Các lệnh trừng phạt lên Nga đang suy yếu

Cấm vận THẾ GIỚI
05:19 - 19/04/2022
Điện Kremlin, Nga. Ảnh: USNI
Điện Kremlin, Nga. Ảnh: USNI
0:00 / 0:00
0:00
Theo các cuộc thăm dò dư luận, số lượng người Anh ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Nga đã giảm trong tháng qua trong khi các quốc gia như Hàn Quốc và Trung Quốc loại trừ cấm vận năng lượng Nga, khiến tác dụng của các lệnh trừng phạt Moscow suy giảm.

Tỷ lệ ủng hộ các lệnh trừng phạt Nga tại Anh sụt giảm

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi công ty Redfield and Wilton Strategies và tờ The Sunday Telegraph, chỉ có 36% số người được hỏi sẵn sàng chấp nhận chi nhiều tiền nhiên liệu hơn để gây thiệt hại cho Nga. So với tháng 3, con số của tháng 4 đã giảm mạnh từ mức 50% tại Vương quốc Anh – một trong các quốc gia tích cực nhất với các lệnh trừng phạt Nga.

Thêm vào đó, khoảng 33% số người Anh được khảo sát cho biết mình không sẵn sàng trả thêm tiền mua thực phẩm để có thể giúp Ukraine chống chọi với các đợt tấn công của quân đội Nga. Tuy nhiên, có 33% khác lại cho rằng đó là một sự hy sinh đáng để thực hiện.

Nhìn chung, có hơn một nửa, tức 54% số người được hỏi cho biết tình hình tài chính đã xấu đi trong năm 2021. Con số này đã tăng so với mức 42% của cách đây 2 tháng. Thậm chí, có tới 62% được hỏi cho biết họ kỳ vọng tương lai thậm chí còn ảm đạm hơn.

Trong bối cảnh hiện tại khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, có tới 2/3 cho biết mình chưa được tăng lương. Đối với những người đã được tăng lương thì tình hình cũng không có cải thiện do số tiền được tăng không đủ để bù đắp cho tốc độ lạm phát.

Chi phí gia tăng đang đẩy nhiều người Anh vào tình thế khó khăn. Ảnh: AP

Chi phí gia tăng đang đẩy nhiều người Anh vào tình thế khó khăn. Ảnh: AP

Thêm vào đó theo RT, giá dầu kể từ 24/2 đã tăng lên mức cao chưa từng thấy từ năm 2008 và dù có giảm đi chút ít, chi phí của “vàng đen” vẫn đắt hơn nhiều so với trước khi có xung đột. Trên hết, dầu không phải thứ duy nhất có xu hướng tăng mà giá khí đốt cũng trên đà tăng theo. Hóa đơn năng lượng đối với tất cả các cá nhân và doanh nghiệp trên khắp Tây Âu và Bắc Mỹ do đó đều tăng vọt, dẫn tới chi phí vận chuyển tăng và như một kết quả tất yếu, kích thích giá hàng hóa lên cao nữa.

Anh hoàn toàn không phải là ngoại lệ của sự tăng giá nhiên liệu toàn cầu dù nước vào đầu tháng 3 tuyên bố sẽ loại bỏ toàn bộ việc nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm 2022. Theo các số liệu chính thức từ chính phủ, lạm phát ở Anh đã chạm mốc 7% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 3 - mức cao nhất kể từ năm 1992.

Theo nhận định của ông Simon Williams, phát ngôn viên của công ty dịch vụ ô tô RAC, tháng 3/2022 sẽ đi vào sử sách như là một trong những tháng tồi tệ nhất từ trước tới giờ về giá năng lượng. Ngoài ra, ông cũng bổ sung thêm tình cảnh mà các tài xế Anh phải đối mặt bây giờ không còn đơn giản chỉ là “ảm đạm” nữa mà còn nặng nề hơn vậy nhiều.

Do đó theo tờ The Telegraph, những mối lo ngại về tài chính giờ đây có thể làm lu mờ đi chiến dịch quân sự của Nga nhắm vào Ukraine trong mắt công chúng Anh.

Người dân Madrid, Tây Ban Nha đổ xuống đường biểu tình giá năng lượng tăng cao. Ảnh: AFP

Người dân Madrid, Tây Ban Nha đổ xuống đường biểu tình giá năng lượng tăng cao. Ảnh: AFP

Ngành năng lượng là quân bài giúp Nga chống lại cấm vận

Ngoài Vương quốc Anh, Mỹ, EU, Canada, Nhật Bản, Úc và một số quốc gia EU khác đã áp đặt các vòng trừng phạt lên Nga. Các mục tiêu được nhắm tới bao gồm tài sản của ngân hàng trung ương, một số ngân hàng thương mại hàng đầu và toàn bộ các ngành công nghiệp của nước này.

