Trung Quốc có ca tử vong đầu tiên trên thế giới do cúm H3N8

H3N8 TRUNG QUỐC
10:58 - 12/04/2023
Trung Quốc ghi nhận ca tử vong đầu tiên do cúm H3N8. Ảnh: Reuters
Trung Quốc ghi nhận ca tử vong đầu tiên do cúm H3N8. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/4 thông báo, một phụ nữ tại Trung Quốc đã tử vong vì cúm gia cầm H3N8. Đây là ca tử vong đầu tiên trên thế giới ở người do chủng cúm này gây ra.

Theo AFP, bệnh nhân là một phụ nữ 56 tuổi, đến từ tỉnh Quảng Đông, vùng đông nam Trung Quốc. Bệnh nhân ngã bệnh từ ngày 22/2, nhập viện do viêm phổi nặng vào ngày 3/3 và qua đời vào ngày 16/3.

“Bệnh nhân có nhiều bệnh nền. Bà ấy có tiền sử tiếp xúc với gia cầm sống trước khi phát bệnh và khu vực xung quanh nhà của bà ấy cũng từng xuất hiện các loài chim hoang dã”, WHO cho biết trong một tuyên bố.

Cơ quan này cũng cho biết không có người nào tiếp xúc gần với ca bệnh trên bị nhiễm virus hoặc có triệu chứng nhiễm virus cho tới thời điểm báo cáo”.

Trung Quốc có ca tử vong đầu tiên trên thế giới do cúm H3N8 ảnh 1

Bệnh nhân tử vong vì cúm H3N8 có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Ảnh: AFP

Theo WHO, mặc dù việc bệnh nhân trên từng tiếp xúc tại chợ gia cầm sống có thể dẫn đến nhiễm bệnh, nhưng “vẫn chưa xác định rõ nguồn lây chính xác này là gì và virus này có liên quan như thế nào với các virus cúm A (H3N8) đang lưu hành ở động vật”.

Năm ngoái, Trung Quốc báo cáo 2 cậu bé đã bị mắc cúm gia cầm H3N8, trong đó một người có diễn biến nặng và một người mắc bệnh nhẹ, nhưng đều sống sót. Cả hai trường hợp đều có khả năng bị nhiễm bệnh do tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với gia cầm bị cúm.

“Có vẻ như loại virus này không có khả năng lây lan dễ dàng từ người sang người, do đó nguy cơ lây lan giữa người ở cấp độ quốc gia, khu vực và thế giới được đánh giá là thấp”, WHO cho biết.

Cơ quan này đồng thời nhấn mạnh rằng, do bản chất không ngừng phát triển và biến đổi của virus cúm, việc giám sát toàn cầu để phát hiện những thay đổi về virus, dịch tễ học và lâm sàng liên quan đến virus cúm lưu hành là vô cùng quan trọng.

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 10/4 cho biết, virus H3N8 lần đầu tiên được phát hiện ở các loài chim hoang dã vào những năm 1960 và đã được phát hiện ở các loài động vật khác như ngựa, chó và hải cẩu.

Mặc dù cúm H3N8 ít nguy hiểm hơn đối với chim hoang dã và gia cầm nhà so với cúm H5N1, nhưng nó cũng “gây bệnh ở mức độ tối thiểu hoặc không có dấu hiệu gây bệnh”. Vào năm 2011, một đợt bùng phát H3N8 trên hải cẩu ở New England, Mỹ đã giết chết 162 con, theo Telegraph.

WHO cho biết, con người mắc cúm động vật có thể dẫn đến tình trạng từ viêm kết mạc và có triệu chứng cúm nhẹ, cho đến bệnh hô hấp cấp tính nặng hoặc thậm chí tử vong. Các triệu chứng về đường tiêu hóa hoặc thần kinh đã được báo cáo nhưng rất hiếm.

Tiến sĩ Pablo Plaza, chuyên gia về dịch tễ học và sức khỏe cộng đồng thú ý tại Đại học Quốc gia Comahue (Argentina), nói với Telegraph rằng: “Nếu sự lây truyền giữa các loài động vật có vú đã bắt đầu, thì virus cúm đã thay đổi và điều này có thể làm tăng nguy cơ đối với sức khỏe con người”.

Ông nhấn mạnh rằng: “Cho đến nay, rủi ro này có vẻ thấp. Tuy nhiên, chúng ta phải cảnh giác vì virus luôn biến đổi. Một số thay đổi trong virus sẽ là cần thiết để chúng thích ứng với sự lây truyền từ người sang người. Tôi hy vọng điều đó sẽ không xảy ra”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.