Đã có công ty Thái Lan xuất khẩu gạo 'ST25 from Việt Nam'

Gạo ST25 Việt nAM
14:52 - 06/06/2022
Gạo ST25 bị làm giả nhiều
Gạo ST25 bị làm giả nhiều
0:00 / 0:00
0:00
Thông tin này được Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh chia sẻ sau khi tham dự hội chợ Thaifex 2022 trở về. “Nguyên nhân khiến gạo ST25 của Việt Nam chưa mạnh vì bị giả mạo thương hiệu khá nhiều”, bà cho biết thêm.

Sau khi tham gia hội chợ Thaifex 2022 tại Bangkok, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã có những chia sẻ tại tọa đàm “Đáp ứng xu hướng tiêu dùng hậu đại dịch với các sản phẩm Việt Premium: Tốt cho sức khỏe" cuối tuần qua.

Trong đó, có thông tin đáng chú ý là một số doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động trong thị trường Thái Lan cho biết hiện nay đã có nhà nhập khẩu nước này muốn mua gạo ngon của Việt Nam. “Thực tế có một báo cáo cho thấy tại Việt Nam có công ty Thái Lan xuất khẩu ‘gạo ST25 from Việt Nam’. Họ có quyền mở công ty tại Việt Nam mua và xuất đi”, bà Hạnh thông tin.

Cũng theo lời bà Hạnh, tại Thaifex 2022, Thái Lan có khu vực quảng bá gạo quy mô lớn vì họ là nhà xuất khẩu gạo chuyên nghiệp, xuất khẩu gạo thơm. Đồng thời, tại Thái Lan xuất hiện khẩu hiệu “Nghĩ về gạo nghĩ về Thái Lan” (Think Rice think Thailand).

“Thái Lan nhìn nhận gạo ST 25 của Việt Nam rất mạnh nhưng một phần do chúng ta quản lý không tốt, có những thương hiệu giả mạo nên khiến việc kinh doanh bị thua sút”, Chủ tịch Hàng Việt Nam Chất lượng cao trao đổi lại thông tin cho các doanh nghiệp Việt tại tọa đàm.

Việt Nam cần đi vào chế biến tinh để đạt sức cạnh tranh

Cũng từ chuyến đi Thaifex 2022 nghiên cứu thị trường Thái Lan, bà Vũ Kim Hạnh cho biết, trình độ chế biến của Thái Lan đã đi sâu và khá đa dạng. Tuy nhiên, nếu sản phẩm Thái Lan qua Việt Nam thì không cạnh tranh được trong khía cạnh thực phẩm có tính bản địa cao.

Bà Hạnh dẫn chứng, Thái Lan không biết làm sao chế biến ra nước cốt dừa ngọt nấu xôi, nấu chè hay nước cốt dừa hơi mặn làm ốc len xào dừa…

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao

“Do đó, nếu doanh nghiệp Việt chế biến đạt được mức độ tinh tế sẽ có sức cạnh tranh mạnh hơn, còn nếu sàn sàn những sản phẩm cơ bản có khi doanh nghiệp Việt sẽ thua Thái Lan”.

Dẫn chứng một số doanh nghiệp Việt Nam đã có những sản phẩm chế biến sâu đạt trình độ cao, bà Hạnh chỉ ra, nước dừa Lương Quới áp dụng công nghệ để giữ được 95% chất lượng so với trái dừa tự nhiên. Nếu tôi mua một lon với giá 20.000 đồng bỏ vô tủ lạnh ngon như uống trái dừa tươi vẫn đáng hơn so với mua trái dừa về tìm con dao để chặt rất cực… Tuy nhiên, nếu lon nước dừa không giữ được 95% nguyên vẹn vị của dừa tươi dù bán giá rẻ cũng khó có khách hàng mua.

Bên cạnh đó, bà Hạnh cũng cho rằng, có những điều doanh nghiệp Việt còn chưa tốt so với người Thái như về trình độ trong sáng tạo. “Tại Thaifex, tôi thưởng thức sầu riêng nấu lẩu, đặc biệt là cà ri măng cụt. Tôi rất ấn tượng với bẹ chuối phơi khô được ép lại thành cái dĩa sâu rất đẹp. Tôi cảm nhận trong đó biết bao nhiêu sự sáng tạo, họ đầu tư rất tỉ mỉ”, Chủ tịch HVNCLC kể lại.

“Ngoài tính sáng tạo, công nghệ, đặc biệt vấn đề marketing, trình độ chuyên môn của Thái Lan cũng hơn doanh nghiệp Việt rất nhiều. Ví dụ họ có 10 đồng làm marketing hiệu quả đạt 10 đồng, còn Việt Nam xài 100 đồng hiệu quả chỉ đạt 10 đồng”, bà Vũ Kim Hạnh so sánh.

Chia sẻ kinh nghiệm từ một đơn vị đang trên con đường đẩy mạnh chế biến sâu, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Vinamit cho biết, công ty đã kỳ công nuôi đất organic và khám phá ra phương pháp lên men vượt trội.

Từ năm 1997, thế giới đã bắt đầu xét lại toàn bộ sản phẩm từ nông nghiệp. Người ta đi tìm thực phẩm gốc nông nghiệp tốt cho sức khỏe, từ đó trào lưu thực phẩm organic ra đời.

“Bắt kịp xu hướng này, từ năm 2010, Vinamit đã chính thức đi vào canh tác organic. Mà chìa khóa của việc canh tác organic là đất đai. Nhưng làm thế nào để nuôi lại đất đai để nó có độ phì, độ mùn có sự cân bằng vi sinh vật ở trong đất, thì lúc đó cây của mình mới có đủ dinh dưỡng, đủ hệ miễn dịch, đủ chất nuôi được cây trái, đó là câu hỏi lớn”, ông Viên nêu vấn đề.

Để trả lời câu hỏi đó, Vinamit đã quyết định thành lập trung tâm nghiên cứu sinh học để làm sao nghiên cứu vi sinh vật, làm sao có thể nuôi vi sinh vật ngay tại farm của mình để trả lại cho đất, khi đó sự cân bằng sinh học mới diễn ra.

Ông Matsuo Tomoyuki, CEO Pacific Food
Ông Matsuo Tomoyuki, CEO Pacific Food

Cũng tại tọa đàm, ông Matsuo Tomoyuki, CEO Pacific Food cho biết, ông đến Việt Nam từ năm 2014 và bất ngờ về nhiều nét tương đồng giữa hai nền văn hóa ẩm thực Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt trong phương pháp lên men, làm mắm.

Theo ông Matsuo, cũng như người Việt Nam, người Nhật Bản không xa lạ với sản phẩm mắm. Nhật Bản cũng có mắm, mắm cá, mắm cà… Và đó có lẽ là lý do khiến ông gắn bó với mắm và các sản phẩm bản địa Việt Nam cho đến giờ.

“Tôi ước mơ có thể chọn ra từ 63 tỉnh, thành của Việt Nam mỗi tỉnh, thành một sản phẩm bản địa tiêu biểu để giao lưu xuất khẩu với 47 tỉnh, thành của Nhật Bản”, ông Matsuo chia sẻ về mong muốn.

Tin liên quan

Đọc tiếp