ACBS duy trì triển vọng trung lập cho ngành dệt may giai đoạn cuối năm

Dệt May Việt nAM
06:00 - 15/09/2022
ACBS duy trì triển vọng trung lập cho ngành dệt may giai đoạn cuối năm
0:00 / 0:00
0:00
Theo ACBS, dệt may Việt Nam cần có những bước tiến mạnh mẽ hơn về cải thiện tỷ lệ giá trị gia tăng, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tăng sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn để giúp ngành dệt may cải thiện tình hình đơn hàng.

Tại báo cáo triển vọng thị trường ngành dệt may, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết, dệt may là một trong những trụ cột xuất khẩu quan trọng, đóng góp khoảng 12% vào tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện ngành dệt may vẫn gặp vấn đề trăn trở khi còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc bất kể nhiều nỗ lực nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa, báo cáo viết.

Triển vọng dệt may nửa cuối năm kém khả quan hơn

Đến hiện tại, Mỹ, các nước CPTPP và EU vẫn là những khách hàng lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam với thị phần xuất khẩu vào Mỹ gia tăng trong những năm gần đây trong khi thị phần của Trung Quốc có xu hướng giảm.

Từ trước đến nay, gia công theo hình thức CMT (gia công theo mẫu do khách hàng cung cấp) vẫn là loại đơn hàng phổ biến nhất mà các nhà sản xuất Việt Nam nhận được, tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà sản xuất cố gắng tiếp cận các loại đơn hàng cao hơn như FOB trong chuỗi giá trị của ngành để nâng cao biên lợi nhuận.

Công thức FOB là doanh nghiệp sản xuất nhận đơn đặt hàng may mặc chỉ có trách nhiệm ship hàng ra ngoài cảng biển là hết trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất. Phần chi phí phát sinh như trả tiền vận chuyển tàu biển và bảo hiểm đơn hàng từ cảng cho điểm đến cuối cùng của đơn hàng sẽ do người đặt hàng (khách hàng) chịu trách nhiệm.

Do chịu tác động của dịch Covid-19, giá trị xuất khẩu hàng dệt may giảm 2,2% so với cùng kỳ trong quý III/2021. Tuy nhiên, nhờ kết quả hoạt động tốt trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành dệt may đã ghi nhận kết quả tích cực với giá trị xuất khẩu hàng dệt may ước tăng khoảng 18,8% so với cùng kỳ.

Theo ACBS, căng thẳng giữa Nga và Ukraine có thể không tác động trực tiếp đáng kể đến ngành vì giá trị xuất khẩu hàng dệt may vào hai thị trường này vẫn rất nhỏ (xuất khẩu dệt may vào Nga chiếm khoảng 1% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2021).

Tuy nhiên, ngành cũng chứng kiến những tác động bất lợi lên chuỗi cung ứng và giá nguyên vật liệu tăng do chi phí vận chuyển tăng, căng thẳng giữa Nga và Ukraine kéo dài, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc,...

Ngoài ra, đơn hàng có xu hướng chậm hơn từ quý II/2022 đổ đi do bất ổn về kinh tế tại một số quốc gia nhập khẩu lớn của ngành, khiến triển vọng nửa sau của năm kém khả quan hơn 6 tháng đầu năm, ACBS nhận định.

Dệt may tiếp tục là vai trò trụ cột trong kinh tế Việt Nam

ACBS có cái nhìn trung lập cho giai đoạn những tháng cuối năm 2022 đối với ngành dệt may do một số ý kiến lo ngại lạm phát có thể tác động tiêu cực đến việc chi tiêu cho các sản phẩm dệt may ở các khách hàng lớn như Mỹ và EU.

Dù vậy, tác động có thể không giống nhau ở những phân khúc sản phẩm và thị trường khác nhau. Cho cả năm 2022, ngành dệt may Việt Nam đã đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu là 38-39 tỷ USD cho kịch bản xấu nhất, 40-41 tỷ USD cho kịch bản trung bình và 42,5-43,5 tỷ USD cho kịch bản tốt nhất.

Trong viễn cảnh dài hơn, các chuyên gia kỳ vọng ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục vai trò không chỉ là trụ cột quan trọng trong xuất khẩu của cả nước mà còn là nhà xuất khẩu dệt may lớn trên thế giới khi Việt Nam được xem là một trong những địa điểm sản xuất hấp dẫn với chi phí lao động thấp và lực lượng lao động lớn.

Về chi phí hoạt động, theo ACBS, lợi thế này có thể không bền vững khi nhiều đối thủ khác đang nổi lên. Do đó, ngành cần có những bước tiến mạnh mẽ hơn về cải thiện tỷ lệ giá trị gia tăng, giảm phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc/nguyên liệu nhập khẩu (mà vẫn phải đảm bảo an toàn môi trường), tăng sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Trước đó, tại báo cáo về thị trường tháng 9 về ngành dệt may, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cũng đánh giá về tính rủi ro của ngành dệt may. Theo Mirae Asset, Việt Nam hiện bị ảnh hưởng khi mảng dệt tại Trung Quốc ghi nhận giảm 4,8% so với cùng kỳ trong tháng 7, tiếp tục ở mức tiêu cực.

Với việc kiên trì theo đuổi chính sách giãn cách nhằm kiểm soát dịch Covid-19, hoạt động dệt may ở Trung Quốc đang cho thấy dấu hiệu bị ảnh hưởng nặng khi sản xuất trang phục cũng đi xuống, kéo theo nhu cầu của sợi suy giảm.

Một điểm xám khác trong bức tranh kinh tế ngành dệt may liên quan đến nhu cầu về hàng may mặc trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế ảm đạm, đặc biệt là Mỹ với GDP quý II giảm 0,9% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nguy cơ nền kinh tế EU gặp rủi ro liên quan đến vấn đề khí đốt. Việc này sẽ khiến tăng trưởng chuỗi giá trị ngành dệt may toàn cầu và Việt Nam nói riêng sẽ suy giảm, các chuyên gia Mirae Asset nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp