Các công ty than Indonesia phất lên nhờ căng thẳng Nga - Ukraine

COVID-19 TRUNG QUỐC
18:46 - 16/03/2022
Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Cổ phiếu của các công ty khai thác than Indonesia, nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới, đang tăng cao sau căng thẳng Nga - Ukraine. Tuy nhiên, những lo ngại về lệnh cấm xuất khẩu của chính phủ đang khiến các nhà sản xuất không thể tăng số lượng hàng xuất đi.

Cùng với Australia và Nga, Indonesia là một trong những nước xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới. Số lượng than của quốc gia này chủ yếu được xuất khẩu tới Đông Nam Á và phía đông lục địa, trong khi Nga chủ yếu xuất khẩu than đến Đông Á và Châu Âu.

Vào tuần trước, giá than tăng vọt lên mức cao nhất trong lịch sử với giá hợp đồng tương lai Newcastle chuẩn lên tới 400 USD / tấn, phá vỡ kỷ lục trước đó là 269 USD được thiết lập hồi tháng 10. Cũng theo đà tăng của than, giá cổ phiếu của các công ty khai thác than hàng đầu Indonesia đồng thời tăng vọt.

Theo ông Dileep Srivastava, giám đốc và thư ký tại nhà sản xuất than lớn nhất Indonesia Bumi Resources, có nhiều yếu tố khác ngoài thời tiết và xung đột Nga-Ukraine đang tác động đến giá cả. Nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng đã kéo giá các loại nhiên liệu cạnh tranh như dầu và khí đốt lên cao. Trong khi đó, năng lượng tái tạo tăng trưởng không đủ nhanh để bù đắp cho sự thiếu hụt.

Cùng đà giá cả gia tăng, Adaro Energy Indonesia là công ty ghi nhận mức tăng cổ phiếu mạnh nhất ở tỷ lệ 29% kể từ ngày 24/2. Indika Energy và Bukit Asam thuộc sở hữu nhà nước Indonesia cũng ghi nhận mức tăng phần trăm hai chữ số.

Nhà phân tích chính Rory Simington của Wood Mackenzie nhận định do Mỹ và Anh đã cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga cũng như do các rủi ro về an ninh nguồn cung, than của Indonesia sẽ có cơ hội xuất hiện tại các thị trường châu Âu ít phổ biến hơn hoặc các thị trường châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Biểu đồ giá cổ phiếu của các nhà sản xuất than tại Indonesia. Ảnh: Quick-FactSet

Biểu đồ giá cổ phiếu của các nhà sản xuất than tại Indonesia. Ảnh: Quick-FactSet

Trở ngại ngăn cản Indonesia

Tuy nhiên, do những lo ngại về lệnh hạn chế xuất khẩu của chính phủ, các nhà sản xuất than tại quốc gia này đã không thể kiếm được lợi nhuận ngay lập tức và giá cổ phiếu do đó cũng bắt đầu được điều chỉnh trong khoảng thời gian gần đây.

Theo Hendra Sinadia, giám đốc điều hành của Hiệp hội khai thác than Indonesia, các nhà sản xuất Indonesia đã nhận được yêu cầu từ những người mua mới tiềm năng ở châu Âu. Tuy nhiên, các công ty khai thác than hiện đang phải tập trung vào việc đáp ứng “nghĩa vụ thị trường nội địa” (DMO) của mình. Theo đó các nhà xuất khẩu phải phân bổ 25% sản lượng than cho nhu cầu nội địa.

Nhằm thắt chặt việc thực hiện các quy định DMO, chính phủ gần đây đã ban hành các lệnh trừng phạt với các nhà sản xuất vi phạm. Theo ông Sinadia, việc thực thi hiện "rất nghiêm ngặt" và hiệp hội của ông đang phải tăng cường kêu gọi các thành viên hoàn thành hạn ngạch trong nước. Nếu không, chính phủ có thể sẽ thực hiện thêm nhiều các biện pháp giám sát nghiêm ngặt hơn nữa.

Theo chuyên gia Sinadia từ Hiệp hội khai thác than Indonesia, các nước châu Âu sẽ thấy Colombia và Nam Phi "có lợi hơn" trong việc cung cấp trực tiếp than do chi phí vận chuyển sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các công ty khai thác than Indonesia trên thị trường Đại Tây Dương.

Tuy nhiên giá cả tăng là xu hướng chung trên toàn thế giới chứ không riêng than. Các mặt hàng xuất khẩu hàng đầu khác của quốc gia này như dầu cọ và niken cũng đã đạt một mức tăng cao mới gần đây. Thêm vào đó, giá dầu thực vật dùng cho nấu ăn cũng đã tăng vọt vì Ukraine đã xuất khẩu hơn 45% lượng dầu hướng dương của thế giới vào năm 2019 và 23% của Nga.

Đọc tiếp