Anh gia hạn chính sách hỗ trợ tiền năng lượng cho các hộ gia đình

Chi phí ảnh
12:34 - 16/03/2023
Chính phủ Anh sẽ gia hạn chính sách hỗ trợ hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình thêm 3 tháng trong bối cảnh Anh gặp khủng hoảng chi phí. Ảnh: Alamy
Chính phủ Anh sẽ gia hạn chính sách hỗ trợ hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình thêm 3 tháng trong bối cảnh Anh gặp khủng hoảng chi phí. Ảnh: Alamy
0:00 / 0:00
0:00
Trong một thông báo chính thức ngày 15/3, chính phủ Anh cho biết sẽ gia hạn chính sách đảm bảo giá năng lượng (EPG) hiện tại thêm 3 tháng nữa, nhằm giúp giảm bớt áp lực chi phí lên các hộ gia đình khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt chưa hạ nhiệt. 

Bloomberg trích dẫn Bộ Tài chính Anh ngày 15/3 cho biết EPG vẫn sẽ được duy trì ở ngưỡng 3017 USD (2.500 bảng Anh), đồng nghĩa với việc thuế nhiên liệu kép sẽ ổn định cho đến tháng 7/2023.

Nhận định về tác động của việc gia hạn chính sách này, Thủ tướng Anh Jeremy Hunt cho biết một khi hóa đơn năng lượng giảm, áp lực lên các gia đình sẽ hạ nhiệt và tỷ lệ lạm phát cũng được kỳ vọng sẽ giảm. Goldman Sachs nhận định việc giữ nguyên EPG sẽ giúp nền kinh tế Anh giảm được tỷ lệ lạm phát xuống 1,8% năm 2023 này.

Trên thực tế, giá khí đốt đã giảm 90% kể từ mức đỉnh của tháng 8/2022 nhưng sự sụt giảm này vẫn chưa thể hiện trên hóa đơn. Nguyên nhân là do các công ty năng lượng trả tiền cho nguồn cung trước nhiều tháng và tính phí khách hàng theo chi phí tại thời điểm mua.

Thêm vào đó, kể cả khi giá năng lượng giảm, người Anh vẫn sẽ phải trả nhiều tiền hơn so với trước khi chiến sự tại Ukraine diễn ra. Các khách hàng tại Anh hiện vẫn phải trả gần gấp đôi số tiền họ bỏ ra khoảng 2 năm trước cho hóa đơn năng lượng của mình. Theo Bloomberg trích dẫn tổ chức phi lợi nhuận độc lập Energy and Climate Intelligent Unit, hóa đơn năng lượng trung bình hàng năm của hộ gia đình Anh từ tháng 4/2023 sẽ cao hơn 344 USD so với một năm trước đó.

Ngoài ra, các nỗ lực này của chính phủ vẫn được đánh giá là chưa đủ. Các tổ chức từ thiện như Citizens Advice và National Energy Action (NEA) đã nhiều lần kêu gọi hỗ trợ lâu dài cho các hộ gia đình do theo ước tính của NEA, vẫn có khoảng 7,5 triệu người rơi vào tình trạng thiếu năng lượng ngay cả khi chính sách EPG được duy trì ở mức hiện tại.

Theo CEO Citizens Advice Clare Moriarty, khả năng chi trả các hóa đơn năng lượng của người dân là một vấn đề dài hạn và do đó nó cần tới một giải pháp dài hạn. Trong bối cảnh đó, các chính sách hỗ trợ sẽ giúp bảo vệ hàng triệu người khỏi việc phải chi tiêu quá mức cho các hóa đơn năng lượng của mình.

Các giáo viên thuộc công đoàn NEU đình công đòi tăng lương tại Quảng trường Trafalgar, London, Anh ngày 15/3. Ảnh: NEU East Midlands

Các giáo viên thuộc công đoàn NEU đình công đòi tăng lương tại Quảng trường Trafalgar, London, Anh ngày 15/3. Ảnh: NEU East Midlands

Ở một diễn biến khác, khủng hoảng chi phí sinh hoạt không những khiến người dân gặp khó trong việc chi trả các hóa đơn năng lượng mà còn khiến nhiều người lao động trên khắp quốc gia này đình công.

Trên thực tế, làn sóng bất ổn được bắt đầu từ năm 2022 trước đó khi hàng loạt công đoàn và người lao động đình công đòi tăng lương nhưng bị từ chối bởi chính phủ Anh. Ngoài tiền lương mà người lao động cho là không theo kịp lạm phát, các vấn đề được đưa ra còn bao gồm điều kiện làm việc, an ninh việc làm và lương hưu.

Tại thời điểm đó, chính phủ Anh đưa ra lời giải thích là việc tăng lương quá mức là không thể chấp nhận được và sẽ thúc đẩy lạm phát lên cao hơn nữa. Các tuyên bố này không khiến người lao động hài lòng và do đó theo hãng tin AFP, người lao động thuộc nhiều ngành trên khắp nền kinh tế Anh từ giáo viên, tài xế lái tàu điện ngầm tới bác sĩ và công chức tiếp tục tham gia cuộc đình công hàng loạt ngày 15/3.

Các nhóm lao động cùng tham gia vào cuộc đình công ngày 15/3 còn có nhân viên các trường đại học trên khắp Vương quốc Anh và các nhà báo BBC. Trong khi đó, cuộc đình công của các nhân viên đường sắt thuộc công đoàn Aslef (Hiệp hội kỹ sư đầu máy và lính cứu hỏa Anh) và các hiệp hội Đường sắt, Hàng hải và Vận tải ở London cũng khiến toàn bộ mạng lưới tàu điện ngầm bị đình trệ.

Các cơ quan chính phủ và Lực lượng Biên phòng cũng dự kiến sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc đình công của khoảng 130.000 thành viên của hiệp hội công chức PCS ngày 15/3. Theo Tổng thư ký PCS Mark Serwotka, đây là một "vụ bê bối quốc gia" khi những nhân viên làm trong các dịch vụ công hiện được trả lương thấp đến mức một số người còn phải dựa vào tiền trợ cấp.

Ngành giáo dục cũng không nằm ngoài lời kêu gọi khi cuộc đình công kéo dài 2 ngày từ 15/3 của các giáo viên Anh dự kiến sẽ ảnh hưởng đến mọi trường học ở Anh. Các nhà lãnh đạo của Liên đoàn Giáo dục Quốc gia Mary Bousted và Kevin Courtney đe dọa sẽ tăng cường hành động nếu chính phủ không tăng lương.

Trước đó từ 13/3, các bác sĩ tại các bệnh viện ở Anh đã đình công trong 3 ngày để phản đối việc lương mình được trả còn thấp hơn của nhân viên quán cà phê. Hiệp hội Y khoa Anh, tổ chức đại diện cho các bác sĩ trẻ, cho biết họ đã bị cắt giảm 26% lương thực tế kể từ năm 2008-2009.

Các cuộc đình công với quy mô hàng trăm nghìn người này diễn ra trong bối cảnh Bộ trưởng Tài chính Anh chuẩn bị công bố kế hoạch chi tiêu và thuế của quốc gia.

Các thành viên công đoàn PCS tham gia đình công tại phố Downing, London, Anh ngày 15/3. Ảnh: PCS Campaigns
Các thành viên công đoàn PCS tham gia đình công tại phố Downing, London, Anh ngày 15/3. Ảnh: PCS Campaigns

Tin liên quan

Đọc tiếp