TS. Lê Xuân Nghĩa: Gọi 'bom trái phiếu' là không chính xác

TRÁI PHIẾU Việt nAM
15:08 - 20/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo chuyên gia tài chính tiền tệ Lê Xuân Nghĩa, thị trường trái phiếu không thể không có rủi ro và nếu chúng ta cứ loay hoay với tài sản đảm bảo và giám sát mục đích sử dụng vốn, thì kênh huy động tài chính này sẽ không thể phát triển được. 

Ông Lê Xuân Nghĩa đưa ra quan điểm của mình tại tọa đàm “Góp phần lành mạnh hóa thị trường chứng khoán Việt Nam”, do Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Giao thông phối hợp tổ chức sáng 20/4. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhiều biến động, do tác động tiêu cực từ các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn.

Kênh trái phiếu giúp doanh nghiệp "cai dần" ngân hàng

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, vụ việc vi phạm trong phát hành trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã tác động đến thị trường chứng khoán nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. Dù thực tế Tân Hoàng Minh chưa vỡ nợ và công ty vẫn hoạt động bình thường, nhưng sự việc trên ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư là điều không thể tránh khỏi.

“Chúng tôi đã có kiến nghị với các cơ quan chức năng về vụ việc tại Tân Hoàng Minh, có thể xử lý theo hướng như Chính phủ Trung Quốc đã làm với Tập đoàn bất động sản Evergrande (bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ, giải quyết tiền dân đặt mua nhà). Nhưng do Tân Hoàng Minh chưa phải là doanh nghiệp có sức ảnh hưởng như vậy nên chúng ta chưa đến mức phải dùng đến biện pháp đó. Tuy nhiên, vẫn nhất định phải sử dụng tài sản của Tân Hoàng Minh để trả nợ vì sự phát triển của thị trường trái phiếu, vì niềm tin của nhà đầu tư”, TS Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.

Mặc dù có sự ảnh hưởng nhất định nhưng theo TS Nghĩa, không thể vì "một con sâu mà bỏ luôn nồi canh". Do đó ông cho rằng việc thời gian qua nhiều người gọi “bom trái phiếu” là không đúng.

Trong 5 năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam luôn có tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm. Tính đến cuối năm 2021, có gần 1,2 triệu tỷ đồng được doanh nghiệp huy động qua thị trường trái phiếu, chiếm khoảng 12% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, khoảng 15% GDP sau điều chỉnh. Vì vậy, theo ông Nghĩa việc có 5-10% ở mức độ rủi ro cũng là điều bình thường.

Trái phiếu có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ chính sách tiền tệ. Ở châu Âu, vốn tín dụng ngân hàng cho vay doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại đổ vào bất động sản nhà ở, phương tiện cá nhân. Trong khi đó ở Việt Nam, doanh nghiệp chiếm tới 80% vốn vay ngân hàng. Trái phiếu chính là một kênh hỗ trợ để doanh nghiệp "cai" dần ngân hàng, đồng thời phát huy sức mạnh nội tại. TS Lê Xuân Nghĩa

Về giải pháp lành mạnh hóa thị trường trái phiếu, TS Nghĩa cho rằng không nên chạy theo các diễn biến thị trường để điều chỉnh luật, xử phạt. Như hiện tại, vấn đề điều kiện tài sản đảm bảo và giám sát sử dụng nguồn vốn đang được bàn luận nhiều. Nhưng nếu cứ sa đà vào các vấn đề này, thị trường trái phiếu sẽ không thể phát triển được. Nhất là với các công ty khởi nghiệp, họ không thể tham gia vào một khuôn khổ eo hẹp như vậy.

Thay vào đó, TS Nghĩa đề xuất việc đẩy mạnh hoạt động các công ty xếp hạng tín nhiệm. Thị trường trái phiếu quốc tế đều hoạt động theo cách thức này. Với các tiêu chí khắt khe, được xem xét cẩn thận từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư tự quyết định cân nhắc việc có đầu tư hay không.

“Hiện tại, Việt Nam đã có 2 công ty xếp hạng tín nhiệm nhưng còn hạn chế hoạt động. Chúng tôi đã có kiến nghị tới cơ quan chức năng cho phép các công ty liên doanh với tổ chức xếp hạng tín nhiệm nước ngoài để đẩy mạnh hoạt động này”, TS Nghĩa nói.

