Bộ TT&TT xin duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích và đổi tên gọi

viễn thông QUỐC HỘI
13:59 - 22/06/2023
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải trình về các vấn đề đại biểu nêu liên quan đến Luật Viễn thông sửa đổi. Ảnh: Quochoi
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giải trình về các vấn đề đại biểu nêu liên quan đến Luật Viễn thông sửa đổi. Ảnh: Quochoi
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Quỹ này ngoài phủ sóng vùng khó khăn còn hỗ trợ bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cả thiết bị và chi phí sử dụng dịch vụ ở mức cơ bản.

Sáng 22/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viễn thông sửa đổi. Nhiều đại biểu quan tâm đến hiệu quả hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) cho biết, Quỹ cần nguồn kinh phí lớn để phát triển, duy trì hạ tầng viễn thông, cung cấp dịch vụ viễn thông tại vùng kinh tế có điều kiện xã hội đặc biệt khó khăn mà ngân sách Nhà nước khó đảm đương.

Thông qua cơ chế đóng góp nguồn tài chính từ Quỹ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cũng được hưởng lợi, doanh thu sẽ tăng khi đời sống của người dân vùng sâu vùng xa cải thiện.

Để khắc phục bất cập trong triển khai hoạt động của Quỹ, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng các chương trình viễn thông công ích cần xác định rõ mục tiêu hỗ trợ của quỹ, các quy định về đóng góp, giải ngân. Nếu thực hiện theo nguyên tắc thu, chi tương ứng, chưa có nhiệm vụ chi mà không thu để tránh tồn dư quỹ theo như tờ trình của Chính phủ thì không hợp lý theo quy định của pháp luật.

“Báo cáo tổng kết thi hành luật đưa ra nhận định Quỹ dịch vụ viễn thông công ích chưa đạt được mục tiêu đề ra, hiệu quả hoạt động chưa cao, việc thực hiện còn nhiều khó khăn. Thực tế, việc sử dụng quỹ trong thời gian qua mới hỗ trợ mạng viễn thông và các thiết bị đầu cuối”, đại biểu nêu ý kiến, đồng thời cho rằng cần làm rõ số dư của quỹ, quỹ thu từ phần đóng góp của doanh nghiệp để chi cho hoạt động nào, vì mục tiêu công ích hay cho người dân?

Ngoài ra, theo nữ đại biểu, một số nhiệm vụ chi của Quỹ trùng lặp với nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước như chi hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận dịch vụ viễn thông công ích… Vì vậy bà đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ quỹ này thuộc về ai quản lý, cơ chế thu chi rõ ràng, minh bạch, quy định rõ đối tượng chi trong vận hành Quỹ.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) cũng cho rằng cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích nhằm giảm bớt sự chênh lệch khoảng cách số giữa các vùng miền. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá hiệu quả sử dụng quỹ giai đoạn 2016 - 2020 chưa cao do mục tiêu đề ra chương trình chưa phù hợp. Việc tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Để đảm bảo tính hiệu quả của Quỹ, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo luật hóa các nội dung đã được quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của quỹ, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng.

Bên cạnh đó là phân định rõ ràng từng dịch vụ viễn thông công ích, bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành tại các địa phương trong việc sử dụng, quản lý quỹ để phù hợp với mục tiêu của Quỹ cũng như quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Đại biểu còn đề nghị xem xét, mở rộng phạm vi sử dụng của Quỹ đối với hoạt động đầu tư, phát triển sản xuất thiết bị viễn thông, mô hình, giải pháp, nền tảng số, dịch vụ mới phục vụ các hoạt động viễn thông công ích; thay vì chỉ sử dụng vào mục tiêu hỗ trợ như hiện nay.

Đại biểu Sùng A Lềnh. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Sùng A Lềnh. Ảnh: Quochoi

Giải trình về vấn đề trên, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích thực ra là quỹ dịch vụ phổ cập. Quốc gia nào cũng phải đặt mục tiêu phổ cập viễn thông, phổ cập Internet, phủ sóng vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo, nhất là để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo Bộ trưởng, nếu phổ cập bằng ngân sách Nhà nước, các nhà mạng có xu thế chỉ đầu tư ở những nơi đông dân và có lãi cao. Bởi vậy, đa số các quốc gia đều chọn cách yêu cầu nhà mạng phải có trách nhiệm phổ cập.

“Có hai cách để nhà mạng thực hiện việc này. Một là yêu cầu các nhà mạng phải phủ sóng rộng. Cách này có khó khăn cho các nhà mạng nhỏ. Hai là các nhà mạng đóng góp vào quỹ phổ cập theo doanh thu, to đóng nhiều, nhỏ đóng ít. Sau đó, Nhà nước dùng quỹ này để phổ cập dịch vụ. Đa số các quốc gia đều theo cách thứ hai”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Tại Việt Nam, quỹ này cơ bản lại giao cho chính các nhà mạng thực hiện, tức là cơ bản nhà mạng nhận lại tiền đóng góp của mình để thực hiện phổ cập dịch vụ từ 2G đến 3G, 4G, 5G và tiếp tục.

Bộ trưởng cho rằng, Quỹ đã góp phần tích cực để Việt Nam có vùng phủ sóng rộng, người dân được phổ cập dịch vụ, có điện thoại vào nhóm đầu trên thế giới. Tuy nhiên vừa qua vận hành của Quỹ có một số bất cập, như giải ngân chậm, tồn quỹ. Ông Hùng cho rằng, cần phải điều chỉnh các quy định trong dự thảo luật theo hướng xác định rõ mục tiêu, cách thức thu, quản lý, sử dụng để quỹ vận hành tốt hơn, thay vì dừng hoạt động của quỹ như ý kiến của một số đại biểu.

“Riêng Quỹ dịch vụ phổ cập, ngoài phủ sóng vùng khó khăn còn hỗ trợ bà con vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cả thiết bị và chi phí sử dụng dịch vụ ở mức cơ bản. Các chương trình giảm nghèo của Nhà nước đều có dùng quỹ này để hỗ trợ bà con, xin phép Quốc hội xem xét tiếp tục cho duy trì quỹ. Bộ TT&TT sẽ báo cáo Chính phủ xin Quốc hội cho đổi tên quỹ thành Quỹ dịch vụ phổ cập, thay đổi một số cơ chế để khắc phục các tồn tại. Bộ TT&TT cũng sẽ gửi các đại biểu báo cáo bổ sung về hoạt động của quỹ thời gian vừa qua”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.