Bộ NN&PTNT vào Top 5 Bộ/ngành giải ngân đầu tư công cao nhất cả nước

Bộ NN&PTNT kế hoạch
11:25 - 03/07/2023
Họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023, sáng 4/7. Ảnh: Phương Thảo.
Họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023, sáng 4/7. Ảnh: Phương Thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Kế hoạch 6 tháng đầu năm của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đạt nhiều kết quả tích cực trong bối cảnh thuận lợi và thách thức đan xen, đặc biệt tỷ lệ giải ngân đầu tư công vào mức cao của nước đạt 31,4% kế hoạch.

Báo cáo về kết quả thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023, sáng 4/7, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, sản xuất nông nghiệp có được thuận lợi về thời tiết, không có nhiều diễn biến thất thường, dịch bệnh được kiềm chế.

Khó khăn đã được Bộ dự báo trước từ năm 2022 là vấn đề thị trường, giá lương thực thực phẩm giảm, giá vật tư đầu vào tuy có thấp xuống nhưng vẫn ở mức cao.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp tăng trưởng GDP đạt tăng 3,07%, đóng góp 9,28% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,14% (trồng trọt tăng 2,11%, chăn nuôi tăng 4,88%), lâm nghiệp tăng 3,43%, thủy sản tăng 2,96%.

Với tình hình quốc tế và trong nước gặp nhiều khó khăn, ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cả về sản lượng, bình ổn giá cả và đảm bảo các mục tiêu xuất khẩu.

Nhờ chủ động tháo gỡ vướng mắc để gia tăng xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhóm nông sản chính 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thuỷ sản 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%; đầu vào sản xuất 940 triệu USD, giảm 28,9%; muối 2,4 triệu USD, giảm 14,2%.

Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ). Trong đó, có 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu: Gạo tăng 22,2% khối lượng và tăng 34,7% giá trị xuất khẩu; hạt điều tăng 10,5% khối lượng và tăng 7,7% giá trị xuất khẩu.

Đặc biệt, về công tác đầu tư, Bộ NN&PTNT đã lọt top 5 các Bộ/ngành có mức giải ngân đầu tư công cao nhất cả nước.

Tổng kế hoạch vốn năm 2023 Bộ NN&PTNT được giao 9.852 tỷ đồng (vốn trong nước 8.052 tỷ đồng, vốn nước ngoài 1.800 tỷ đồng).

Đến ngày 30/6, Bộ NN&PTNT ước giải ngân 3.098,3 tỷ đồng, đạt 31,4% kế hoạch, cao hơn so với mức đạt 26% của 6 tháng đầu năm 2022. Trong đó, vốn trong nước đạt 32,7% và vốn ODA 27%.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng có những chỉ đạo sát sao đạt được một số kết quả về xây dựng nông thôn mới và sản phẩm OCOP.

Đến hết tháng 6, cả nước có 6.011/8.177 xã, chiếm 73,5% đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 0,43% so với cuối năm 2022. Trong đó, có 1.326 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 335 xã) và 174 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 53 xã).

Cũng tính đến hết tháng 6, có 63/63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 42 sản phẩm phẩm, công nhận 5 sao.

Đến nay, cả nước có 2.008 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, tạo việc làm cho khoảng 3,69 triệu lao động. Xuất khẩu các sản phẩm và nguyên liệu thủ công mỹ nghệ đạt khoảng 3,3 tỷ USD.

Về công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, đến nay, có 2.510 chuỗi giá trị được thiết lập duy trì. Cả nước có 151.776 ha cây trồng được chứng nhận VietGAP với 13.552 cơ sở, doanh nghiệp được chứng nhận, tăng hơn 13.272 cơ sở so với cùng kỳ năm trước. Bộ NN&PTNT đã thực hiện thanh tra 9.404 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai kế hoạch 6 tháng đầu năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen. Trong đó, khó khăn lớn nhất thuộc về thị trường xuất khẩu nông lâm thuỷ sản, chủ yếu đối với mặt hàng gỗ và thuỷ sản.

“Các nước ASEAN và ngành nông nghiệp các nước trên thế giới rất quan tâm vấn đề an ninh lương thực. Trước giờ, người dân vẫn quan niệm năm nhuận thì năng suất lúa gạo sẽ giảm nhưng năm nay không xảy ra tình trạng đó vì Bộ đã đúc kết kinh nghiệm, hướng dẫn bà con các kỹ thuật. An ninh lương thực không chỉ cho đất nước, khu vực mà còn thế giới”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng nhìn nhận, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản trên thị trường thế giới. Từ cơ cấu thị trường và ngành hàng, Bộ sẽ có những điều hành linh hoạt, thích ứng với bối cảnh mới.

Xác định những khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều từ suy giảm thị trường, tác động của giá vật tư nguyên liệu đầu vào và thời tiết diễn biến bất thường, El Nino khiến nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất, Bộ NN&PTNT xác định nhiều giải pháp trọng tâm.

Trong đó, Bộ NN&PTNT tập trung tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện hiệu quả các văn bản, thông tư và 4 quy hoạch của ngành. Bộ sẽ triển các chương trình lớn và đặt quyết tâm giải ngân đầu tư công 100%, tạo tiền đề cho các năm 2024 - 2025.

“Bộ NN&PTNT luôn xác định tăng cường truyền thông tạo sự đồng thuận của các Bộ/ngành, địa phương, nhân dân cả nước cho những mục tiêu đề ra. Hướng đến kết quả tổng kết cuối năm cao hơn các năm trước”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Mục tiêu đề ra của Bộ NN&PTNT trong năm 2023:

1. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%.

2. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 - 558 tỷ USD. Trong đó, nông sản chính 25 tỷ USD; lâm sản và đồ gỗ 17 tỷ USD; thủy sản 10 tỷ USD; các mặt hàng khác khoảng 3 tỷ USD.

3. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%.

4. Tỷ lệ che phủ rừng 42%, nâng cao chất lượng rừng.

5. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%.

Tin liên quan

Đọc tiếp