Cao Bằng kêu gọi đầu tư vào 3 lĩnh vực kinh tế trọng tâm

Cao Bằng ĐẦU TƯ
15:35 - 03/10/2023
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng tham quan các sản phẩm giới thiệu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng tham quan các sản phẩm giới thiệu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung
Với ưu thế về địa lý, điều kiện tự nhiên, dân tộc đa dạng, tỉnh Cao Bằng sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào 3 lĩnh vực bao gồm du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế cửa khẩu.

Sáng ngày 3/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Cao Bằng thực hiện tổ chức Hội nghị “Giới thiệu Cao Bằng”. Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhận định, tỉnh Cao Bằng có vị trí chiến lược trọng yếu, là “phên giậu” biên cương phía bắc của Việt Nam.

Với ưu thế đường biên giới dài trên 333 km giáp Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc), Cao Bằng có mạng lưới các cửa khẩu quan trọng. Tỉnh còn có nguồn tài nguyên khoáng sản khá phong phú, nhiều mỏ có trữ lượng lớn (sắt, mangan, chì…) và nổi tiếng với các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu như lê, thạch đen (Đông Khê), hạt dẻ, gạo nếp Pì Pất (Trùng Khánh)…

Với điều kiện tự nhiên đặc thù của vùng núi phía Bắc, Cao Bằng có được nhiều tiểu vùng sinh thái, nhiều danh lam thắng cảnh như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao.... Ngoài ra, tỉnh còn có nền văn hóa đặc sắc với 27 dân tộc anh em, chiếm khoảng 95% dân số toàn tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, những điều kiện thuận lợi trên giúp Cao Bằng có tiềm năng trong việc triển khai những trọng tâm đột phá. Bao gồm, đưa du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Phát triển nông nghiệp thông minh, xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến xuất khẩu. Phát triển kinh tế cửa khẩu nhằm xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ cảng Quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh – Urumqi (Trung Quốc) – Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu và ngược lại.

Với những tiềm năng đang có và sự nỗ lực của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết, trong giai đoạn từ 2021 đến nay, kinh tế Cao Bằng ổn định và liên tục phát triển với nhịp độ tăng trưởng trên 5%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 44,04 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 11%/năm. Một số lợi thế của tỉnh như kinh tế cửa khẩu, du lịch, nông nghiệp...bước đầu được khai thác và phát huy hiệu quả. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn những hạn chế về kinh tế. Hiện nay Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo, quy mô kinh tế nhỏ; chưa thu hút được nhiều dự án có năng lực sản xuất lớn; lĩnh vực dịch vụ, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn…

Do đó, Hội nghị “Giới thiệu Cao Bằng” tại Hà Nội sẽ là diễn đàn để tỉnh và các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài; các đối tác doanh nghiệp cùng trao đổi, chia sẻ, thảo luận về các cơ hội, định hướng và giải pháp đẩy mạnh hợp tác đầu tư.

Ảnh tác giả

Ảnh: Lê Hồng Nhung

"Với chủ đề “Cao Bằng điểm đến - kết nối và phát triển”, thời gian tới, tỉnh Cao Bằng sẽ hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác trong và ngoài nước đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh; trọng tâm là đầu tư vào các lĩnh vực du lịch, kinh tế cửa khẩu và nông nghiệp công nghệ cao..."

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh

Để các nội dung quảng bá, thúc đẩy hợp tác của tỉnh được triển khai toàn diện, đồng bộ, ông Ánh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì, thực hiện tốt đường lối đối ngoại toàn diện, góp phần đưa hình ảnh quê hương Cao Bằng ngày càng thân thiện hơn với bạn bè quốc tế và ngược lại.

Đồng thời tiếp tục phát huy các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tăng cường mở rộng và hợp tác phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.

Tỉnh cam kết thực hiện tốt các thỏa thuận ký kết, các nội dung ghi nhớ trong biên bản hợp tác giữa tỉnh và các đối tác. Nâng cao năng lực phối hợp, tích cực hợp tác thực hiện nội dung thỏa thuận ký kết đồng thời giải quyết kịp thời, ổn thỏa các vấn đề nảy sinh, hướng đến sự phát triển ổn định, bền vững.

Biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa tỉnh Cao Bằng và Kocham. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Biên bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa tỉnh Cao Bằng và Kocham. Ảnh: Lê Hồng Nhung

Về phía Kocham, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun chia sẻ, hiện tại vẫn chưa có doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Cao Bằng, nguyên nhân chủ yếu do vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng của tỉnh. Do đó, Cao Bằng cần phát huy tối đa những thế mạnh, đặc biệt cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông để xóa bỏ các rào cản trong vấn đề di chuyển, từ đó thúc đẩy người trong và ngoài nước tìm đến tỉnh.

Tuyến đường Lạng Sơn - Cao Bằng được kỳ vọng sẽ giúp cho hoạt động vận tải trở nên thuận tiện hơn nếu như được nâng cấp. Kocham cũng sẽ tìm kiếm những doanh nghiệp quan tâm và xây dựng các đoàn doanh nghiệp tới thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng.

Đọc tiếp