WEF 2022: Chung tay đối phó đại dịch và khôi phục lòng tin

WEF 2022 THẾ GIỚI
22:52 - 18/01/2022
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2022 diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ theo hình thức trực tuyến. Ảnh: AFP/TTXVN
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2022 diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ theo hình thức trực tuyến. Ảnh: AFP/TTXVN
0:00 / 0:00
0:00
Sau hai năm vắng bóng, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2022 đã trở lại Davos (Thụy Sỹ) thông qua hình thức trực tuyến, tập trung vào các chủ đề nóng như kinh tế, môi trường, chính trị, xã hội, dịch bệnh...

WEF 2022 kéo dài một tuần từ ngày 17-21/1/2022 với chủ đề "Cùng nhau làm việc, Khôi phục lòng tin", quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới để giải quyết tình trạng cấp thiết của thế giới hiện nay.

Phát biểu trước diễn đàn Davos, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận xét rằng, WEF 2022 diễn ra trong bối cảnh mà các nền kinh tế trên hành tinh đang ở trong giai đoạn vô cùng khó khăn, do “sự đoàn kết toàn cầu đang thiếu trong hành động”.

“Hai năm qua đã chứng minh một sự thật đơn giản nhưng tàn khốc - nếu chúng ta bỏ rơi bất kỳ ai, chúng ta sẽ bỏ lại tất cả mọi người”, người đứng đầu Liên Hợp Quốc nói.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN

Theo ông Guterres, có ba lĩnh vực cấp bách cần được các nước chung tay giải quyết để giúp thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế toàn cầu đang diễn ra, cũng như nhằm đảm bảo đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.

Trong lĩnh vực đầu tiên, thế giới phải tiêm vaccine Covid-19 cho tất cả mọi người để đảm bảo thoát khỏi đại dịch.

“Nếu không tiêm phòng cho mọi người sẽ phát sinh những biến thể mới lây lan xuyên biên giới, khiến cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế bị đình trệ", ông nhấn mạnh. Cộng đồng quốc tế cần "đối đầu với đại dịch bằng sự bình đẳng và công bằng".

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc chỉ ra, mùa thu năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố chiến lược để tiêm chủng cho 40% dân số trên hành tinh vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm nay.

"Chúng ta vẫn chưa đến được những mục tiêu này. Tỉ lệ tiêm chủng ở các nước thu nhập cao cao gấp 7 lần so với các nước châu Phi. Chúng ta cần công bằng về vaccine", ông kêu gọi.

Theo ông Guterres, các hãng dược phẩm nên "đoàn kết với các nước đang phát triển bằng cách chia sẻ giấy phép, bí quyết và công nghệ để tất cả chúng ta có thể tìm ra cách thoát khỏi đại dịch này".

Tỉ lệ tiêm chủng ở các nước thu nhập cao cao gấp 7 lần so với các nước châu Phi. Ảnh: BBC

Tỉ lệ tiêm chủng ở các nước thu nhập cao cao gấp 7 lần so với các nước châu Phi. Ảnh: BBC

Trong lĩnh vực thứ hai, thế giới cần hành động khẩn cấp để “cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, để hệ thống này phù hợp với tất cả các quốc gia”.

Ông chỉ ra thực tế rằng: “Nhiều nước đang trải qua tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong một thế hệ qua và đang cố gắng xoay xở để vượt qua cuộc khủng hoảng ngân sách quốc gia”. Theo TTK LHQ, “gông cùm bởi nợ nần chồng chất và lãi suất quá cao” khiến các nước nghèo không đủ điều kiện xóa nợ, mặc dù tình trạng nghèo đói, thất nghiệp đang gia tăng.

“Chính hệ thống tài chính toàn cầu đã làm họ thất bại vào thời điểm họ cần nhất”, ông nói thêm.

Người đứng đầu Liên Hợp Quốc đã yêu cầu cơ cấu lại nợ khẩn cấp, cải cách cấu trúc nợ dài hạn và mở rộng Khuôn khổ chung về Xử lý Nợ cho các nước có thu nhập trung bình. Đồng thời, ông cũng yêu cầu các chính phủ và các tổ chức cần đo lường rủi ro đầu tư, giải quyết tham nhũng và các dòng tài chính bất hợp pháp, đồng thời đảm bảo rằng hệ thống thuế “công bằng và được thiết kế theo cách thực sự giảm bất bình đẳng”.

