Dư địa xuất khẩu cà phê sang thị trường Bắc Âu còn nhiều

XUẤT KHẨU Việt nAM
15:01 - 11/12/2021
Dư địa xuất khẩu cà phê sang thị trường Bắc Âu còn nhiều
0:00 / 0:00
0:00
HIệp định EVFTA đưa mức thuế nhập khẩu của cà phê về 0% đang giúp đẩy mạnh lực cầu thị trường, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh cho cà phê Việt Nam tại châu Âu.

Theo Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), thị trường Bắc Âu được dự báo sẽ tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa. Xuất nhập khẩu trung bình tại đây năm 2021 sẽ tăng khoảng 5% và đây là cơ hội lớn cho việc xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường của doanh nghiệp Việt.

Trong khi đó, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đang giúp các mặt hàng như cà phê được hưởng thuế 0%, tạo điều kiện để sản phẩm này của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.

Thị trường cà phê hàng đầu thế giới

Các nước Bắc Âu đang có tỷ lệ tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới tính theo đầu người. Trong đó, Na Uy đứng thứ hai, chỉ sau Phần Lan, tiếp theo Iceland đứng thứ ba, Đan Mạch đứng thứ tư và Thụy Điển đứng thứ sáu với mức tiêu thụ trung bình lần lượt là 9,9 kg, 9 kg, 8,7 kg, và 8,2 kg/người/năm.

Với người Bắc Âu, cà phê không chỉ là thức uống mà còn là văn hóa, tương tự như chè với người Việt Nam. Tuy nhiên, do dân số nhỏ, qui mô thị trường cà phê khu vực Bắc Âu không lớn. Nhập khẩu cà phê của cả khu vực Bắc Âu trong năm 2020 chỉ chiếm 6,5% tổng nhập khẩu cà phê của khu vực kinh tế châu Âu (EEA), khoảng trên 16 tỷ USD, trong đó Thụy Điển chiếm 2,5%, Na Uy 1,2%, và Đan Mạch 1%.

Trong đó, Thụy Điển là quốc gia tiêu thụ cà phê nhiều nhất trong khối, dù mức tiêu thụ bình quân là 8,2kg/người/năm nhưng quy mô dân số lớn nên mức tiêu thụ trung bình của quốc gia này vào khoảng 70-80.000 tấn cà phê mỗi năm, nhiều hơn hẳn hơn so với các quốc gia còn lại

Người Thụy Điển coi cà phê là thức uống chủ đạo trong các mặt hàng đồ uống nóng, Theo Hiệp hội cà phê quốc gia Thụy Điển, trung bình một người sẽ tiêu thụ 3,4 cốc cà phê một ngày.

Sức tiêu thụ cà phê của người Thụy Điển luôn đi theo xu hướng của châu Âu, với sự tiêu thụ ngày càng tăng của các loại espresso và cappucino dẫn đến việc tiêu thụ hạt cà phê Robusta cũng tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây, mặc dù, tiêu thụ hạt cà phê Arabica vẫn là chủ yếu.

Ở Thụy Điển, có hẳn văn hóa gọi là “fika”, có nghĩa là thư giãn, nghỉ ngơi vừa uống cà phê, ăn bánh ngọt vừa trò chuyện. Văn hóa này rất phổ biến trong môi trường công sở và tạo nên thói quen nghỉ giải lao giữa giờ làm việc, thông thường 2 lần vào khoảng 9h sáng và 3h chiều. Truyền thống fika này đã lan rộng khắp các doanh nghiệp Thụy Điển trên khắp thế giới.

Văn hóa Fika của người Thụy Điển.

Văn hóa Fika của người Thụy Điển.

Do văn hóa cà phê, thị trường tiếp tục tăng trưởng. Doanh thu từ cà phê của Thụy Điển dự kiến đạt 7,13 tỷ USD trong năm 2021. Giá trị thị trường được dự báo tăng trưởng trung bình 5,83%/năm trong giai đoạn 2021-2025.

Tại nước láng giềng Đan Mạch, cà phê cũng trở thành một phần văn hóa thông qua sự xuất hiện ngày càng nhiều các quán cà phê ở khắp các phố lớn ngõ nhỏ ở quốc gia này, đặc biệt là ở thủ đô Copenhagen. Trung bình người Đan Mạch uống khoảng 4 cốc cà phê/ngày. Họ đặc biệt thích uống cà phê nguyên chất với sữa tươi hoặc kem tươi, không pha tạp các loại hạt khác hay chất khác vào cà phê.

Với mức tiêu thụ bình quân khoảng 8,7kg cà phê/người/năm, Đan Mạch tiêu thụ trung bình khoảng 40-50.000 tấn cà phê/năm. Doanh thu cà phê ở Đan Mạch đạt 4,96 tỷ USD (tính theo giá bán lẻ) vào năm 2015, được dự báo sẽ đạt mức 6,83 tỷ USD trong năm 2021. Mức này được dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh, trung bình 8,06% trong giai đoạn 2021-2025.v

Còn tại Na Uy, cũng như hầu hết các nước châu Âu khác, cà phê ở nước này thường được dùng trong bữa sáng và tráng miệng sau bữa tối và trở thành trung tâm của các bữa tiệc trong các dịp đặc biệt. 70-80% dân Na Uy uống cà phê hàng ngày, và nhiều người trong số họ uống 4-5 cốc/ngày.

