Tìm đường sang thị trường Nga: "Nếu chỉ làm ăn nhỏ lẻ sẽ rất khó cạnh tranh"

XUẤT KHẨU Việt nAM
19:30 - 02/11/2021
Kim ngạch xuất khẩu hàng nông – thủy sản của Việt Nam sang Nga tăng đáng kể kể từ sau Hiệp định thương mại tự do.
Kim ngạch xuất khẩu hàng nông – thủy sản của Việt Nam sang Nga tăng đáng kể kể từ sau Hiệp định thương mại tự do.
0:00 / 0:00
0:00
Tư duy "đi ra nước ngoài" của doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi, cần có sự liên kết phối hợp, bắt tay tạo ra không gian chung Việt Nam tại các thị trường nước ngoài. 

Mức thuế xuất khẩu cho nông, thủy sản Việt Nam sang LB Nga và EAEU theo Hiệp định thương mại tự do gần như về 0, được nhận định như một cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam. Nhưng nếu các doanh nghiệp không thay đổi "tư duy khi đi ra nước ngoài", chỉ làm ăn nhỏ lẻ với những mặt hàng nhỏ lẻ thì sẽ rất khó cạnh tranh.

Để đẩy mạnh khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại tự do sang hai thị trường này, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại LB Nga đã có những chia sẻ tại buổi Hội thảo kết hợp Đào tạo kỹ năng xuất khẩu hàng nông thủy sản sang thị trường Liên bang Nga và AEAU do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều 02/11.

Tận dụng Hiệp định thương mại tự do

Ông Minh cho biết, kinh tế Liên bang (LB) Nga đang phát triển khá nhanh trong thời gian gần đây bất chấp ảnh hưởng của COVID-19 và đang là thị trường nhập khẩu nông – thủy sản lớn nhất tại khu vực Đông Âu.

Theo thống kê của LB Nga, kể từ sau khi ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu thì kim ngạch xuất khẩu hàng nông – thủy sản của Việt Nam sang Nga tăng đáng kể. Một số mặt hàng của Việt Nam có tỷ trọng lớn, chiếm thị phần áp đảo tại thị trường Nga tuy nhiên do chủ yếu là hàng thô sơ chế nên giá trị còn thấp.

Trả lời câu hỏi của MEKONG ASEAN về những cơ hội của Việt Nam khi chuyển từ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) sang Hiệp định thương mại tự do, ông Minh phân tích:

Kể từ 12/10/2021, Việt Nam không được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập cho các nước đang phát triển và kém phát triển (GSP) bởi Nga đánh giá lại Việt Nam không còn nằm trong danh sách đó nữa. Đối với ưu đãi thuế quan phổ cập, các mặt hàng nông – thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Nga và EAEU sẽ được giảm 25% so với mức thuế bình thường.

Tuy nhiên mức thuế nằm trong Hiệp định thương mại tự do còn thấp hơn nhiều so với ưu đãi thuế quan phổ cập, mức thuế các mặt hàng sẽ gần như về 0. Chỉ trừ các sản phẩm ngành cà phê chế biến sâu đóng gói như cà phê hay chè. Đây là cơ hội lớn mà các doanh nghiệp cần tranh thủ khi LB Nga chưa mở cửa cho các thị trường khác.

Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Nga đạt 135 triệu USD (chiếm 20,7% tổng kim ngạch nhập khẩu cà phê của Nga); chè đạt 24,9tr USD (chiếm 6% thị phần); xoài sấy đạt 9,2tr USD (chiếm 92,4%); hạt tiêu đạt 18,7 triệu USD (chiếm 40% thị phần); cá khô, cá hun khói đạt 32,4 triệu USD (chiếm tỷ trọng 20%)

Ảnh tác giả

Tuy nhiên mức thuế nằm trong Hiệp định thương mại tự do còn thấp hơn nhiều so với ưu đãi thuế quan phổ cập, mức thuế các mặt hàng sẽ gần như về 0. Chỉ trừ các sản phẩm ngành cà phê chế biến sâu đóng gói như cà phê hay chè.

Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại LB Nga

Tham tán Thương mại Việt Nam tại LB Nga đưa ra những khuyến nghị để Việt Nam có thể khai thác triệt để Hiệp định thương mại tự do trong xuất khẩu nông – thủy sản Việt Nam sang Nga và EAEU.

Các doanh nghiệp cần chủ động khảo sát để nắm tình hình thị trường, xu hướng tiêu dùng hàng hóa bằng việc tham gia các hội chợ, triển lãm, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp đã thành công từ hình thức này, kết nối được các đối tác xuất khẩu.

Ông Minh cho rằng các doanh nghiệp cần đào tạo cán bộ xuất nhập khẩu, nắm vững ngoại ngữ, chủ động hơn nữa trong việc đi khai thác các thị trường và tăng cường hợp tác với chính các doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga để hợp tác, thúc đẩy xuất khẩu.

Về sản xuất, ông Minh đề nghị Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác mở rộng quy mô sản xuất, đảm bảo sản phẩm tốt, đồng đều, có bao bì mẫu mã phù hợp với thị hiếu thị trường.

Xuất khẩu nông, thủy sản: Cần có sự liên kết tạo ra các gói hàng lớn

Với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực thương mại nông – thủy sản tại Nga, ông Lê Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga đã đưa ra nhiều ý kiến thúc đẩy khai thác Hiệp định thương mại tự do dưới góc nhìn doanh nghiệp.

Nga kinh doanh các mặt hàng thương mại của chính họ bằng cách bán các vị trí, các gian hàng trong siêu thị trong chuỗi phân phối chứ không đơn thuần là bán hàng hóa.

Ông Sơn lấy ví dụ: Nga có các sản phẩm thiết yếu mà họ tự kinh doanh, ví dụ mặt hàng chuối độc quyền chiếm 60% thị phần, họ liên doanh với các trại chuối ở Trung Mỹ, theo một chuỗi từ khâu sơ chế, bảo quản và trở về Nga bằng tàu lớn do đó họ có thể giảm được rất nhiều chi phí.

Ảnh tác giả

Nếu chúng ta chỉ làm ăn nhỏ lẻ với những mặt hàng nhỏ lẻ thì rất khó cạnh tranh. Do đó, cần có sự liên kết, hợp tác tạo ra những gói hàng lớn, đa dạng để tăng khả năng cạnh tranh trong chuỗi phân phối của Nga

Ông Lê Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga

Mùa hè bán giá theo lô, mùa đông bán gấp 3 gấp 4 lần giá mùa hè, bằng cách đó họ cân bằng thị trường và duy trì khả năng độc quyền. Việt Nam cần nhìn từ đó để có chiến lược cho đúng.

“Ngoài các mặt hàng độc quyền thì hạng mục thứ hai trong chuỗi phân phối thuộc về các nhà cung cấp khác, Việt Nam nên tập trung vào hạng mục này," ông Sơn nói.

"Nếu chúng ta chỉ làm ăn nhỏ lẻ với những mặt hàng nhỏ lẻ thì rất khó cạnh tranh. Do đó, cần có sự liên kết, hợp tác tạo ra những gói hàng lớn, đa dạng để mua được những gian hàng và tăng khả năng cạnh tranh trong chuỗi phân phối của Nga”, ông Sơn nhấn mạnh.

Về yêu cầu cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu nông – thủy sản để tạo thành chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm là vấn đề cũng đã từng được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề cập gần đây.

Tại Tọa đàm trực tuyến về xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu ngày 26/10, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần sớm thành lập một hiệp hội hay liên minh hay tổ chức các doanh nghiệp nông sản Việt xuất khẩu sang các thị trường lớn.

Ảnh tác giả

"Tư duy đi ra nước ngoài của doanh nghiệp cần thay đổi, có sự phối hợp để bắt tay tạo ra “không gian chung Việt Nam” ở nước ngoài. Doanh nghiệp “nép mình” vào một chút, đi vào không gian chung để cạnh tranh với các nước khác trên diễn đàn quốc tế. Việc các loại hàng hóa của các DN bổ sung cho nhau sẽ kích hoạt một hình ảnh chung, đồng nhất của nông sản Việt Nam".

Bộ trưởng NN& PTNT Lê Minh Hoan

Tin liên quan

Đọc tiếp