Các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nhất trong khủng hoảng năng lượng

NĂNG LƯỢNG THẾ GIỚI
16:24 - 26/10/2022
IEA nhận định các quốc gia đang phát triển mới là bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong một cuộc khủng hoảng năng lượng. Ảnh: Reuters
IEA nhận định các quốc gia đang phát triển mới là bên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong một cuộc khủng hoảng năng lượng. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Theo Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu không phải các nền kinh tế phát triển như Mỹ mà là các quốc gia mới nổi và đang phát triển.

Trên thực tế, Châu Âu đang phải vật lộn với tình trạng thiếu khí đốt khi Nga cắt giảm nguồn cung, khiến nhiều quốc gia rơi vào khủng hoảng năng lượng trong thời gian đầu mùa đông. Lưới điện quốc gia của Vương quốc Anh cùng nhiều nước châu Âu khác đã cảnh báo về khả năng cắt điện luân phiên và phân bổ năng lượng ưu tiên cho các khu vực.

Nhận định về tình hình hiện tại, ông Birol cho rằng thế giới “đang ở giữa cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên“ – một cuộc khủng hoảng chưa từng có về phạm vi và mức độ phức tạp.

Trong báo cáo của riêng mình, IMF đưa ra nhận định: “Giá hàng hóa cao hơn làm tăng thêm những thách thức bắt nguồn từ lạm phát và nợ, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, tiến độ tiêm vaccine Covid-19 không đồng đều cùng xung đột ở một số quốc gia”.

Tuy nhiên trong bài phỏng vấn với CNBC hôm 25/10, Giám đốc điều hành IEA ông Fatih Birol nhận định các quốc gia phát triển như Mỹ không phải quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong trường hợp một cuộc khủng hoảng năng lượng nổ ra và giá năng lượng tăng vọt.

Thay vào đó, ông cho biết những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là các nền kinh tế nhập khẩu dầu ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh vì giá nhập khẩu cao hơn và đồng nội tệ yếu hơn. Một số nước Trung Đông và Bắc Phi nhập khẩu dầu bao gồm Djibouti, Sudan, Morocco và Pakistan, cùng những quốc gia khác.

Cũng vì nguyên nhân này mà vào tháng 5 trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng cho các quốc gia nhập khẩu dầu. Một khi giá năng lượng tăng cao hơn, các nước này dự kiến sẽ phải đối mặt với càng nhiều thách thức kinh tế và làm trầm trọng hơn tình hình hiện tại.

Khi đưa ra dự đoán cho thị trường dầu mỏ, ông Birol nhận định thị trường này vẫn sẽ tiếp tục biến động cho đến tranh chấp giữa Nga và Ukraine kết thúc. Trong khi đó, động thái chưa từng có của OPEC+ trong việc cắt giảm sản lượng sâu để thúc đẩy sự hồi phục của giá dầu thô bất chấp các lời phản đối từ phía Mỹ sẽ còn gây nên nhiều biến động khó dự đoán.

Ngoài dầu mỏ, khí đốt tự nhiên cũng là một lĩnh vực cần nhận được nhiều sự quan tâm. Ông Birol đưa ra dự đoán thế giới sẽ “tiếp tục chứng kiến giá LNG cao”, với lý do nền kinh tế đang phục hồi của Trung Quốc và nhu cầu nhập khẩu năng lượng nhiều hơn của châu Âu.

Hiện giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại châu Á đã cao gấp 5 lần so với trung bình 5 năm qua và năm tới sẽ gặp nhiều thách thức hơn. Khi châu Âu có nhu cầu tìm nguồn cung LNG thay thế và Trung Quốc trở lại đường đua kinh tế với tư cách một nhà nhập khẩu LNG lớn, việc mở rộng công suất khai thác LNG một cách hạn chế sẽ khiến thị trường gặp căng thẳng hơn nữa.

Tuy nhiên, mặt tốt của khủng hoảng năng lượng chính là thúc đẩy các chính phủ đầu tư vào chuyển đổi xanh và loại bỏ năng lượng hóa thạch bẩn. Ông trích dẫn Đạo luật Giảm lạm phát vừa được ban hành bởi Nhà Trắng nhằm giảm thiểu các chi phí liên quan đến nhiệt độ tăng, giảm các tác động đến sức khỏe như tử vong sớm và giảm thiểu thiệt hại tài sản do nước biển dâng cùng các thảm họa khác.

Đọc tiếp