Với mức tiêu thụ bình quân xấp xỉ 10kg cà phê/người/năm, Na Uy tiêu thụ trung bình khoảng 40-50.000 tấn cà phê/năm. Thị trường cà phê ở Na Uy dự báo đạt 4,04 tỷ USD (tính theo giá bán lẻ) trong năm 2021 với mức tăng trưởng được dự báo là 5,25% trong giai đoạn 2021-2025.

Thách thức cho các doanh nghiệp

Với tiềm năng lớn như vậy nhưng thị trường Bắc Âu cũng tồn tại những thách thức đối với doanh nghiệp Việt. Đầu tiên là các nước Bắc Âu chủ yếu nhập khẩu hạt cà phê Arabica và chỉ nhập khẩu lượng nhỏ cà phê Robusta để trộn. Trong khi đó, Việt Nam lại chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta, chiếm khoảng 95% lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, với mức cầu tiêu thụ ngày càng tăng của các loại espresso và cappucino ở Thụy Điển, nhu cầu tiêu thụ hạt cà phê Robusta cũng tăng lên nhanh chóng, đây chính là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, cà phê nhập khẩu vào khu vực Bắc Âu bắt buộc phải tuân theo các yêu cầu và quy định chung của EU đối với thực phẩm. Ví dụ, Luật thực phẩm chung, quy định 1881/2006 về hàm lượng tối đa chất ô nhiễm trong thực phẩm, quy định 396/2005 về ngưỡng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, quy định 2073/2005 về các chỉ tiêu vi sinh vật cho thực phẩm.

Hiệp định SPS cũng quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có thể có trong thực phẩm. Để tránh nguy cơ bị trả lại hoặc bị từ chối tiếp cận thị trường châu Âu, các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam nên gửi các sản phẩm xuất khẩu để phân tích các chất cấm tại các cơ quan có thẩm quyền như Vinacontrol và Cafecontrol.

Cà phê Việt cũng cần lưu ý về truy xuất nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp phải sát sao từ bước nuôi trồng và thu hoạch tới bước sấy khô, chế biến và bảo quản thực phẩm để đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần đảm bảo sản phẩm được kiểm soát nhất quán trong tất cả các công đoạn của chuỗi cung ứng.

Một thách thức nữa là thị trường Bắc Âu có đặc điểm là địa lý xa xôi, dân số ít, đơn hàng nhỏ, nhưng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe nhất trong các nước châu Âu khác, cũng làm cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam không mặn mà.

Một quán cà phê đậm chất Bắc Âu.

Một quán cà phê đậm chất Bắc Âu.

Điều kiện để xuất khẩu cà phê vào thị trường Bắc Âu

Để tiếp cận thị trường cà phê Bắc Âu, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến cáo, các nhà xuất khẩu có thể sử dụng các kênh khác nhau để đưa cà phê vào thị trường khu vực Bắc Âu. Việc gia nhập thị trường sẽ khác nhau tùy theo chất lượng cà phê và khả năng cung cấp.

Chuỗi cung ứng rút ngắn đang là xu hướng chung ở châu Âu. Điều này có nghĩa là các nhà bán lẻ và các công ty rang xay cà phê ngày càng có xu hướng tìm nguồn cung ứng trực tiếp cà phê nhân. Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu cũng đóng một vai trò quan trọng trong thị trường cà phê, hoạt động như những nhà quản lý chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, việc nghiên cứu đối thủ cạnh tranh là hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp cần xem xét các chiến lược tiếp thị, các đặc điểm sản phẩm đã thành công trên thị trường để rút kinh nghiệm và xây dựng chiến lược tiếp thị sản phẩm phù hợp. Ngoài việc phát triển thị trường cà phê truyền thống, doanh nghiệp có thể cân nhắc phát triển thương hiệu cà phê đặc sản, cà phê có thương hiệu được bảo hộ.

Bên cạnh đó, hiện nay, một xu hướng mới rất được ưa chuộng với các mặt hàng xuất khẩu, đó là việc tạo nên câu chuyện cho mặt hàng xuất khẩu. Khi mặt hàng xuất khẩu gắn liền với một câu chuyện về văn hóa, nguồn gốc sản phẩm thì sẽ tạo được sự đồng cảm và thu hút khách hàng nước ngoài hứng thú hơn với sản phẩm.

Vì vậy, doanh nghiệp bên cạnh việc cung cấp thông tin chi tiết về vùng hoặc xuất xứ trồng cà phê, giống, phẩm chất, kỹ thuật sau thu hoạch và chứng nhận cà phê, còn có thể cung cấp thêm thông tin về lịch sử của doanh nghiệp, trang trại trồng cà phê và niềm đam mê, tâm huyết của những người làm việc tại đó… có thể là các yếu tố làm cho công ty và sản phẩm cà phê trở nên độc đáo.

Tin liên quan

Đọc tiếp