'Chuyển đổi số là động lực quan trọng nhất để Việt Nam phục hồi sau Covid-19'

KInh tế số Việt nAM
09:45 - 16/03/2022
'Chuyển đổi số là động lực quan trọng nhất để Việt Nam phục hồi sau Covid-19'
0:00 / 0:00
0:00
Trong kịch bản chuyển đổi số lạc quan nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự kiến khu vực kinh tế số sẽ đóng góp tới 1,65–1,85 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2030.

ADB: Một trong những động lực phục hồi chính của Việt Nam là chuyển đổi số

Chịu tác động nặng nề từ làn sóng dịch COVID-19 thứ tư, nền kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy nhiều tín hiệu tích cực cũng như tiềm năng phục hồi mạnh mẽ. Đây là nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo Đông Nam Á: Trỗi dậy từ đại dịch được công bố tại Hội nghị Chuyên đề Phát triển Đông Nam Á (SEADS) ngày 16/3.

Những tín hiệu tích cực đó bao gồm tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 tăng rất nhanh, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh chóng, xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục, đầu tư trực tiếp nước ngoài tiềm năng, lạm phát thấp trong khi lãi suất được duy trì ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay liên tục giảm trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế…

Trong môi trường vĩ mô ổn định, Chính phủ Việt Nam vào tháng 1/2022 đã ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trị giá gần 350 nghìn tỷ, bao gồm cả các gói giải pháp tài khóa và tiền tệ, trong nỗ lực thúc đẩy đà phục hồi.

Do vậy, bất chấp những thách thức như diễn biến phức tạp của đại dịch, tiêu dùng phục hồi chậm, cơ cấu thu NSNN kém bền vững hay vấn đề giải ngân đầu tư công và tái cấu trúc nền kinh tế, ADB vẫn lạc quan với dự báo mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,0% và lạm phát khoảng 3,8% cho Việt Nam trong năm nay.

Theo nhóm chuyên gia của ADB, các động lực chính cho đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế bao gồm: Mục tiêu nhất quán của Chính phủ trong chuyển đổi số, sự hội nhập quốc tế sâu rộng và tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do quan trọng, sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân và cuối cùng là sự phát triển của tầng lớp trung lưu cũng như cơ cấu dân số trẻ mang lại triển vọng cho tiêu dùng.

Đặc biệt, chuyển đổi số được nhấn mạnh là chìa khóa then chốt cho quá trình phục hồi kinh tế tại Việt Nam hậu đại dịch. “Với cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ cũng như các chính sách, cơ chế khuyến khích dành cho các công ty khởi nghiệp, lĩnh vực tài chính - kỹ thuật số của Việt Nam dự báo ​​sẽ tăng trưởng kỷ lục trong giai đoạn 2021–2025, từ đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cũng như tài chính xanh”.

Nền kinh tế kỹ thuật số nhiều tiềm năng

Mặc dù nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầy thách thức, tương tự như hầu hết các nền kinh tế đang phát triển bắt đầu bước vào số hóa, những thành tựu bước đầu mà Việt Nam đạt được là tương đối khả quan.

(Nguồn: UOB, PwC)

(Nguồn: UOB, PwC)

Theo báo cáo e-Conomy SEA 2020 của Google, Temasek và Bain & Company công bố tháng 11/2021, quy mô nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến ​đạt 21 tỷ USD, tương đương 6,1% GDP quốc gia nhờ sự tăng trưởng bứt phá 53% của thương mại điện tử. Dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ lên tới 57 tỷ USD.

Dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam (Báo cáo e-Conomy SEA 2021)

Dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam (Báo cáo e-Conomy SEA 2021)

Việt Nam cũng xếp hạng cao trong số các quốc gia ASEAN về 3 chỉ tiêu số hóa toàn cầu phổ biến. Trong đó, chỉ số Trí tuệ kỹ thuật số của Fletcher School xếp Việt Nam vào nhóm nền kinh tế tiến bộ số đột phá cùng với Thái Lan, Indonesia và Campuchia.

Chỉ số kỹ thuật số toàn cầu của Cisco đưa Việt Nam vào giai đoạn tăng tốc cao cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan. Việt Nam còn xếp thứ 55/79 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng trong chỉ số kết nối toàn cầu, đứng sau Singapore (2/79), Malaysia (34/79) và Thái Lan (46/79).

