, ông Luân bày tỏ quan ngại.

Chuyển đổi số nông nghiệp ngành tôm

Chuyển đổi số nông nghiệp ngành tôm

Trong khi đó, đề cập đến tầm quan trọng của chuyển đổi số trong dự báo thị trường, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng, cơ sở dữ liệu là cái gai góc nhất để hình thành nên hệ thống thông tin chuyển đổi số của mọi ngành. Muốn dự báo thị trường chính xác cần có một cơ sở dữ liệu chuẩn và đẩy đủ.

“Cần phải xuất phát từ thể chế vững chắc với một khung quy định, quy tắc, ứng xử cho tất cả đối tượng tham gia sẽ, đây sẽ là phần hồn của chuyển đổi số”, ông Toản nhấn mạnh.

Những nội hàm mới của chuyển đối số nông nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chỉ ra những nội hàm mới của chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Trong đó nội hàm đầu tiên là loại bỏ bớt các khâu trung gian và kết nối trực tiếp các bên.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại hội thảo.

“Trong môi trường thực trước đây, các đối tượng trung gian như tài chính, nhà phân phối, bán lẻ, kho vận, môi giới đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu, thậm chí chi phối thị trường nhờ nắm giữ thông tin về cung - cầu. Khi đã tiến hành chuyển đổi số sẽ có thể phi trung gian, cải thiện được những cách làm cũ chưa hiệu quả”.

Nội hàm thứ hai của chuyển đổi số là phi vật chất hóa, có nghĩa là số hóa những giá trị, sản phẩm hữu hình thành vô hình, cả kho tàng kinh nghiệm tri thức tích lũy ngàn đời của người nông dân sẽ được số hóa nằm trong gọn trong chiếc điện thoại di động cầm tay.

Nội hàm thứ ba là phi tập trung hóa, ngày càng có nhiều người hơn nhiều mắt xích hơn tham gia cùng tạo ra giá trị theo hướng các mối quan hệ ngang hàng và sẽ càng trở nên phổ biến hơn.

Trên cơ sở đánh giá ba thuộc tính của chuyển đổi số rất phù hợp với các bài toán mà ngành NN&PTNT gặp phải, ông Dũng đưa ra các đề xuất cho quá trình số hóa ngành nông nghiệp trong năm 2022. Theo đó, Bộ TT&TT đang được giao phổ cập chuyển đổi số tới từng người trong năm 2022 và hy vọng rằng Bộ NN&PTNT có thể kết hợp để phổ cập số hóa tới tất cả hộ nông dân. Với mục tiêu, mỗi xã ít nhất một người thành thạo kỹ năng số để hướng dẫn những người còn lại.

Một khuyến nghị nữa mà ông Dũng đưa ra là Bộ NN&PTNT nên liệt kê ra các “nỗi đau”, tức những bài toán trong quá trình số hóa để Bộ TT&TT chuyển cho các công ty công nghệ tìm ra biện pháp giải quyết.

Trong năm 2022, hai bộ có thể cùng nhau triển khai các sáng kiến, phổ cập hạ tầng bằng việc mỗi hộ nông dân tối thiểu có một điện thoại thông minh, một đường cáp quang Internet và một ví điện tử thông qua sim điện thoại di động để dễ dàng thanh toán, kết nối.

“Với những đề xuất trên, tôi mong muốn hai bộ có thể tạo ra một hệ thống dữ liệu mở để ngành nông nghiệp không còn ‘mù mờ’ và không phải giải cứu”, Thứ trưởng Dũng bày tỏ hy vọng.

Nguồn: Báo cáo chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số nông nghiệp cấp tỉnh

Nguồn: Báo cáo chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số nông nghiệp cấp tỉnh

Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, chuyển đổi số không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo mang tính “phá hủy” nhiều cái cũ. Mỗi bước đi chuyển đổi số trong nông nghiệp cần thận trọng, với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế, chuyển đổi số nông nghiệp không được phép sai lầm.

“Làm ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng. Không phải tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải số hóa đồng loạt. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh tham lam để rồi quá tải và lạc hướng”, ông Tiến chia sẻ.

Trong năm 2022, Bộ NN&PTNT sẽ ban hành Đề án chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở để toàn ngành triển khai chuyển đổi số, tạo động lực mới, đột phá, nâng cao hiệu quả sản xuất; thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong chuỗi sản xuất từ người nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã đều tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.