Canada tham gia cùng Mỹ cấm thiết bị 5G của Huawei

viễn thông Huawei
08:58 - 20/05/2022
Trụ sở của Huawei. Ảnh: Reuters
Trụ sở của Huawei. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 19/5, Canada cho biết nước này đang có kế hoạch cấm sử dụng thiết bị 5G của Huawei Technologies và ZTE của Trung Quốc để bảo vệ an ninh quốc gia, chung quan điểm với các nước còn lại trong mạng chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes.

Five Eyes là một liên minh chia sẻ thông tin tình báo bao gồm 5 nước phương Tây Canada, Anh, Mỹ, Australia và New Zealand. Các căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung đang khiến Trung Quốc đụng độ gay gắt hơn với liên minh tình báo lâu đời nhất thế giới do Mỹ đứng đầu này. Theo Reuters, việc Canada thực hiện động thái cấm các thiết bị viễn thông 5G của Huawei cũng đồng nghĩa với việc tham gia cùng các quốc gia còn lại trong liên minh trong lệnh cấm này.

Khi trả lời các phóng viên tại Ottawa hôm 19/5, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Francois-Philippe Champagne cho biết Canada đang dự định loại trừ Huawei và ZTE ra khỏi mạng lưới các nhà cung cấp thiết bị viễn thông 5G của nước này. Các nhà cung cấp đã lắp đặt thiết bị của các tập đoàn này sẽ được yêu cầu ngừng sử dụng và loại bỏ tất cả theo kế hoạch được thông báo trong cùng ngày.

Theo ông Champagne, hạn cuối để các công ty loại bỏ thiết bị 5G của Huawei là tháng 6/2024 trong khi thời hạn cho các công ty sử dụng thiết bị 4G của Huawei là cuối năm 2027.

Quyết định này được đưa ra sau khi các công ty viễn thông ở Canada lựa chọn sử dụng phần cứng 5G của các công ty khác. Vào năm 2020, Bell Canada và đối thủ Telus - hai trong số những nhà cung cấp dịch vụ không dây lớn nhất nước này - đã hợp tác với Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan để xây dựng mạng viễn thông thế hệ thứ năm (5G).

Phản ứng lại động thái này, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề doanh nghiệp của Huawei tại Canada Alykhan Velshi cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Canadian Broadcasting Corp rằng, công ty vẫn đang chờ xem các mối đe dọa an ninh quốc gia mà Canada và các đồng minh nghĩ là Huawei tạo ra là gì. Ngoài ra theo ông Velshi, Huawei vẫn đang có hơn 1.500 nhân viên ở Canada, chủ yếu là làm công tác R&D cũng như bán các sản phẩm điện thoại di động. Trong tương lai tới, công ty vẫn dự định duy trì việc này.

Quyết định trên vốn bị trì hoãn trong bối cảnh Canada có nhiều căng thẳng ngoại giao với Trung Quốc. Trước đó hồi tháng 9/2018, Canada đã tuyên bố sẽ xem xét các mối đe dọa tới an ninh quốc gia khi sử dụng thiết bị của Huawei lần đầu tiên. Sau đó tới tháng 12 cùng năm, Giám đốc tài chính của Huawei bà Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Canada theo lệnh của Mỹ.

Động thái này đã mở ra một cuộc tranh chấp kéo dài với Trung Quốc và chỉ đi tới kết thúc hồi tháng 9/2021 khi bà Mạnh và hai người Canada bị Bắc Kinh bắt giữ vì các cáo buộc gián điệp được thả trong cùng ngày. Hiện căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada đã phần nào dịu xuống. Hôm 18/5, Trung Quốc đã gỡ bỏ lệnh hạn chế nhập khẩu hạt cải dầu của Canada trong 3 năm.

Ngoài lệnh cấm, Bộ trưởng An toàn Công cộng Marco Mendicino cho biết Canada sẽ soạn thảo luật mới để bảo vệ cơ sở hạ tầng tài chính, viễn thông, năng lượng và giao thông quan trọng khỏi các mối đe dọa mạng.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.