"Đừng chỉ bán nguyên liệu, hãy bán văn hoá cà phê Việt ra thế giới"

cà phê XUẤT KHẨU
22:04 - 07/12/2021
Cà phê Việt Nam xuất khẩu chưa có lợi nhuận cao do sản lượng chủ yếu là cà phê nhân, chỉ chiếm 10% tổng doanh thu
Cà phê Việt Nam xuất khẩu chưa có lợi nhuận cao do sản lượng chủ yếu là cà phê nhân, chỉ chiếm 10% tổng doanh thu
0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh cà phê nhân, Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu cà phê rang xay, cà phê hòa tan, hướng tới mục tiêu mang về 6 tỷ USD từ xuất khẩu cà phê vào năm 2030.

Đây là những thông tin được ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương chia sẻ tại hội thảo “Kết nối, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm cà phê” chiều 07/12.

Ông Linh cho biết, do lo ngại nguồn cung thiếu hụt, cước vận tải tăng nên giá cà phê thế giới tháng 11/2021 đã lên mức cao nhất trong 10 năm qua, tăng 500 - 600 đồng/kg, đạt mốc 47.000 đồng/kg vào thời điểm cuối tháng 11/2021.

“Cà phê là một trong những mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, người nông dân trồng cà phê vẫn không thể nhận được nhiều lợi nhuận. Do mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là cà phê nhân có lợi nhuận thấp, chỉ chiếm 10% tổng doanh thu. Cần tìm cách thúc đẩy xuất khẩu cà phê rang xay, cà phê chế biến”, ông Linh nhấn mạnh.

Mang văn hóa cà phê Việt Nam ra thế giới

Đưa ra gợi ý tăng giá trị cà phê Việt Nam xuất khẩu, ông Paul Lê, Giám đốc kiến tạo giá trị Central Retail Group Việt Nam cho rằng cần tìm cách bán văn hóa cà phê Việt cho người nước ngoài.

Ảnh tác giả

“Không cần phân biệt cà phê Arabica hay Robusta mà Việt Nam nên tập trung vào việc xây dựng chiến lược. Đi từ bán hạt cà phê sau đó đến bán cà phê cuối cùng là xây dựng thói quen, địa điểm chuyên bán cà phê Việt Nam. Kết hợp chiến lược đó cùng với việc phổ biến cách pha cà phê “phin”, Việt Nam sẽ có được thương hiệu quốc tế riêng và mang được văn hóa cà phê Việt ra nước ngoài”

Ông Paul Lê, Giám đốc kiến tạo giá trị Central Retail Group Việt Nam

Cho biết thêm về cà phê sữa đá của Việt Nam rất được ưa chuộng ở Liên bang Nga với lợi thế dễ pha chế nhưng vẫn đảm bảo được hương thơm, độ sánh ngậy, ông Paul Lê gợi ý, Maxcova là địa điểm mà các doanh nghiệp nên lựa chọn để bắt đầu xu hướng bán văn hóa cà phê Việt ra thế giới.

Chia sẻ thông tin về cơ hội thị trường cho cà phê Việt Nam, Giám đốc kiến tạo giá trị Central Retail Group Viet Nam cho biết, trong khoảng 20 năm qua, 1/5 số cà phê trên thế giới đến từ Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng sản lượng cà phê toàn thế giới, đây là nền móng vững chãi để Việt Nam tiếp tục phát triển ngành cà phê.

Cà phê là đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất ở các nước phát triển, có mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng khoảng 5,5%/năm, giá trị tính toán có thể tăng cho ngành cà phê từ 6-10 tỷ USD/năm nếu chúng ta hiểu được thị hiếu của người tiêu dùng.

Mỗi một buổi sáng có khoảng nửa dân số thế giới uống cà phê nhưng 2/3 số người này chỉ uống cà phê rang xay, cà phê sữa đá và cà phê đen.

Cà phê pha sẵn nổi tiếng ở các nước châu Á, tiêu biểu là Nhật Bản, họ đặt các máy cà phê pha sẵn ở nhiều nơi cộng cộng. Ở các nước phát triển phương Tây cũng khá phát triển loại cà phê này với nhiều hệ thống cửa hàng. Cà phê đen nguyên chất Việt Nam cũng được ưa chuộng ở nhiều nơi trên thế giới và có nhiều tiềm năng để phát triển.

“Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang hình thành phong trào uống cà phê ngày càng mạnh mẽ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc là một thị trường lớn đang chuyển dần từ thói quen uống trà sang thói quen uống cà phê. Với 12% thị phần tại Trung Quốc, cà phê Việt Nam đang có cơ hội lớn đối với thị trường này, ông Paul Lê phân tích.

