Việt Nam quảng bá chính sách mở cửa du lịch quốc tế tại Hội nghị APEC

DU LỊCH APEC
08:39 - 20/08/2022
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt kêu gọi các thành viên APEC khuyến khích công dân đi lại quốc tế tới các nền kinh tế đã mở cửa biên giới cho hoạt động du lịch, khởi động lại du lịch sau đại dịch Covid.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch lần thứ 11 (TMM11) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Bangkok của Thái Lan ngày 19/8, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam Đoàn Văn Việt kêu gọi các Bộ trưởng, trưởng đoàn APEC cùng tăng cường trao đổi và hỗ trợ quảng bá chính sách mở cửa du lịch quốc tế.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị các nền kinh tế thành viên APEC đẩy mạnh trao đổi các quy định mới về xuất nhập cảnh và quản lý khách an toàn; tăng cường khuyến khích các hãng hàng không, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch có chính sách linh hoạt cho khách sử dụng dịch vụ.

Đồng thời, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt thông báo, Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế và nội địa từ ngày 15/3/2022. Việt Nam khôi phục chính sách thị thực (miễn thị thực đơn phương, song phương, thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu) và chính sách nhập xuất cảnh Việt Nam với khách quốc tế như trước đại dịch Covid-19.

Khách quốc tế có thể nhập, xuất cảnh Việt Nam qua đường hàng không, đường biển, đường bộ, đường sông mà không yêu cầu xét nghiệm Covid-19. Các chính sách visa như miễn thị thực, cấp thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu được khôi phục trở lại như trước đại dịch.

Các hãng hàng không đang tích cực khôi phục lại các đường bay quốc tế, thậm chí mở mới đường bay kết nối Việt Nam với Mỹ, Ấn Độ. Các đường bay nội địa đã khôi phục hoàn toàn.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt và Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh tại Hội nghị.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt và Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh tại Hội nghị.

Để khởi động lại du lịch, ngành Du lịch đã thực hiện một số giải pháp quan trọng như: Định hướng cho doanh nghiệp đổi mới sản phẩm du lịch; linh hoạt trong xúc tiến quảng bá, đang thực hiện chiến dịch xúc tiến Live fully in Vietnam - “Sống trọn vẹn ở Việt Nam” hướng tới khách du lịch nước ngoài.

Tăng cường thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong du lịch, phát triển du lịch thông minh, du lịch “không chạm”, “liền mạch” tại Việt Nam; đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động du lịch kéo dài đến hết năm 2023; hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực du lịch,…

Kết quả là trong 7 tháng năm 2022, Việt Nam đã đón gần 750.000 lượt khách du lịch quốc tế, đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022; ngành du lịch phục vụ 71,8 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Du lịch tái tạo phát triển vì tương lai

Các đại biểu tham dự hội nghị đặc biệt quan tâm tới chủ đề “Du lịch tái tạo” mà nước chủ nhà Thái Lan đưa ra nhằm thúc đẩy phục hồi bền vững hậu đại dịch, trong đó có tính đến tất cả các tác động tiềm tàng đối với môi trường, văn hóa và lối sống của địa phương.

Với vai trò là nước chủ nhà của APEC 2022, Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Ratchakitprakarn khẳng định, Thái Lan có tham vọng thúc đẩy các Khuyến nghị chính sách du lịch trong tương lai, đó là “Du lịch tái tạo” để mở đường cho tương lai của ngành du lịch trên toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm theo đuổi sự tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm như đã được nêu trong Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040.

Điều này phù hợp với Mô hình kinh tế sinh học-tuần hoàn-xanh (BCG) mà Chính phủ Thái Lan đang áp dụng để vực dậy ngành du lịch nước nhà với mục tiêu là du lịch an toàn, bao trùm và bền vững.

Với chủ đề “Du lịch tái tạo”, Hội nghị tập trung vào chiến lược tiếp cận toàn diện để phát triển và quảng bá du lịch bằng việc có tính đến tất cả các tác động tiềm tàng đối với môi trường, văn hóa và lối sống của địa phương.

Bên cạnh việc khôi phục các điểm du lịch, chiến lược ưu tiên khuyến khích người dân địa phương tham gia và hưởng lợi từ du lịch hòa nhập và bình đẳng, đồng thời nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa và môi trường.

Theo báo cáo của Ban Hỗ trợ chính sách APEC (PSU), Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong 21 nền kinh tế APEC không đưa ra hạn chế nào về đi lại, không yêu cầu chứng nhận COVID-19, không yêu cầu xét nghiệm COVID-19, không yêu cầu cách ly.

Các tổ chức quốc tế khuyến nghị tới các nhà lãnh đạo du lịch APEC một số chính sách nhằm phục hồi du lịch: việc triển khai các yêu cầu liên quan tới COVID-19 cần dựa trên thực trạng và mức độ rủi ro của dịch bệnh,

Khởi động lại xúc tiến du lịch trực tiếp và xây dựng lòng tin cho du khách về du lịch an toàn, xây dựng nhận thức chung trong APEC về nhu cầu số hoá quá trình xử lý thông tin hành khách, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và chính phủ về số hoá, dỡ bỏ các hàng rào và hạn chế áp dụng với đi lại của hành khách.

Hội đồng Du lịch và Lữ hành Toàn cầu (WTTC) dự báo trong 10 năm tới (2022-2032), ngành du lịch và lữ hành toàn cầu sẽ tạo ra thêm 126 triệu việc làm mới và đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 5,8% cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo là 2,7%. Trong đó, khu vực APEC được dự báo tạo ra 59 triệu việc làm mới và tăng trưởng 6,6%.

Tin liên quan

Đọc tiếp