Croatia sẽ là thành viên thứ 20 của Eurozone từ năm 2023

Eurozone Croatia
16:15 - 02/06/2022
Croatia sẽ là thành viên thứ 20 của khu vực đồng tiền chung châu Âu từ năm 2023. Ảnh: Adnkronos
Croatia sẽ là thành viên thứ 20 của khu vực đồng tiền chung châu Âu từ năm 2023. Ảnh: Adnkronos
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 1/6, Uỷ ban châu Âu (EC) thông báo Croatia trở thành thành viên thứ 20 của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) kể từ 1/1/2023, sau 10 năm nộp đơn gia nhập và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quan trọng. 

Reuters dẫn lời Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni ngày 1/6 thông báo: “Sau khi kỷ niệm 20 năm ngày ra đời tiền giấy và tiền xu Euro vào đầu năm 2022, Eurozone hôm nay có thể vui mừng chào đón thành viên thứ 20 của mình”.

"Hôm nay, Croatia đã đạt được một bước quan trọng trong việc áp dụng đồng Euro, đồng tiền chung của chúng tôi. Việc tham gia đồng tiền chung sẽ làm cho nền kinh tế của Croatia mạnh hơn, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và xã hội nói chung", tờ DW dẫn bài chúc mừng trên Twitter của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen bày tỏ hoan nghênh Croatia tham gia Eurozone. Ảnh: AP

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen bày tỏ hoan nghênh Croatia tham gia Eurozone. Ảnh: AP

"Việc Croatia áp dụng đồng Euro cũng góp phần làm cho đồng Euro mạnh hơn", bà nói thêm.

Theo đó, Uỷ ban châu Âu (EC) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã thống nhất đánh giá Croatia đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí quan trọng để có thể gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Nước này sau đó sẽ có 6 tháng để thực hiện công tác chuyển đổi tỷ giá hối đoái từ đồng nội tệ Kuna sang đồng Euro.

Để được gia nhập Eurozone, Croatia - thành viên của Liên minh châu Âu từ năm 2013, đã đảm bảo tỷ lệ lạm phát trung bình trong vòng 1 năm ở mức 4,7% (dưới ngưỡng quy định là 4,9%). Quốc gia này cũng duy trì tình trạng tài chính lành mạnh, thâm hụt ngân sách năm 2021 ở mức 2,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nằm trong giới hạn trần cho phép của EU là 3% GDP và nợ công thấp hơn mức quy định 80% GDP.

Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ra đời năm 2002 với 12 thành viên ban đầu. Sau 20 năm thành lập, Eurozone đã quy tụ 19/27 thành viên của EU, gồm: Áo, Bỉ, Síp, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ireland, Estonia, Italy, Latvia, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Slovakia, Slovenia.

Ý tưởng tạo ra đồng Euro lần đầu tiên xuất hiện vào những năm 1970, được coi như một cách để hội nhập châu Âu sâu rộng hơn, làm cho thương mại đơn giản hơn giữa các quốc gia thành viên và mang lại cho châu lục này một loại tiền tệ để cạnh tranh với đồng USD.

Cho đến nay, đồng Euro vẫn là đồng tiền được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới, chiếm 20% dự trữ ngoại hối toàn cầu so với tỷ lệ 60% của đồng USD.

Tuy nhiên, việc gia nhập Eurozone vẫn là chủ đề gây tranh cãi tại nhiều nước EU do phải tuân thủ các quy định tài chính khắt khe. Một số quốc gia được đánh giá là đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí như Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Thuỵ Điển hay Đan Mạch hiện vẫn từ chối gia nhập.

Tin liên quan

Đọc tiếp