Xuất khẩu cá tra sang EU trong 7 tháng 2022 vượt cả năm 2021

Cá tra eu
15:41 - 09/08/2022
Xuất khẩu cá tra sang EU trong 7 tháng 2022 vượt cả năm 2021
0:00 / 0:00
0:00
Việc EU thiếu nguồn cung cá thịt trắng thời gian qua đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Chính vì vậy, dù mới chỉ đến giữa tháng 7 năm nay nhưng kim ngạch xuất khẩu cá tra vào EU đã vượt mức của cả năm 2021.

Sau nhiều năm khó khăn khi cố gắng giữ vị trí tại thị trường EU cũng như sự gián đoạn của các doanh nghiệp trước đại dịch, năm 2022 dự sẽ là một năm tươi sáng của ngành cá tra Việt tại thị trường EU.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ trong vòng hơn 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU đã vượt mốc của cả năm 2021, đạt 122 triệu USD, tăng tới 91% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, cả năm 2021 chỉ đạt 106 triệu USD.

Tính đến giữa tháng 7/2022, tất cả các thị trường trong khối EU nhập khẩu cá tra Việt đều tăng mạnh, mức tăng trưởng thấp nhất là 25%, cao nhất là gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Top 5 thị trường lớn nhất trong khối lần lượt là Hà Lan (+72%), chiếm 30% thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU; Đức (+107%), chiếm 12%. Thị trường đứng thứ ba là Tây Ban Nha (+75%), chiếm gần 10%, Bỉ (+92%), chiếm 9,7% và Italy (+90%), chiếm gần 8%...

Hơn 93% giá trị xuất khẩu cá tra sang EU là từ sản phẩm cá tra phile đông lạnh (mã HS 0304) với giá trị 113,5 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ. Sản phẩm cá tra cắt khúc đông lạnh (HS 0303) chiếm khoảng 4,4%, còn lại là cá tra chế biến chiếm 1,6%.

Biến động xuất khẩu cá tra vào EU 6 tháng đầu năm 2021 và 2022. Ảnh: VASEP

Biến động xuất khẩu cá tra vào EU 6 tháng đầu năm 2021 và 2022. Ảnh: VASEP

Theo VASEP, EU từng là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với doanh số đạt đỉnh vào năm 2010 với mức 511 triệu USD, chiếm 36% tổng trị giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Cũng trong năm 2010, cá tra của Việt Nam cũng chiếm tới 22% thị phần cá thịt trắng nhập khẩu vào EU. Có thể thấy, cá tra Việt vào thời điểm đó rất được “ưu ái” tại thị trường này”.

Tuy nhiên, từ sau thời điểm cá tra bị đưa vào danh sách đỏ của WWF năm 2-10 cùng với chiến dịch truyền thông không tốt của một số nước, thị phần cá cá tại khu vực này đã “tuột dốc không phanh”.

Khi EVFTA ra đời đã được kỳ vọng là cầu nối trở để cá tra lấy lại vị thế tại thị trường này. Theo đó, sau khi hiệp định này có hiệu lực, cá tra Việt sẽ được hưởng thuế GSP là 5,5%, và lùi xuống 0% sau 3 năm. Trong khi đó, các nước như Indonesia vẫn chịu thuế 5,5%... Riêng cá tra hun khói lộ trình giảm thuế là 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực

Mặc dù vậy, hai năm đại dịch đã làm gián đoạn quá trình xây dựng lại hình ảnh cho cá tra Việt. Bước sang năm 2021, xuất khẩu cá tra sang thị trường này chiếm 7% tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam; ở chiều ngược lại, cá tra Việt cũng chỉ còn chiếm 1,6% thị phần nhập khẩu cá thịt trắng của EU.

Giãn cách xã hội và phong toả khiến phân khúc dịch vụ thực phẩm – kênh tiêu thụ lớn nhất của các tra phile tại châu Âu bị đóng cửa. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì logistic đình trệ, thiếu container xuất hàng và cước vận tải biển tăng gấp 4-10 lần so với trước dịch. Các yếu tố trên đã kìm chân doanh nghiệp cá tra đẩy mạnh xuất khẩu vào EU.

Năm 2022, nhu cầu của các thị trường bùng nổ sau 2 năm kìm nén, sản xuất nội địa không đủ đáp ứng. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới biến động do cuộc xung đột Nga – Ukraine, các lệnh trừng phạt đã khiến nguồn cung cá thịt trắng của Nga vào châu Âu bị đứt quãng. Trong khi đó, Nga lại là quốc gia cung cấp cá thịt trắng lớn nhất cho khu vực khi chiếm tới 17% cá tuyết cod của EU, 19% cá minh thái Alaska và 19% cá tuyết chấm đen. Đây sẽ là cơ hội lớn dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp