Tỷ phú Elon Musk nêu 3 rào cản trước khi tiếp quản Twitter

CÔNG NGHỆ MỸ
08:36 - 22/06/2022
Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk. Ảnh: AFP
Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Phát biểu tại một sự kiện do Bloomberg tổ chức hôm 21/6, giám đốc điều hành Tesla Elon Musk cho biết để thương vụ mua Twitter có thể hoàn thành, một số trở ngại chính sẽ cần phải được giải quyết.

Tỷ phú giàu có nhất thế giới Elon Musk đang cố gắng tìm cách giải quyết thương vụ mua lại nền tảng mạng xã hội Twitter với cái giá 44 tỷ USD. Theo CNBC, một trong những vấn đề khúc mắc chính của thương vụ thế kỷ này được cho là dựa trên quan điểm của ông Elon Musk về kiểm duyệt nội dung và tự do ngôn luận trên Twitter.

Trong những tuần gần đây, số phận của thỏa thuận này đang trở nên không chắc chắn khi ông Musk đe dọa sẽ từ bỏ việc mua lại Twitter do những lo ngại về số lượng tài khoản giả mạo trên đây. Nếu thực sự từ bỏ, ông Musk có khả năng cao sẽ phải chịu khoản “phí chia tay” trị giá 1 tỷ USD và thậm chí còn có khả năng sẽ bị kiện.

Do đó trong một sự kiện công nghệ được tổ chức bởi Bloomberg hôm 21/6, CEO Tesla và SpaceX đã nêu lên “một số vấn đề chưa được giải quyết” mà theo ông là trọng tâm để ông có thể tiếp quản Twitter.

Tài khoản giả mạo

Ông Elon Musk luôn thể hiện những lo ngại về số lượng tài khoản giả mạo trên Twitter ngay từ khi thương vụ này bắt đầu trong quá trình đàm phán. Những nỗ lực thao túng các nền tảng mạng xã hội bằng tài khoản giả mạo đã không phải là chuyện xảy ra lần đầu tiên. Tuy nhiên, ông cho biết muốn Twitter đưa ra ước tính cụ thể hơn về số lượng người dùng chính chủ thay vì con số đưa ra trước đó.

Các tiết lộ công khai từ Twitter cho thấy số lượng tài khoản giả mạo hoặc thư rác ở mức dưới 5% trong số người dùng hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, ông Musk cảm thấy ngờ vực về con số này, đồng thời phát biểu hôm 21/6 rằng con số này “có lẽ không phải là trải nghiệm của hầu hết người dùng Twitter”.

Theo ông, các bên đang “chờ một giải pháp về vấn đề này”. Mặt khác, ông Bret Taylor, chủ tịch hội đồng quản trị độc lập của Twitter, cho biết ban lãnh đạo công ty vẫn “cam kết thực hiện giao dịch theo các điều khoản đã thỏa thuận”.

Tài trợ bằng nợ

Theo ông Elon Musk, rào cản lớn thứ hai đối mặt với giao dịch mua lại Twitter là phần nợ cần thiết để tài trợ cho nó. Vào tháng 5, tỷ phú này đã cam kết trả 33,5 tỷ USD tiền mặt cho công ty, đồng thời nhận được 7,1 tỷ USD cam kết tài trợ vốn cổ phần từ các nhà đầu tư bao gồm người đồng sáng lập Oracle Larry Ellison và sàn giao dịch tiền điện tử Binance.

Phần còn lại của khoản tài trợ sẽ được chi trả dưới dạng dạng các khoản vay ngân hàng. Tuy nhiên, điều này sẽ diễn ra như thế nào thì vẫn là một câu hỏi đang được bỏ ngỏ. Mặc dù là người giàu nhất thế giới nhưng phần lớn tài sản của ông Musk gắn liền với cổ phiếu Tesla. Vì vậy, ông đã bán và cầm cố hàng tỷ USD cổ phiếu Tesla để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay.

Sự chấp thuận của cổ đông

Rào cản cuối cùng để CEO Tesla thành công với thương vụ mua lại là sự chấp thuận từ các cổ đông của Twitter. Các nhà đầu tư dự kiến sẽ bỏ phiếu về thương vụ này vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 và việc liệu ông Musk có nhận được sự hỗ trợ đầy đủ cho việc mua lại hay không vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó vào tháng trước, một số cổ đông của Twitter đã kiện ông Musk và chính công ty về quy trình xử lý công việc hỗn loạn.

Theo ông Musk, những yếu tố này cùng vấn đề tài khoản giả mạo là “3 điều cần được giải quyết trước khi giao dịch có thể hoàn tất”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.