Triều Tiên cảnh báo ‘lằn ranh đỏ’ khi Mỹ - Hàn Quốc tập trận quân sự

MỸ Triều Tiên
10:58 - 02/02/2023
Các máy bay chiến đấu trong cuộc tập trận không quân giữa Mỹ và Hàn Quốc hôm 1/2. Ảnh: BQP Hàn Quốc
Các máy bay chiến đấu trong cuộc tập trận không quân giữa Mỹ và Hàn Quốc hôm 1/2. Ảnh: BQP Hàn Quốc
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 2/2 cảnh báo các cuộc tập trận của Mỹ và các đồng minh đã đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đến "lằn ranh đỏ", đồng thời cho biết Bình Nhưỡng có thể đưa ra "phản ứng cứng rắn nhất".

"Tình hình quân sự và chính trị trên bán đảo Triều Tiên và trong khu vực đã chạm đến lằn ranh đỏ cực điểm bởi vì các cuộc diễn tập đối đầu quân sự liều lĩnh và hành động thù địch của Mỹ và các lực lượng đồng minh", hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này cho biết.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên được đưa ra để đáp trả những bình luận hôm 31/1 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin rằng Washington tăng cường triển khai các khí tài quân sự tiên tiến tới bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả máy bay chiến đấu và tàu sân bay, để ngăn chặn nguy cơ xung đột.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Không quân Mỹ tham gia tập trận chung. Ảnh: BQP Hàn Quốc

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Không quân Mỹ tham gia tập trận chung. Ảnh: BQP Hàn Quốc

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Mỹ đã điều máy bay ném bom hạng nặng B-1B, máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và máy bay phản lực F35 trong một cuộc tập trận không quân với nước này hôm 1/2 trên vùng biển phía tây. Hai nước cũng đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận mô phỏng trong tháng 2 nhằm tăng cường phản ứng nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân.

"Đây là một biểu hiện trong kịch bản nguy hiểm của Mỹ, sẽ dẫn đến việc biến bán đảo Triều Tiên thành một kho vũ khí chiến tranh khổng lồ và vùng chiến sự nguy hiểm", tuyên bố của Bình Nhưỡng cho biết.

Nước này cũng nhấn mạnh sẽ sẵn sàng đáp trả bất kỳ động thái quân sự nào của Mỹ và các đồng minh trong ngắn hạn hoặc dài hạn bằng những chiến lược đối phó mạnh mẽ, bao gồm cả "lực lượng hạt nhân áp đảo nhất".

Căng thẳng bán đảo Triều Tiên leo thang khi các bên liên tục tiến hành hoạt động quân sự. Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản gần đây liên tục diễn tập ba bên quy mô lớn về phòng thủ tên lửa và tác chiến chống tàu ngầm. Triều Tiên đã đáp trả các động thái trên bằng cách thử nghiệm hàng loạt vũ khí mới, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).

Hồi tháng 12/2022, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi "gia tăng theo cấp số nhân" kho vũ khí hạt nhân, sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân và phát triển các tên lửa tầm xa.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đã bị đình trệ kể từ năm 2019 do những bất đồng về việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế do Washington áp đặt đối với Bình Nhưỡng, để đối lấy việc Triều Tiên từng bước cắt giảm chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng không quan tâm đến bất kỳ liên lạc hay đối thoại, cho đến khi Mỹ ngừng theo đuổi các "chính sách thù địch và đường lối đối đầu", đồng thời cáo buộc Washington duy trì các biện pháp trừng phạt và áp lực quân sự để buộc Bình Nhưỡng "đơn phương giải trừ vũ khí".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.