Các tập đoàn tại Thung lũng Silicon lần lượt rút khỏi Nga

CÔNG NGHỆ NGA
18:00 - 06/03/2022
Một góc trụ sở của Apple. Ảnh: Duncan Sinfield
Một góc trụ sở của Apple. Ảnh: Duncan Sinfield
0:00 / 0:00
0:00
Khi căng thẳng Nga - Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các công ty công nghệ lớn nhất tại Mỹ đang tạo thêm áp lực bằng cách rút khỏi Nga và khiến người dân nước này không thể tiếp cận các công nghệ vốn được sử dụng rộng rãi trước đây.

Rất nhiều động thái từ các tập đoàn tại đây đang được thực hiện đồng nhất với những lệnh trừng phạt do chính phủ Mỹ áp đặt lên Nga. Apple dẫn đầu trong số các công ty khi tập đoàn này hồi đầu tháng 3 tuyên bố sẽ ngừng bán toàn bộ các sản phẩm iPhone, iPad, MacBook, Mac và tất cả các sản phẩm khác của hãng tại Nga.

Tập đoàn có trụ sở tại thành phố Cupertino này cũng thông báo đã xóa các kênh truyền thông được nhà nước Nga hậu thuẫn là RT News và Sputnik News khỏi app store của mình. Chính sách mới này sẽ được thực hiện tại Apple app store trên toàn thế giới ngoại trừ chính nước Nga.

Theo ông Ben Wood, giám đốc phân tích tại CCS Insight, Apple đang dẫn đầu thị trường và chính điều này sẽ tạo áp lực lên các công ty đối thủ và khiến họ phải tuân theo.

Theo sau Apple, gã khổng lồ tìm kiếm Google cũng đã xóa ứng dụng của 2 hãng truyền thông Nga nói trên trong Play Store của mình tại châu Âu. Đồng thời, đại diện của tập đoàn cho biết sẽ tạm dừng tất cả các dịch vụ quảng cáo tại Nga.

Quyết định này được đưa ra sau khi cơ quan giám sát Internet của Nga là Roskomnadzor cáo buộc YouTube, mảng kinh doanh video thuộc Google, hỗ trợ việc đưa tin giả. Cụ thể, cơ quan này cáo buộc Youtube thực hiện các chiến dịch quảng cáo lớn nhằm đưa thông tin sai lệch về chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đối với người dân Nga.

Đáp trả lại, phát ngôn viên của Google cho biết: “Do những tình huống bất thường đang diễn ra, chúng tôi sẽ tạm dừng các hoạt động quảng cáo của Google tại Nga”. Ngoài ra, tập đoàn cũng cho biết thêm sẽ theo dõi sát sao tình hình và tiếp tục đưa ra các cập nhật cần thiết.

Trong khi đó, nền tảng chia sẻ nhà Airbnb cũng thông báo sẽ cho tạm dừng mọi hoạt động kinh doanh của mình tại Nga và Belarus. Brian Chesky, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của công ty, đã thông báo về động thái này hôm 3/3 trên mạng xã hội Twitter. Đồng thời, tập đoàn cũng cho biết sẽ cung cấp nhà ở tạm thời miễn phí cho 100.000 người Ukraine tị nạn đang chạy trốn khỏi quốc gia của mình.

Nằm xa hơn tại Washington, Microsoft cũng đưa ra quyết định rút khỏi Nga. Chủ tịch tập đoàn Brad Smith cho biết hôm 4/3 rằng công ty sẽ “đình chỉ tất cả các hoạt động bán sản phẩm và dịch vụ mới của Microsoft ở Nga”. Thêm vào đó, Microsoft cũng sẽ tạm dừng “nhiều lĩnh vực kinh doanh ở Nga nhằm tuân theo các quyết định trừng phạt của chính phủ”.

Tuy nhiên, đại diện tập đoàn không đưa ra chi tiết cụ thể về việc liệu Microsoft có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ các khách hàng hiện tại ở Nga hay không.

Hiện tại, câu hỏi đang được đặt ra là các gã khổng lồ công nghệ sẽ còn tiến bao xa trong các nỗ lực trừng phạt Nga do các chính phủ phương Tây đưa ra. Vào hồi đầu tuần, Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov, thậm chí đã kêu gọi Giám đốc điều hành Apple Tim Cook chặn quyền truy cập App Store của Apple tại Nga. Ông cũng kêu gọi Microsoft và Sony ngừng hỗ trợ các sản phẩm Xbox và PlayStation tại thị trường Nga, cũng như tạm thời chặn tất cả các tài khoản Nga và Belarus.

Trong khi đó, tập đoàn mẹ của Facebook là Meta lại cho biết họ muốn được tiếp tục duy trì dịch vụ của mình tại Nga, để chống lại các tuyên truyền được cho là sai sự thật đang được chia sẻ trên nền tảng Facebook của mình. Phó chủ tịch toàn cầu Nick Clegg cho biết, Meta tin rằng ngừng cung cấp dịch vụ trong những thời khắc quan trọng sẽ dẫn tới việc nhiều phản ánh cần thiết không được biết đến và lắng nghe.

Ngược lại với các tập đoàn tại Thung lũng Silicon, các công ty công nghệ Trung Quốc lại tương đối im lặng. Huawei, Xiaomi và Alibaba đều từ chối đưa ra bình luận về việc ngừng cung cấp dịch vụ tại Nga hay không.

ByteDance – công ty đứng sau nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất năm 2021 Tik Tok, là công ty Trung Quốc duy nhất đã thực hiện một số hành động hạn chế Nga. Cụ thể, nền tảng này đã hạn chế quyền truy cập của người dân thuộc các nước Liên minh châu Âu vào hai hãng truyền thông RT và Sputnik của Nga.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.