Trong khi đó, với góc độ pháp lý, luật sư Trương Thanh Đức (Giám đốc Công ty luật TNHH ANVI, trọng tài viên VIAC) cho biết, từ năm 2018 đến nay, pháp luật về thị trường chứng khoán đã được sửa đổi, bổ sung khá đầy đủ và chặt chẽ. Từ Nghị định 163 về điều kiện phát hành trái phiếu đến Luật chứng khoán 2019, Luật doanh nghiệp 2020, các thông tư, văn bản hướng dẫn... Vì vậy, để phát triển thị trường chứng khoán và trái phiếu trong bối cảnh hiện tại thì giải pháp siết chặt thêm không phải là lựa chọn hiệu quả.

Tuy nhiên, để lành mạnh thị trường và đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, luật sư Đức kiến nghị cũng cần sửa đổi một số quy định. Ví dụ như việc công bố thông tin đại chúng, không chỉ áp dụng với phát hành trái phiếu ra công chúng mà phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng cần minh bạch như vậy. Thực tế hiện nay, đối với thị trường thứ cấp, nhà đầu tư cá nhân có rất ít thông tin về các doanh nghiệp phát hành. Do đó, cần phải có kênh để cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư, bởi họ chính là người giám sát tốt nhất quá trình sử dụng vốn của doanh nghiệp.

Bịt lỗ hổng chứ không nên tạo thêm thủ tục hành chính

Trước đó, tại tọa đàm "Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp" do Báo Người lao động tổ chức ngày 19/4, nhiều chuyên gia tài chính ngân hàng cũng hiến kế góp phần đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả.

TS Cấn Văn Lực nhận định, không nên vì một số trường hợp mà thắt chặt quá việc phát hành trái phiếu, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phát triển, phục hồi kinh tế-xã hội. Thực tế, thị trường trái phiếu và thị trường vốn của Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển khi quy mô thị trường vốn mới chiếm khoảng 17,5% GDP. Con số này rất thấp so với Trung Quốc là 35,7%; Hàn Quốc 87% GDP; Singapore khoảng 36,5% GDP, Thái Lan khoảng 25% GDP…

Cũng đề xuất hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm nhưng TS Cấn Văn Lực cho rằng việc khuyến khích hay bắt buộc cần phải cân nhắc. Chẳng hạn, thời gian đầu là bắt buộc và khi thị trường phát triển tốt lên thì giãn dần ra. Như ở Singapore, khuyến khích xếp hạng tín nhiệm khi phát hành trái phiếu sẽ được hỗ trợ gấp đôi chi phí so với doanh nghiệp không có xếp hạng tín nhiệm.

Cùng đề cập đến vấn đề này, TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc đầu tư vốn cổ phần Quỹ Dragon Capital, đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh chia lửa cho thị trường ngân hàng. Do đó, đối với thị trường Việt Nam, ông cho rằng khi kiểm tra giám sát không nên làm quá chặt hoặc quá lỏng, mà cần có cơ chế thị trường để họ tự điều tiết, để nhà đầu tư thấy được rủi ro nằm ở đâu.

Gần đây, có khoảng 2-3 công ty được Ủy ban chứng khoán nhà nước và Ngân hàng Nhà nước được cấp phép cho đánh giá tín dụng, xếp hạng tín nhiệm. Tôi cho rằng ở điều kiện tối thiểu nhất của trái phiếu phát hành doanh nghiệp, cần đánh giá tín dụng. Thậm chí bắt buộc tất cả những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đều bắt buộc phải đánh giá cơ chế tín dụng từ những tổ chức được cấp phép này. TS Lê Anh Tuấn

Còn luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật SBLAW thì nhận định, thị trường Việt Nam hiện có rất ít doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đánh giá, xếp hạng tín nhiệm nên thời gian tới, quy định nên mở cửa cho tổ chức nước ngoài có kinh nghiệm tham gia. Việc sửa đổi các quy định là bịt lỗ hổng nhưng phải thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứ không nên tạo nhiều thủ tục hành chính hơn, gây cản trở hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Cũng liên quan đến xếp hạng tín nhiệm, theo TS Lê Đạt Chí (Trường ĐH Kinh tế TP HCM), quy định Nghị định 153 hiện nay chưa đủ, chưa đặt nặng vai trò trách nhiệm, chuẩn mực, đạo đức trong hành nghề đánh giá tín nhiệm. Do đó, cần phải có luật để nhà đầu tư có thể khiếu nại, khởi kiện đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong trường hợp họ làm không đúng chuẩn mực.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.
Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.