Bộ trưởng Thương mại Mỹ tới Bắc Kinh cho chuyến thăm 4 ngày

KINH TẾ Mỹ - Trung
08:38 - 28/08/2023
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo bắt tay với Vụ trưởng Lin Feng thuộc Vụ Các vấn đề Châu Mỹ và Châu Đại Dương thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc khi bà đến Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh vào ngày 27/8/2023. Ảnh: VCG
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo bắt tay với Vụ trưởng Lin Feng thuộc Vụ Các vấn đề Châu Mỹ và Châu Đại Dương thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc khi bà đến Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh vào ngày 27/8/2023. Ảnh: VCG
0:00 / 0:00
0:00
Tối ngày 27/8, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã tới thủ đô Bắc Kinh, bắt đầu chuyến công du kéo dài 4 ngày được mong đợi sẽ hạ nhiệt mối quan hệ đang căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ – 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo Global Times, Cục trưởng Lin Feng thuộc Cục các vấn đề châu Mỹ và châu Đại Dương thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc đã tiếp đón Bộ trưởng Thương mại Mỹ tại sân bay.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, bà Raimondo dự kiến sẽ tới thăm cả Bắc Kinh và Thượng Hải, đồng thời tham dự các cuộc gặp với các quan chức cấp cao Trung Quốc và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Theo trang web của Bộ Thương mại Mỹ, bà mong muốn có những cuộc thảo luận mang tính xây dựng về các vấn đề liên quan đến mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung, những thách thức mà các doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt và các lĩnh vực hợp tác tiềm năng.

Trong khi đó về phía Bộ Thương mại Trung Quốc, phát ngôn viên cơ quan này ngày 24/8, trước khi chuyến thăm của bà Raimondo diễn ra, cho biết Bắc Kinh sẽ bày tỏ lập trường với phía Washington về các vấn đề kinh tế, thương mại đáng lo ngại, đồng thời mong muốn có các cuộc thảo luận sâu với Mỹ về giải quyết những khác biệt về kinh tế, thương mại và thúc đẩy hợp tác thực chất

Hãng tin Global Times phỏng vấn ông He Weiwen, thành viên cấp cao của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, cho biết: “Phía Trung Quốc có thể bày tỏ mối quan ngại lớn nhất của mình thông qua cuộc đối thoại với bà Raimondo về những động thái liên tục của Mỹ nhằm kiềm chế sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc”.

Đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp hạn chế đầu tư vào Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến bao gồm chất bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử và một số hệ thống trí tuệ nhân tạo.

Bất chấp việc Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ loại 27 thực thể Trung Quốc ra khỏi “Danh sách chưa được xác minh” ngay trước chuyến thăm Trung Quốc của bà Raimondo, vẫn còn hơn 600 công ty và tổ chức Trung Quốc ở Mỹ nằm trong danh sách hạn chế.

Theo ông He, “nếu hai bên đồng ý giải quyết một số vấn đề cụ thể thông qua đối thoại, đây sẽ là khởi đầu tốt”. Sau đó, việc thành lập một nhóm công tác giải quyết các vấn đề bao gồm kiểm soát đầu tư và xuất khẩu cũng có thể dễ dàng thực hiện được trong giai đoạn sau.

Chuyến thăm của bà Raimondo diễn ra sau nhiều chuyến thăm cấp cao của các quan chức Mỹ tới Trung Quốc trong 3 tháng qua. Hồi tháng 6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lần đầu tiên đến thăm Trung Quốc với tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu của quốc gia này. Tới tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tiếp tục đến thăm Trung Quốc trong khi Đặc phái viên về Khí hậu của Mỹ John Kerry cũng tới thăm Bắc Kinh sau đó.

Các hãng truyền thông Mỹ bày tỏ kỳ vọng cao vào chuyến đi của bà Raimondo. Tờ New York Times hôm 26/7 cho biết chuyến thăm của bà Raimondo có thể sẽ là "minh chứng rõ ràng nhất cho hành động cân bằng mà chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng tạo ra trong mối quan hệ với Trung Quốc”.

Trong khi đó, Bloomberg trong cùng ngày nhận định bà Raimondo “có thể có cơ hội tốt nhất trong số các quan chức Mỹ, những người gần đây đã đến Trung Quốc để giảm bớt căng thẳng hiện tại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới”.

Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc không đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến thăm này của Bộ trưởng Thương mại Mỹ khi nhận định việc hai nước đạt được những đột phá lớn trong lĩnh vực thương mại song phương là rất khó.

Tuy nhiên, việc chính phủ Mỹ theo đuổi mục tiêu đối thoại trong các chuyến thăm cấp cao gần đây tới Trung Quốc được nhìn nhận như một động thái tích cực nhằm tạo ra môi trường tốt hơn cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Một loạt các thỏa thuận nhỏ bao gồm việc tìm cách gia hạn thêm 6 tháng Thỏa thuận Khoa học và Công nghệ Mỹ - Trung, một thỏa thuận hết hạn ngày 27/8, cũng được coi như một điểm tích cực khác trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ở mức thấp.

Theo Global Times trích dẫn ông Song Guoyou, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ, Đại học Phúc Đán, việc gia hạn 6 tháng là một kết quả được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Ông gọi đây là một động thái "thông minh" của chính quyền Tổng thống Joe Biden khi thành công góp phần tạo ra bầu không khí tích cực hơn với Trung Quốc, đồng thời ứng phó với áp lực ngày càng tăng từ các nhà lập pháp trong nước muốn hủy bỏ thỏa thuận.

Trong khi đó ông Zhou Rong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, ngày 27/8 nhận định rằng những cuộc tiếp xúc cấp cao thường xuyên gần đây giữa 2 nước được cho là sẽ mở đường tốt cho cuộc gặp sắp tới. Một trong số đó bao gồm Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC dự kiến sẽ được tổ chức tại San Francisco từ ngày 12 đến ngày 18/11 năm nay.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.