Khẳng định Việt Nam đã tiếp cận được thị trường cà phê rang xay và mang sản phẩm của mình ra thế giới, ông Philippe Juglar, Chủ tịch hiệp hội nông sản Pháp cho rằng Việt Nam cần tiếp tục nâng cao chất lượng cà phê hơn nữa để khẳng định chỗ đứng.

Ảnh tác giả

"Cần sớm xây dựng thương hiệu quốc tế cho cà phê Việt Nam bằng việc đưa ra những thương hiệu chung, mang tính đại diện để phát triển cà phê Việt trên khắp thế giới. Muốn làm được điều này các DN cần có những chỉ dẫn địa lý cho các vùng trồng cà phê của mình".

Ông Philippe Juglar, Chủ tịch hiệp hội nông sản Pháp

“Việt Nam nên tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng cà phê ở mức tốt nhất trước khi đưa ra thị trường thế giới. Các doanh nghiệp có thể tham gia các cuộc thi cà phê của Pháp, bằng cách chuyển sản phẩm của mình đến Paris. Các giám khảo sẽ chấm điểm, ghi nhận sản phẩm ở mức xứng đáng nhất và định giá sản phẩm”, ông Philippe Juglar nói.

Bàn về chất lượng ly cà phê Việt Nam ở thị trường Italia, trên góc độ nhà sản xuất sử dụng 100% nguyên liệu nhập khẩu từ Việt Nam, ông Lauro cho biết, cà phê Việt Nam có độ sánh, độ đặc mang đặc trưng của cà phê đen, cà phê sữa đá được khá nhiều người ưa chuộng.

Tuy nhiên, nhà sản xuất này chỉ ra rằng, độ tươi của cà phê rang xay Việt Nam không được đảm bảo, ngay cả khi bảo quản tốt thì vẫn có nguy cơ bị oxy hóa. Thách thức lớn mà chúng ta cần làm là đảm bảo được chất lượng cà phê chuyển từ nhà sản xuất đến nước xuất khẩu.

“Xu hướng người trồng sẽ tập trung số lượng hơn chất lượng nhưng có lẽ thời gian tới chúng ta cần thay đổi. Hạt cà phê xanh của Việt Nam có thể tự hào về các chứng chỉ cà phê thô nhưng cần tiếp tục nâng cao chất lượng cà phê chế biến”, ông Lauro đưa ra khuyến nghị.

1/5 số cà phê trên thế giới đến từ Việt Nam

1/5 số cà phê trên thế giới đến từ Việt Nam

Hướng tới trở thành một trung tâm cà phê Arabica chất lượng cao

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung cà phê Arabica của Brazil và tắc nghẽn trong vận chuyển hàng hóa mùa dịch đã khiến nguồn thay thế như từ Colombia bị hạn chế. Điều này được các chuyên gia nhìn nhận như là một cơ hội cho cà phê Việt Nam.

Với mục tiêu chiến lược xây dựng tỉnh Lâm Đồng trở thành trung tâm sản xuất cà phê Arabica chất lượng cao của Việt Nam và thế giới, bà Phan Thị Nhâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng đã có những chia sẻ về kế hoạch này.

Theo bà Nhâm, Lâm Đồng là tỉnh có sản phẩm arabica nổi tiếng của Việt Nam và đã được giới thiệu trên thế giới. Hiện nay, sản lượng arabica càng ngày càng được nâng cao về chất lượng nhờ áp dụng khoa học và công nghệ từ vùng trồng đến chế biến.

“Lâm Đồng đã có nguồn kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện giống cà phê arabica chất lượng cao THA1, TBK2N… Đề án tái canh cà phê của Lâm Đồng trong năm 2021 đã đạt tỷ trọng khoảng 50% tương đương 79.000 ha trong tổng diện tích 174.000ha”, bà Nhâm nói.

Các doanh nghiệp cà phê tỉnh Lâm Đồng đã có sự quan tâm đến cải thiện chất lượng sản phẩm với các chứng chỉ Globalgap, ISO 22000… và sẽ tiếp tục tìm cách nâng cao chất lượng trong thời gian tới.

Ảnh tác giả

“Lâm Đồng sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp nâng cao chất lượng cà phê bằng cách cho các doanh nghiệp vay Quỹ phát triển khoa học công nghệ để đầu tư máy móc, thiết bị phơi sấy, máy rang hiện đại, máy phân loại, máy bắn màu và có sự chuyển giao công nghệ cho người nông dân, đảm bảo kiểm soát chất lượng, tránh thất thoát, lãng phí”,

Bà Phan Thị Nhâm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng

Bà Nhâm cũng cho biết thêm là Lâm Đồng cũng đã gửi mẫu cà phê arabica tới Hiệp hội cà phê thế giới và đạt 84 điểm so với tiêu chuẩn của cà phê thế giới.

Tin liên quan

Đọc tiếp