Về phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và hành lang pháp lý, ADB đánh giá tiến bộ đáng kể của Việt Nam khi giảm mạnh số lượng thủ tục hành chính, song song thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính từ trung ương đến địa phương và khuyến khích khởi nghiệp. Chính phủ cũng thúc đẩy nhiều sáng kiến đổi mới sáng tạo, đưa vào vận hành nhiều Trung tâm Đổi mới Quốc gia, Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Quốc gia…

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về tốc độ triển khai mạng 5G thế hệ mới. Đồng thời, đây cũng là quốc gia có chi phí truy cập Internet thấp nhất, số lượng người dùng Internet lớn thứ ba, tỷ lệ sử dụng thiết bị di động lớn thứ hai và tốc độ kết nối di động trung bình nhanh thứ hai khu vực, theo kết quả nghiên cứu của Hootsuite và We Are Social (2021).

Việt Nam cũng có tiềm năng đáng chú ý trong lực lượng lao động kỹ thuật số. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), tính đến năm 2020, chỉ số vốn con người của Việt Nam xếp thứ 48/157 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nếu xét trong khối ASEAN, Việt Nam đứng thứ hai chỉ sau Singapore. Với khoảng 955.000 người lao động đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và khoảng 80.000 sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin hàng năm, Việt Nam cũng là quốc gia có sức hút lớn với các dự án đầu tư công nghệ và khởi nghiệp.

Bên cạnh những tiềm năng lớn như vậy, quá trình số hóa nền kinh tế tại Việt Nam được nhận định vẫn còn đối mặt nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là mức độ nhận thức và sẵn sàng số hóa vẫn còn thấp hơn nhiều quốc gia trong khu vực và khung pháp lý về chuyển đổi số chưa đầy đủ, thiếu nhất quán.

3 kịch bản chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam

Dựa trên các giả định khác nhau, nhóm nghiên cứu của ADB đã đưa ra 3 kịch bản về cách mà chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng GDP tại Việt Nam.

3 kịch bản chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng GDP tại Việt Nam (Nguồn: ADB)

3 kịch bản chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng GDP tại Việt Nam (Nguồn: ADB)

Trong kịch bản đầu tiên, với giả định tác động lan tỏa của lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông sang các ngành kinh tế là tối thiểu; các hoạt động kinh tế ứng dụng chuyển đổi số tăng chậm thì ADB ước tính nền kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 0,38–0,4 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP năm 2025 và 0,53–0,60 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP năm 2030.

Kịch bản thứ hai giả định tốc độ chuyển đổi số mạnh mẽ hơn trong tất cả các lĩnh vực kinh tế và xã hội, 4G và 5G được phủ sóng rộng khắp toàn quốc, tỷ lệ sử dụng tài khoản ngân hàng và dịch vụ smartbanking lên tới 50-55% dân số. Ở kịch bản này, khu vực kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 1,15–1,35 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2030.

Kịch bản thứ ba giả định kỹ thuật số tiên tiến được thúc đẩy mạnh mẽ, 5G phủ sóng toàn quốc, tỷ lệ sử dụng tài khoản ngân hàng và smartbanking trên 80% thì khu vực kinh tế số dự kiến đóng góp tới 1,65–1,85 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2030.

Ngoài ra, theo kịch bản này, giới phân tích kỳ vọng rằng tỷ lệ chi cho đầu tư và phát triển của Việt Nam so với GDP sẽ đạt 1,8% –2,0% trong giai đoạn 2025-2030, tức tương đương mức trung bình của ASEAN; đồng thời năng suất lao động sẽ tăng 8,5% –10,0% mỗi năm; số lượng doanh nghiệp công nghệ số sẽ đạt tới 100.000 vào năm 2030. Kèm theo đó, thanh toán điện tử và thương mại điện tử đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm lên tới 35-40% trong giai đoạn 2021–2030.

Tất nhiên, để chuyển đổi số thành công và đạt được những mục tiêu tương xứng với tiềm năng như vậy, việc tận dụng và phát huy tối đa nguồn lực mọi khu vực kinh tế trong nước cho đến đầu tư nước ngoài, kết hợp với tài trợ từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển là vô cùng quan trọng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.