Ảnh tác giả

“Hai năm qua đã chứng minh một sự thật đơn giản nhưng tàn khốc - nếu chúng ta bỏ rơi bất kỳ ai, chúng ta sẽ bỏ lại tất cả mọi người”.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres

Lĩnh vực thứ ba và cuối cùng được Tổng thư ký nhấn mạnh là thế giới cần “hành động vì khí hậu ở các nước đang phát triển”.

Ông đưa ra cảnh báo: “Nếu hành động của chúng ta không phù hợp với các mục tiêu khí hậu, ta sẽ tự kết tội mình với một trái đất nóng hơn, những thảm họa thiên nhiên tồi tệ hơn".

Ngay cả khi tất cả các nước phát triển giữ lời hứa giảm mạnh khí phát thải vào năm 2030, lượng khí thải toàn cầu vẫn sẽ quá cao để giữ mục tiêu 1,5 độ trong tầm tay.

Theo nghiên cứu do Liên Hợp Quốc tiến hành, mặc dù thế giới cần phải giảm lượng khí thải toàn cầu xuống 45% vào năm 2030 để giữ cho sự ấm lên của Trái đất ở mức trung bình là 1,5 độ so với mức tiền công nghiệp, nhưng lượng khí thải toàn cầu vẫn sẽ tăng 14%.

Và trong số những tác động thảm khốc do sự ấm lên 1,2 độ C kể từ thời tiền công nghiệp lúc này, thiệt hại kinh tế được xác định liên quan đến khí hậu đã tăng 82% trong 2 thập kỷ qua, và thời tiết khắc nghiệt của năm 2021 đã gây đánh bay 120 tỷ USD, giết chết khoảng 10.000 người.

Ngay cả khi tất cả các nước phát triển giữ lời hứa giảm mạnh khí phát thải vào năm 2030, lượng khí thải toàn cầu vẫn sẽ quá cao để giữ mục tiêu 1,5 độ trong tầm tay. Ảnh: Getty Images

Ngay cả khi tất cả các nước phát triển giữ lời hứa giảm mạnh khí phát thải vào năm 2030, lượng khí thải toàn cầu vẫn sẽ quá cao để giữ mục tiêu 1,5 độ trong tầm tay. Ảnh: Getty Images

Vào năm 2020, các cú sốc khí hậu đã buộc 30 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, gấp ba lần số người phải di dời do chiến tranh và bạo lực. Và một tỷ trẻ em có nguy cơ cực kỳ cao phải chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, ông Guterres nhấn mạnh điều cần được ưu tiên là loại bỏ than đá, ngừng việc xây dựng các nhà máy than mới, và các quốc gia phát triển cần hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong quá trình chuyển đổi này.

Sự hỗ trợ này bao gồm việc thành lập các liên minh của các quốc gia và các tổ chức tài chính công - tư, quỹ đầu tư, và các công ty có bí quyết công nghệ để cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật có mục tiêu cho mọi quốc gia cần hỗ trợ.

Ông Guterres nhận định rằng: “Việc xoay chuyển con tàu này sẽ đòi hỏi sức mạnh ý chí và sự khéo léo to lớn của các chính phủ và doanh nghiệp ở mọi quốc gia phát triển”.

Cuối cùng, theo ông, trên cả ba lĩnh vực này, cộng đồng quốc tế cần sự hỗ trợ, ý tưởng, tài chính và tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu. Vì thế giới “không có khả năng tái tạo những bất bình đẳng và bất công đang tiếp tục khiến hàng chục triệu người phải sống trong cảnh túng quẫn, nghèo đói và sức khỏe kém”.

“Chúng ta không thể tiếp tục xây những bức tường để ngăn cách giữa những người có và những người không”, ông nói.

Năm ngày diễn ra hội nghị trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế thế giới (từ ngày 17-21/1) là cơ hội cho lãnh đạo các nước, cũng như các doanh nhân và đại diện các tổ chức xã hội dân sự, thể hiện quan điểm về tình hình thế giới và định hình giải pháp cho những thách thức quan trọng của năm nay.

Các phiên thảo luận chính năm nay xoay quanh các chủ đề như đại dịch, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi năng lượng, khủng hoảng khí hậu, phát triển bền vững và triển vọng kinh tế toàn cầu. Các diễn giả cũng sẽ chia sẻ quan điểm về hợp tác quốc tế nhằm đẩy lui đại dịch và phân phối vaccine cũng như thuốc điều trị Covid-19 một cách công bằng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.