Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí sửa đổi

LUẬT DẦU KHÍ Việt nAM
16:36 - 16/08/2022
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp ngày 16/8 cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí sửa đổi
Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp ngày 16/8 cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí sửa đổi
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 16/8, tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dầu khí sửa đổi.

Đề nghị bổ sung “dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ”

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Trước một số ý kiến đề nghị điều chỉnh tên gọi dự thảo Luật phù hợp với nội hàm phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, tên gọi “Luật Dầu khí” đã được sử dụng thống nhất trong thực tiễn hoạt động dầu khí từ khi Luật điều chỉnh về hoạt động dầu khí thượng nguồn được ban hành năm 1993 cho tới nay và được ghi nhận tại các hợp đồng dầu khí ký kết với các nhà thầu trong và ngoài nước về luật áp dụng đối với hoạt động dầu khí tại Việt Nam.

Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang sử dụng tên gọi Luật Dầu khí để điều chỉnh các hoạt động thượng nguồn. Quy định tại dự thảo Luật đã đủ rõ về phạm vi điều chỉnh chỉ bao gồm điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn.

"Vì vậy, đề nghị giữ tên gọi dự thảo Luật như đã trình, bảo đảm tính kế thừa, ổn định, liên tục của pháp luật về dầu khí"

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn; dự thảo Luật có quy định về đầu tư dự án theo chuỗi, đề nghị bổ sung “dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ” vào phạm vi điều chỉnh.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, hoạt động dầu khí thượng nguồn có đặc thù về triển khai hoạt động và gắn kết chặt chẽ với các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Vì vậy, cần thiết có quy định riêng tại Luật chuyên ngành.

Thực tế Luật Dầu khí hiện hành cũng đang xác định phạm vi điều chỉnh là hoạt động dầu khí thượng nguồn. Đối với các hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn thực hiện theo quy định tại các luật có liên quan; trong quá trình triển khai cơ bản không gặp vướng mắc.

Việc thiết lập chuỗi giá trị dầu khí từ tìm kiếm thăm dò đến chế biến dầu khí được thực hiện thông qua công tác lập, triển khai quy hoạch năng lượng và các quy hoạch khác có liên quan, bảo đảm tính tổng thể.

Đối với dự án dầu khí theo chuỗi, để tránh nhầm lẫn chuỗi giá trị dầu khí và chuỗi đồng bộ hoạt động dầu khí thượng nguồn, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, quy định rõ tại khoản 1 Điều 41 về nội dung này.

Có ý kiến đề nghị không quy định kinh phí điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn ngân sách Nhà nước. Ý kiến khác đề nghị phân định rõ trường hợp bố trí chi phí từ ngân sách Nhà nước; đối với hoạt động của doanh nghiệp thì doanh nghiệp tự cân đối.

Ông Vũ Hồng Thanh cho hay, công tác điều tra cơ bản về dầu khí là nhiệm vụ điều tra, khảo sát ban đầu phải thực hiện để đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Khi phê duyệt danh mục đề án điều tra cơ bản về dầu khí sẽ xác định cụ thể về nguồn kinh phí đối với mỗi đề án.

"Tuy nhiên, công tác này có tính rủi ro cao, nhu cầu vốn lớn, cần huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân khác ngoài nguồn ngân sách Nhà nước để thực hiện", ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh. Đồng thời, ông Thanh cũng thông tin tại khoản 4 Điều 9 đã quy định cụ thể trách nhiệm phê duyệt, kiểm tra, giám sát của Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan.

Đối với kinh phí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, khoản 1 Điều 63 dự thảo Luật đã quy định chi phí này được thanh toán bằng nguồn lợi nhuận sau thuế của PVN.

Điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu khí

Về việc phê duyệt hợp đồng dầu khí (Điều 24 dự thảo Luật), ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, còn một số ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh quy định về thẩm quyền phê duyệt hợp đồng dầu và có 2 loại ý kiến.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng hợp đồng chia sản phẩm dầu khí có cấu trúc nội dung phức tạp do đặc thù của hoạt động dầu khí. Trong bối cảnh hiện nay thực hiện hoạt động dầu khí ngày càng hội nhập và đã có nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành Luật Dầu khí năm 1993, cần có cơ chế mới về phê duyệt hợp đồng dầu khí bảo đảm tính chủ động cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Công Thương và PVN trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc giao PVN phê duyệt hợp đồng dầu khí không bảo đảm khách quan trong trường hợp PVN tham gia với tư cách nhà thầu độc lập ký kết hợp đồng dầu khí.

Vì vậy, đề nghị tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội theo hướng, quy định Thủ tướng Chính phủ chỉ phê duyệt nội dung chính của hợp đồng dầu khí; giao Bộ Công Thương phê duyệt nội dung hợp đồng dầu khí, trên cơ sở đó, PVN ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí (Phương án 1 khoản 1 Điều 24 dự thảo Luật). Đồng thời, bỏ quy định về Chính phủ ban hành hợp đồng dầu khí mẫu để bảo đảm sự thống nhất về chính sách.

Loại ý kiến thứ hai nhấn mạnh hợp đồng chia sản phẩm dầu khí là thỏa thuận pháp lý quan trọng giữa Nhà nước và nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí. Ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tìm kiếm thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí quốc gia, có tính chất dài hạn với nhiều nội dung đặc thù có liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Vì vậy, cần thiết quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến thứ nhất. Để bảo đảm thống nhất và có thể áp dụng chính sách này ngay sau khi Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Luật Thuế tài nguyên theo hướng loại trừ trường hợp khai thác tài nguyên đối với mỏ khai thác dầu khí tận thu theo quy định của pháp luật về dầu khí (Phương án 1 Điều 66 dự thảo Luật).

Tuy nhiên, phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay ông vẫn băn khoăn về quy định này.

“Mặc dù Thường trực Ủy ban Kinh tế lựa chọn phương án 1, tôi thấy phương án này có 3 bất cập, phải nghiên cứu rõ thêm để cân nhắc phương án 1 hay 2, hay phương án kết hợp cả 1 và 2 luôn”.Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Theo Chủ tịch Quốc hội, yêu cầu của việc phê duyệt hợp đồng dầu khí là phải rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền. “Tôi thấy phương án 1 là chưa rõ cái này. Một việc mà 2 chủ thể phê duyệt. Thủ tướng phê duyệt khung, Bộ Công thương lại phê duyệt bước thứ 2. Thế sau này có chuyện gì ai chịu trách nhiệm?", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi. “Tinh thần là phân cấp, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo nhanh mà như thế này thì kéo rê, kéo dài”, Chủ tịch Quốc hội nói thêm.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng hợp đồng dầu khí rất quan trọng với Nhà nước, nhà đầu tư dầu khí, quyền và nghĩa vụ các bên trong thăm dò, khai thác, có tính chất rất dài hạn, 20 - 30 năm. Quá trình đó tranh chấp, rủi ro trong hợp đồng phát sinh nhiều.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cân nhắc nên chăng Thủ tướng Chính phủ phê duyệt toàn bộ hợp đồng. Còn nếu phân cấp thì quy định trong luật nguyên tắc cơ bản để Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu quan điểm, quy định thẩm quyền Thủ tướng phê duyệt toàn bộ nội dung hợp đồng dầu khí là phù hợp thực tiễn hoạt động dầu khí tại Việt Nam.

Bộ trưởng phân tích, hợp đồng dầu khí là thỏa thuận ràng buộc pháp lý giữa Nhà nước và nhà thầu dầu khí, có thời hạn rất dài, nhiều nội dung đặc thù liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, mặt biển... Các điều khoản của hợp đồng dầu khí liên quan mật thiết với nhau, do đó rất khó phân định các điều khoản chính, phụ.

Ngoài ra, tại dự luật sửa đổi, Chính phủ đã phân cấp nhiều nội dung cho Bộ Công Thương và PVN, chỉ một số nội dung rất quan trọng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, gồm: kết quả lựa chọn nhà thầu, nội dung hợp đồng dầu khí, gia hạn hợp đồng dầu khí trong trường hợp đặc biệt, chuyển nhượng quyền lợi tham gia trong hợp đồng dầu khí.

Kết luận nội dung thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tiếp tục rà soát căn cứ pháp lý, thực tiễn, đánh giá đẩy đủ, toàn diện tác động, ưu - nhược điểm của 2 phương án. Trên cơ sở đó, Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến tại hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách để lựa chọn phương án phù hợp.

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) có bố cục 11 chương với 68 điều, quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luật áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

Dự luật Dầu khí (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 3 (tháng 6/2022) và tiếp tục thảo luận tại kỳ họp thứ 4, vào tháng 10 tới đây.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.