Tuy nhiên việc cấm vận năng lượng chưa bao giờ là điều dễ dàng. Tại khắp các quốc gia trong EU từ Hy Lạp tới Tây Ban Nha, nông dân cùng các tài xế liên tục tổ chức các buổi biểu tình phản đối giá năng lượng cùng các chi phí thiết yếu khác như phân bón tăng mạnh. Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC cũng đưa ra khẳng định không một nước nào có thể thay thế nguồn cung 7 triệu thùng dầu mỗi ngày của Nga nếu nước này bị loại khỏi thị trường.

Tại Đức, vấn đề năng lượng còn là vấn đề gây nhức nhối hơn khi bản thân quốc gia này vốn phụ thuộc nhiều vào Nga. Trong tháng 3, tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Đức đạt mức cao kỷ lục 7,3%. Giá cả bắt đầu tăng vọt sau khi EU và một số quốc gia khác áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và gây lo ngại tới nguồn cung năng lượng, mặc ngành này cho đến nay hầu như không bị ảnh hưởng bởi các hạn chế.

Nếu không có nguồn cung của Nga, giá cả tại Đức có thể tăng tới 10% hoặc cao hơn nữa. Ảnh: AFP

Nếu không có nguồn cung của Nga, giá cả tại Đức có thể tăng tới 10% hoặc cao hơn nữa. Ảnh: AFP

Theo lời của ông Karl von Rohr, phó chủ tịch của Deutsche Bank nói với tờ Frankfurter Allgemeine, giá tiêu dùng ở Đức sẽ tăng từ 7% tới 8% vào năm 2022. Tuy nhiên, nếu chính phủ hạn chế nhập khẩu năng lượng của Nga, giá cả có thể tăng tới 10% hoặc hơn thế nữa trong những tháng tới, đánh dấu mức lạm phát tồi tệ nhất từ năm 1970 trở lại đây.

Ngành năng lượng cũng chứng tỏ sẽ trở thành một quân bài giúp Nga hạn chế ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt khi có nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia có tham gia cấm vận, vẫn tiếp tục tận dụng các cơ hội mua dầu giá rẻ.

Theo Nikkei Asia, quốc gia đầu tiên thông báo vẫn mở rộng các hoạt động thương mại bình thường với Nga là Trung Quốc. Tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga đã tăng 26% so với cùng kỳ tính theo đồng USD vào tháng 3 theo chính phủ nước này. Sự gia tăng nhập khẩu tại Trung Quốc diễn ra ngay cả trong bối cảnh nhập khẩu nói chung của nước này giảm 0,1% do dịch bệnh ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế.

Quốc gia châu Á thứ 2 gia tăng lượng nhập khẩu dầu từ Nga là Ấn Độ. Sau khi thành công mua dầu với mức giá ưu đãi do phía Nga cung cấp, nước này tuyên bố sẽ tiếp tục mua thêm 4.5 triệu tấn than luyện cốc từ Nga, để phục vụ cho ngành luyện thép đang ngày một lớn mạnh của mình bất chấp các cảnh cáo của phương Tây.

Tuy nhiên Trung Quốc và Ấn Độ không phải những thị trường duy nhất gia tăng nhập khẩu từ Nga. Hàn Quốc – một đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á – ghi nhận tỷ lệ nhập khẩu từ Nga tăng lên 44% trong tháng 3 trong khi Đài Loan tăng 9%. Brazil, quốc gia áp dụng các biện pháp trừng phạt, cũng thúc đẩy xuất khẩu sang Nga lên 47%.

Những con số thực tế này thể hiện rõ điểm yếu của các lệnh trừng phạt. Trên hết, dù các công ty khai thác dầu phương Tây hạn chế mua dầu thô của Nga, việc giảm giá dầu vẫn thành công thu hút được sự chú ý của các nhà sản xuất tại châu Á và giúp lượng tồn kho dầu của Nga không gia tăng. Sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch cũng như tỷ lệ lạm phát năng lượng ngày càng tăng đã thúc đẩy nhiều nước nắm lấy cơ hội mua dầu thô giá thấp hơn.

Vì vậy, việc tiếp tục xuất khẩu được tài nguyên đã giúp giữ cho dòng ngoại tệ tiếp tục chảy vào Nga. Theo ước tính của Viện Tài chính Quốc tế, nếu lệnh cấm vận năng lượng không được áp dụng, Nga có thể thặng dư tài khoản vãng lai hơn 250 tỷ USD trong năm nay.

Dòng ngoại tệ cũng đã đẩy đồng Ruble lên cao sau khi chạm mức thấp kỷ lục và cuối cùng phục hồi trở lại ở mức trước giao tranh. Trong khi đó, các quốc gia phản đối các lệnh trừng phạt, đặc biệt là Trung Quốc, đã cho phép Moscow duy trì khả năng tiếp cận các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đọc tiếp