Trung Quốc sẽ thống trị thị trường hàng xa xỉ thế giới vào năm 2025

mua sắm TRUNG QUỐC
16:05 - 25/01/2022
Các thương hiệu xa xỉ đang dự định mở thêm các cửa hàng mới tại Trung Quốc. Ảnh: Prada Group
Các thương hiệu xa xỉ đang dự định mở thêm các cửa hàng mới tại Trung Quốc. Ảnh: Prada Group
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021 người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu nhiều hơn 36% cho các mặt hàng xa xỉ ngay tại thị trường nội địa so với năm 2020, ngay cả khi họ không thể đi du lịch nước ngoài do các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo thường niên của công ty tư vấn Bain & Company, doanh số bán hàng xa xỉ cá nhân ở Trung Quốc trong năm 2021 đã tăng 36% so với năm 2020, lên 471 tỷ NDT (73,59 tỷ USD. Con số này cao hơn gấp đôi so với thời điểm trước đại dịch.

Doanh số bán hàng xa xỉ tăng trưởng bất chấp sự sụt giảm doanh số bán lẻ của Trung Quốc nói chung kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm 2020. Báo cáo cũng phản ánh sự tăng trưởng của thị trường nội địa Trung Quốc như một điểm đến của các thương hiệu quốc tế.

Theo Bain, thị phần của Trung Quốc đại lục trên thị trường xa xỉ toàn cầu đã tăng lên khoảng 21% vào năm 2021, tăng từ khoảng 20% ​​vào năm 2020. Báo cáo nhận định: “Chúng tôi dự báo mức tăng trưởng này sẽ tiếp tục duy trì, đưa Trung Quốc trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025 - bất kể mô hình du lịch quốc tế trong tương lai như thế nào”.

"Trung Quốc vẫn là minh chứng tiêu dùng tốt nhất trên thế giới", các nhà phân tích của Bain nói. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng của nước này kéo theo mức tăng trung bình với thu nhập khả dụng vẫn cao hơn lạm phát.

Thêm vào đó, doanh số bán các mặt hàng xa xỉ bằng da tăng khoảng 60% và là danh mục tăng trưởng nhanh nhất, theo sau là thời trang và phong cách sống với khoảng 40%.

Mở thêm nhiều cửa hàng miễn thuế

Một động lực chính cho thị trường xa xỉ Trung Quốc là sự phát triển của các cửa hàng miễn thuế ở Hải Nam, một tỉnh đảo ở miền nam Trung Quốc. Trong hai năm gần đây, các chính sách mới của chính phủ đã cắt giảm thuế và đưa ra các biện pháp thân thiện với doanh nghiệp khác nhằm biến khu vực này thành một cảng thương mại tự do và trung tâm tiêu dùng quốc tế.

Một cửa hàng miễn thuế ở Hải Nam, Trung Quốc ngày 2/5/2020. Ảnh: China News Service
Một cửa hàng miễn thuế ở Hải Nam, Trung Quốc ngày 2/5/2020. Ảnh: China News Service

Ngay cả trước khi các hạn chế đi lại do đại dịch gây ra khiến người mua hàng không thể đi du lịch nước ngoài, các thương hiệu cao cấp đã chuyển từ Hong Kong đến Hải Nam và các khu vực khác của Trung Quốc, do tình hình bất ổn ở đặc khu.

Theo Bain, doanh số bán hàng xa xỉ tại các cửa hàng miễn thuế ở Hải Nam đạt mức tăng trưởng hàng năm 85% vào năm 2021 - đạt 60 tỷ NDT (9,48 tỷ USD) - sau khi tăng 122% so với cùng kỳ năm 2020. Các cửa hàng này chiếm 13% thị trường hàng xa xỉ cá nhân của Trung Quốc đại lục vào năm ngoái, tăng từ 9% vào năm 2020 và 6% trong những năm trước.

Tuy nhiên, các nhà phân tích của Bain cho biết động lực lớn nhất dẫn đến thành công của hoạt động miễn thuế tại Hải Nam là việc giảm giá mạnh vượt ra ngoài tiết kiệm thuế. Báo cáo cho biết “chênh lệch đáng kể về giá” giữa giá niêm yết chính thức và giá ở Hải Nam đã góp phần làm tăng trưởng chậm lại ở các kênh bán hàng khác, ít nhất là đối với một số sản phẩm.

Các nhà phân tích tại The Economist Intelligence Unit kỳ vọng các chính sách mới của chính phủ sẽ giúp thị trường hàng miễn thuế nội địa của Trung Quốc tăng gần gấp 4 lần lên 258 tỷ NDT (40,7 tỷ USD) trong giai đoạn 2021-2025, cùng với việc mở các cửa hàng miễn thuế mới tại các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thiên Tân và Thượng Hải.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định rằng, để đạt được cột mốc đó phải thuộc vào việc chính quyền Trung Quốc nới lỏng các hạn chế đối với du lịch quốc tế và hạn ngạch mua hàng miễn thuế.

“Thị trường miễn thuế ở Hải Nam vẫn còn tụt hậu về chủng loại sản phẩm và khả năng cạnh tranh về giá cả, đặc biệt là đối với các sản phẩm từ trung cấp đến cao cấp. Trong khi đó, người tiêu dùng Trung Quốc thích kết hợp việc mua sắm với một kỳ nghỉ ở nước ngoài, để trải nghiệm các nền văn hóa và môi trường nước ngoài”, báo cáo của The Economist Intelligence Unit cho biết.

Cách chi tiêu xa xỉ của Trung Quốc tác động lên toàn cầu

Theo ước tính của Bain, chi tiêu toàn cầu cho hàng xa xỉ đạt 283 tỷ Euro (320,6 tỷ USD) vào năm 2021, phục hồi từ mức sụt giảm vào năm 2020 và tăng nhẹ so với mức 281 tỷ Euro (317,9 tỷ USD) trong doanh số bán hàng xa xỉ của năm 2019.

Các thương hiệu cao cấp hiện phụ thuộc hơn bao giờ hết vào người tiêu dùng Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Các thương hiệu cao cấp hiện phụ thuộc hơn bao giờ hết vào người tiêu dùng Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Các nhà phân tích cho biết, tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ đã chậm lại trong nửa cuối năm ngoái, do các yếu tố như cơ sở so sánh cao vào năm 2020, sự bùng phát lẻ tẻ của Covid-19 và các quy định mới về những người có ảnh hưởng trực tuyến (influencer).

Các nhà phân tích của Bain kỳ vọng doanh thu thị trường đồ cao cấp tại Trung Quốc sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải hơn vào năm 2022.

Mặc dù vẫn có những ổ dịch Covid-19, nhưng “dự kiến ​​sẽ có tác động tiêu cực và ảnh hưởng lớn đến lưu lượng người đến trung tâm mua sắm”. Trung Quốc vẫn đang kiên trì với chính sách “Zero Covid”. Các thành phố tại nước này sẵn sàng triển khai nhanh chóng các biện pháp phong tỏa các khu dân cư hoặc hạn chế việc đi lại khi phát hiện các ca mắc mới để ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19. Người dân được khuyến khích không nên đến những nơi mà bệnh nhân từng đi qua, tránh nguy cơ bị lây nhiễm dịch.

.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.