Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh trái chiều với rau quả

XNK Việt nAM
19:16 - 04/03/2022
Xuất khẩu thủy sản tăng mạnh trái chiều với rau quả
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu nông lâm thủy sản 2 tháng đầu năm tăng hơn 20% so với năm ngoái, trong đó, thủy sản xuất khẩu tăng vọt gần 50% nhưng xuất khẩu rau quả lại giảm mạnh. 

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tháng 2/2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 3,3 tỉ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giảm 31,4% so với tháng 1/2022. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản uớc đạt khoảng 8 tỉ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2022 tăng vọt 47,2% so với cùng kỳ, đạt gần 1,5 tỉ USD. Trong đà phục hồi sau đại dịch Covid-19, cùng với sự tăng giá đột phá của các loại thủy sản nguyên liệu đã đóng góp vào kết quả này. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tích cực đẩy mạnh xuất khẩu nhiều loài thủy sản có thế mạnh của Việt Nam như cá tra tăng 83,3%, tôm tăng 34,3%.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), hiện sản xuất và chế biến thủy sản trong nước đã gần như trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch. Nhờ vậy, các doanh nghiệp đã nhận được nhiều đơn hàng, đưa kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đều tăng đột phá. VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong những tháng tới sẽ tiếp tục ghi nhận những kết quả khả quan, trong quý I/2022 có thể mang về trên 2 tỉ USD.

Đặc biệt, ngành xuất khẩu cá tra năm nay sẽ tiếp tục phát triển, tiếp nối thành công của năm 2021. Năm 2021 đã ghi nhận thành công của các cơ sở nuôi cá tra khi không còn lô cá tra nào bị cảnh báo về chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, trong 23 lô hàng bị cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cụ thể, trong 23 lô cá tra bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo, có 13 lô cảnh báo về chỉ tiêu vi sinh (chiếm 56,6%), 5 lô cảnh báo về chỉ tiêu chất lượng gồm tỷ lệ mạ băng, phụ gia (chiếm 21,7%), 5 lô cảnh báo về bao bì ghi nhãn (chiếm 21,7%).

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng rau quả, chè, sắn và sản phẩm từ sắn 2 tháng đầu năm nay đều giảm từ 10-12% so với cùng kỳ. Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tháng 2, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 153 triệu USD, giảm 47,7% so với tháng 1 và gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chính được Hiệp hội này đưa ra là do việc ùn ứ xe hàng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm nay, khiến thị phần xuất khẩu rau quả sang thị trường quan trọng này bị giảm mạnh. Tính riêng tháng 1, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm 19% về giá trị và tiếp tục giảm trong tháng 2, khiến nhóm hàng này mất vị trí số 1 trong thị phần xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào nhóm hàng cao su với kim ngạch chiếm 33,3% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản.

Luỹ kế 2 tháng, xuất khẩu rau quả Việt Nam đi các thị trường chỉ đạt 445 triệu USD giảm 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, các mặt hàng có tỷ trọng giảm mạnh nhất là thanh long, mít và dưa hấu... Mức giảm này phần lớn do thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã siết chặt việc nhập khẩu bởi các quy định phòng chống dịch Covid-19, gây tắc nghẽn tại các khu vực cửa khẩu biên giới phía bắc.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đang chậm lại và có xu hướng đảo chiều, khi giảm mạnh thay vì mức tăng 2 con số của những năm trước. Bên cạnh đó, mức tăng trưởng xuất nhập khẩu sang các thị trường chính khác vẫn rất khả quan, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Vì vậy, các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan cần có sự nghiên cứu lại thị trường, tìm cách đa dạng hóa thị trường xuất khẩu rau quả, thay vì phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc.

Tin liên quan

Đọc tiếp