40% người dân TP HCM không hề biết thành phố mình có biển

Đô thị biển Việt nAM
08:09 - 04/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Tại nhiều thành phố có biển như TP HCM, đô thị hóa đang hoàn toàn dựa vào đất, chưa có nhiều đô thị biển, yếu tố biển chưa đi vào tâm thức người dân, dẫn đến có khảo sát cho thấy 40% người dân TP HCM không biết thành phố mình có biển.

Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên nhìn tổng thể, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại.

Phát biểu tại hội thảo "Phát triển bền vững đô thị biển Việt Nam thời kỳ mới" vào chiều ngày 3/8, PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi - Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đưa ra nhận định: "Hiện nay, đô thị hóa chỉ hoàn toàn dựa vào đất (Land-based), chưa liên kết nhiều với biển và chưa dựa vào biển (Sea-based) theo đúng nghĩa của nó".

PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi - Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi - Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

"Vừa qua, có những địa phương có biển, như TP HCM chẳng hạn, có khảo sát cho thấy 40% người dân TP HCM chưa hề biết thành phố mình có biển. Nghĩa là tiềm năng biển chưa được khai thác tương xứng, kinh tế biển chưa đa dạng, chưa tạo được dấu ấn và yếu tố biển chưa đi vào tâm thức người dân và chưa trở thành thương hiệu lớn của thành phố", ông Hồi nói.

Để hệ thống đô thị biển phát triển xứng tầm, đồng thời triển khai Chiến lược biển 2030 và thực hiện “Khát vọng Việt Nam”, PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh cần phải tổ chức lại không gian kinh tế biển, bao gồm kinh tế ven biển, kinh tế đảo và kinh tế thuần biển, trong đó cần xác định không gian đô thị biển.

Cụ thể, nguyên Phó Tổng cục trưởng nêu ra một số vấn đề cần xem xét, cân nhắc và chú ý xử lý như: Công nhận và sử dụng khôn khéo các giá trị của cảnh quan thiên nhiên và các hệ sinh thái biển, đảo như là nguồn “vốn phát triển” dài hạn.

Cần phải xác định mô hình đô thị biển như là một “Hệ sinh thái đô thị biển” đa chiều, đa phương diện, đa dạng và đa dụng. Mô hình đô thị ven biển, vừa phải hiện đại, vừa dân tộc; vừa có tính đặc thù vùng miền. Ngoài ra cũng cần lưu ý, mỗi hệ thống (tự nhiên và nhân sinh) đều có 3 thuộc tính (đặc trưng) vốn có: Tính vượt trội, tính đa dụng và tính liên kết (liên kết nội tại và liên kết vùng).

Trong khi đó, TS. KTS. Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam lại cho biết: "Cách tiếp cận với đô thị sông nước, biển tại Việt Nam là phải cân bằng giữa nước và đất, tức là “âm - dương hài hoà” để không còn cảnh ngập lụt, suy giảm nước ngầm..."

TS. KTS. Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam.
TS. KTS. Ngô Trung Hải - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam.

Đưa ra ý kiến để phối kết hợp các tài nguyên "sông" và "biển", TS. KTS. Ngô Trung Hải phân tích, Việt Nam có khoảng trên 70 đô thị gắn được với chữ “sông” và “biển”, trong đó phía Bắc và Nam có thể nhận thấy rõ xu hướng này.

"Ngày xưa, để tránh ngập lụt, một thành phố sẽ cần phải làm đê. Còn ngày nay, theo kinh nghiệm nước ngoài, điển hình ở Hà Lan, họ nghiên cứu xây dựng để đô thị có thể chứa được nước, từ đó nước có thể được lưu trữ phục vụ nhiều công trình. Đó là bài học cho cách làm quy hoạch thành phố ven sông Sài Gòn, sông Hồng…", ông Hải cho biết.

Tại hội thảo, các ý kiến đều chỉ ra đô thị hướng biển ở Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp.

Tin liên quan

Đọc tiếp