Lạm phát thực phẩm tại Anh tiếp tục tăng chóng mặt

KINH TẾ ảnh
16:02 - 01/02/2023
Triển vọng kinh tế Anh u ám với tỷ lệ lạm phát thực phẩm 2 chữ số và triển vọng tăng trưởng kinh tế u ám nhất trong khối G7.
Triển vọng kinh tế Anh u ám với tỷ lệ lạm phát thực phẩm 2 chữ số và triển vọng tăng trưởng kinh tế u ám nhất trong khối G7.
0:00 / 0:00
0:00
Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar ngày 31/1, lạm phát thực phẩm tại Vương quốc Anh trong tháng 1/2023 đã đạt mức kỷ lục 16,7%, khiến giá các mặt hàng cơ bản tăng mạnh, làm đậm thêm triển vọng kinh tế u ám 3 năm hậu Brexit của quốc gia này.

Dữ liệu công bố ngày 31/1 của Kantar cho thấy mức lạm phát thực phẩm trong 4 tuần đầu năm 2023 tại Anh tăng mạnh, khiến các loại hàng hóa thiết yếu như bơ, sữa, trứng đều trở nên đắt đỏ. Kể từ khi công ty bắt đầu theo dõi dữ liệu lạm phát vào năm 2008, con số 16,7% lạm phát thực phẩm trong tháng 1/2023 là mức cao nhất từng ghi nhận.

Do giá cả gia tăng mạnh, báo cáo của Kantar đưa ra dự đoán mỗi hộ gia đình tại Anh sẽ phải trả thêm một khoản tương đương 1.000 USD vào hóa đơn mua sắm hàng năm. Nhiều gia đình cũng buộc phải thay đổi thói quen mua sắm để có thể tiết kiệm chi phí.

Nhận định về con số này, Guardian trích dẫn trưởng bộ phận bán lẻ và người tiêu dùng của Kantar Fraser McKevitt cho biết vào cuối năm 2022, tỷ lệ lạm phát giá hàng hóa giảm nhẹ. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn và sau đó tăng mạnh 2,3 điểm phần trăm từ mức 14,4% của tháng 12/2022 lên ngưỡng 16,7% trong tháng 1.

Theo các nhà kinh tế, tuy lạm phát tổng thể đã bắt đầu suy giảm từ mức cao nhất trong hơn 40 năm, giá thực phẩm tại đây vẫn tiếp tục tăng. Người tiêu dùng Anh do đó vẫn sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong năm 2023.

Các dữ liệu này được đưa ra trong bối cảnh kỷ niệm 3 năm ngày Vương quốc Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu - ngày 31/1. Bị kìm hãm bởi lạm phát vượt quá 10% trong nhiều tháng và bất ổn công nghiệp, những lời hứa về các cơ hội và sự tự do của những người ủng hộ Brexit vẫn còn cách một khoảng rất xa so với hiện tại.

Ngày càng nhiều người cảm thấy hối tiếc về Brexit, hay thường được gọi là Bregret (ghép giữa 2 từ Brexit và regret). Theo một cuộc thăm dò của Ipsos được công bố ngày 30/1, 45% người Anh tin rằng Brexit đang diễn ra kém hơn mong đợi so với tỷ lệ 28% hồi tháng 6/2021 và chỉ có 9% tin vào viễn cảnh ngược lại.

Trên thực tế, ngoài các yếu tố bên ngoài như đại dịch Covid-19 và chiến sự tại Ukraine, có một số bằng chứng cho thấy Brexit gây thiệt hại cho nền kinh tế Anh. Theo AFP trích dẫn cơ quan dự báo ngân sách công OBR, việc rời khỏi EU sẽ làm giảm quy mô nền kinh tế Anh khoảng 4% trong dài hạn.

Thêm vào đó, dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế hôm 30/1 về triển vọng kinh tế Anh trong năm 2023 càng khiến tình hình thêm bi quan. Cụ thể, tổ chức này dự báo Anh sẽ là nền kinh tế phát triển duy nhất trong khối G7 bị suy thoái 0,6% trong năm nay. Ngay cả Nga – quốc gia đang hứng chịu hơn 10.000 lệnh cấm vận – cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 0,3%.

Cùng với hàng loạt các cuộc đình công, cuộc khủng hoảng tài chính dưới thời Thủ tướng Liz Truss và sự xuất hiện của 3 thủ tướng liên tiếp chỉ trong vòng 2 tháng, nước Anh và đặc biệt là Thủ tướng Rishi Sunak đang đứng trước các áp lực khổng lồ.

Tuy vậy, sự tự tin bên trong chính phủ với Brexit vẫn còn tương đối cao khi ông Rishi Sunak ngày 31/1 nhấn mạnh vào "những tiến bộ to lớn đạt được trong việc khai thác các quyền tự do mà Brexit mang lại".

Phản ứng lại các dự đoán của IMF, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt hôm 31/1 cũng tuyên bố: “Những thách thức ngắn hạn sẽ không che khuất triển vọng dài hạn của chúng ta. Kinh tế Vương quốc Anh đã vận hành tốt hơn so với nhiều dự báo vào năm ngoái và nếu chúng tôi tuân thủ kế hoạch giảm một nửa lạm phát, Vương quốc Anh vẫn được dự đoán sẽ tăng trưởng nhanh hơn Đức và Nhật Bản trong những năm tới”.

Đọc tiếp