Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu nông sản 60 - 62 tỷ USD vào năm 2030

Nông Sản XUẤT KHẨU
20:49 - 09/11/2022
Cần nhiều hơn cơ chế thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Cần nhiều hơn cơ chế thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
0:00 / 0:00
0:00
Đây là mục tiêu chính của việc xây dựng 4 đề án thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang các thị trường trọng điểm Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, nhằm tăng tăng tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 6 – 8%/năm.

Sắp có 4 đề án thúc đẩy xuất khẩu nông sản

Tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách và thể chế phát triển thị trường nông sản Việt Nam”, ngày 9/11, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, trong những năm qua, cơ chế chính sách phát triển thị trường nông sản Việt Nam ngày càng được quan tâm, hoàn thiện hỗ trợ thị trường.

Nhiều chính sách đã góp phần bảo đảm sự vận hành của thị trường nông sản như nhóm chính sách định hướng, quy hoạch phát triển; nhóm chính sách đất đai, chính sách hỗ trợ đầu tư, tín dụng và tài chính, chính sách khuyến khích liên kết trong sản xuất - tiêu thụ, chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Nhờ vậy, trong giai đoạn 2011 - 2021, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,9%/năm. Năng suất lao động tăng bình quân 4,73%/năm, tăng trưởng xuất khẩu 7,3%/năm. Đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới, đưa nông sản tới hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, trong quá trình triển khai, hệ thống thể chế và chính sách hỗ trợ phát triển thị trường nông sản bộc lộ một số hạn chế.

“Có thể kể đến nhóm chính sách đất đai chưa tạo điều kiện để khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai. Hoạt động quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, còn chồng chéo giữa Bộ/ngành. Hệ thống logistics phục vụ xuất khẩu nông sản chưa phát triển, khiến chi phí logistics của Việt Nam cao hơn của Thái Lan đến 12,5% và thế giới là 14%”, Viện trưởng IPSARD nêu một loạt ví dụ.

Trước những bất cập này, TS. Trần Công Thắng thông tin, IPSARD đang được Bộ NN&PTNT giao xây dựng 4 Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản giai đoạn 2022 - 2030.

TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thông.

TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thông.

Xây dựng đề án thích nghi bối cảnh hậu Covid-19

Làm rõ hơn về các đề án, ông Vũ Huy Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, đề án thúc đẩy xuất khẩu thị trường EU đã xong chuẩn bị xin ý kiến Chính phủ, 3 đề án còn lại đang trong quá trình góp ý.

Nông sản luôn là một ngành hàng xuất siêu trong những năm qua. Vừa qua, Thủ tướng đã ký chiến lược thúc đẩy xuất khẩu nông sản đến 2050, trong đó có các định hướng làm sao để nông sản Việt Nam đáp ứng được các nhu cầu thị trường xuất khẩu.

“Tuy nhiên sau Covid-19, yêu cầu của các thị trường trở nên gắt gao hơn với các tiêu chuẩn nâng cao, do đó Bộ NN&PTNT xây dựng đề án để tìm ra các giải pháp thích ứng”, ông Phúc giải thích lý do xây dựng 4 đề án.

Vấn đề đến chất lượng nông sản vẫn còn những vấn đề dư lượng thuốc trừ sâu hay chưa đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường sẽ là thách thức cần tìm hướng giải quyết trong tới.

Về định hướng chung, ông Phúc cho biết, 4 đề án sẽ tập trung giữ vững các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ở các thị trường hiện tại, đẩy mạnh các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao. Định hướng sản phẩm theo hướng bền vững, minh bạch và tham gia sâu hơn các chuỗi phân phối ở các thị trường xuất khẩu.

Thông qua 4 đề án, Bộ NN&PTNT kỳ vọng đưa xuất khẩu nông sản Việt Nam lên 60 – 62 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 25 tỷ USD; lâm sản đạt 16 – 17 tỷ USD; thủy sản đạt 15 tỷ USD; sản phẩm chăn nuôi đạt từ 3 – 4 tỷ USD; mặt hàng nông lâm thủy sản khác đạt khoảng 2 tỷ USD.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu 40% sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu được gắn thương hiệu quốc gia và 70% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc.

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 6 – 8%/năm và khoảng 60% giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản qua chế biến và chế biến sâu.

Việc thực hiện 4 đề án được ông Phúc thông tin sẽ đi cùng với các đề xuất giải pháp ưu tiên thực hiện đến năm 2030, gồm: Xây dựng chương trình thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, hoàn thiện các tiêu chuẩn hàng hóa, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng logistics.

Bên cạnh đó là hỗ trợ tiếp cận thông tin, nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu thị trường, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và tăng cường đàm phán mở cửa thị trường.

PGS.TS Đào Thế Anh đề xuất các giải pháp xây dựng thị trường nông sản hậu Covid-19.

PGS.TS Đào Thế Anh đề xuất các giải pháp xây dựng thị trường nông sản hậu Covid-19.

Cùng với việc Việt Nam hội nhập ngày càng toàn diện và sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, PGS.TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho rằng, việc phát triển thị trường nông sản cần quan tâm đến các quy luật kinh tế như cung - cầu, biểu giá, chi phí, cũng như thị hiếu của từng thị trường xuất khẩu.

Nêu lên tác động của Covid-19 lên chuỗi giá trị thực phẩm, ông Đào Thế Anh chỉ ra, Covid-19 gây đứt gãy chuỗi giá trị, thiếu dịch vụ hậu cần, tăng chi phí sản xuất và làm thay đổi thái độ người tiêu dùng.

Do đó, Phó Giám đốc VAAS đề xuất các giải pháp ứng phó thông qua tăng cường kết nối thông tin và điều phối chuỗi giá trị. Đầu tư công nghiệp chế biến, bảo quản, minh bạch thông tin và truy xuất nguồn gốc áp dụng công nghệ số. Đa dạng kênh phân phối và thương mại điện tử.

Tin liên quan

Đọc tiếp