Đặc phái viên Trung Quốc thăm Ukraine, Nga và các nước EU

Chính trị THẾ GIỚI
15:13 - 15/05/2023
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngồi cùng ông Li Hui, lúc bấy giờ là Đại sứ Trung Quốc tại Nga, trong một hội nghị truyền hình liên quan tới đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia tại Moscow ngày 29/6/2015. Ảnh: RIA Novosti
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev ngồi cùng ông Li Hui, lúc bấy giờ là Đại sứ Trung Quốc tại Nga, trong một hội nghị truyền hình liên quan tới đường ống dẫn khí đốt Power of Siberia tại Moscow ngày 29/6/2015. Ảnh: RIA Novosti
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một đặc phái viên cấp cao của nước này sẽ bắt đầu chuyến công du tới Ukraine, Nga cùng các thành phố châu Âu khác từ 15/5 với mục tiêu thảo luận và tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Reuters trích dẫn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông Li Hui, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu và cựu đại sứ tại Nga trong khoảng thời gian 2009 - 2019, sẽ thực hiện chuyến thăm tới 2 nước liên quan trực tiếp tới chiến sự cũng như các quốc gia khác bao gồm Ba Lan, Pháp và Đức. Cơ quan này cho biết chuyến đi sẽ kéo dài nhiều ngày, tuy nhiên không công bố thêm bất kỳ chi tiết nào về lịch trình.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng không đưa ra bất kỳ bình luận nào về thứ tự thực hiện các chuyến thăm của đặc phái viên. Tuy nhiên, 2 nguồn tin có liên quan được Reuters trích dẫn cho biết Ukraine có khả năng sẽ là địa điểm đầu tiên mà ông Li tới thăm.

Trong một cuộc họp báo hàng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nhận định: "Chuyến thăm là minh chứng cho những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình và thể hiện đầy đủ cam kết vững chắc của Trung Quốc đối với hòa bình".

Với động thái này, ông Li Hui trở thành quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tới thăm Ukraine kể từ cuối tháng 2/2022 khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Thời điểm thực hiện chuyến thăm khiến nó có khả năng trùng với thời điểm bắt đầu một cuộc phản công đã được dự đoán từ lâu của Ukraine nhằm tái chiếm lãnh thổ do quân đội Nga chiếm giữ.

Kể từ khi công bố kế hoạch hòa bình 12 điểm cho Ukraine nhằm tìm kiếm một giải pháp hoà bình thông qua biện pháp chính trị và ngoại giao đúng dịp một năm chiến dịch quân sự, Trung Quốc đang dần đẩy mạnh các nỗ lực của mình. Gần đây nhất vào ngày 26/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kể từ 24/2/2022.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ông Li Hui tại Điện Kremlin năm 2019. Ảnh: AP

Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng ông Li Hui tại Điện Kremlin năm 2019. Ảnh: AP

Ông Zelensky đã có những động thái thể hiện sự ủng hộ của mình trên tài khoản Twitter ngày 26/4 khi cho biết cuộc điện đàm giữa 2 nhà lãnh đạo "dài và có ý nghĩa".

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc bằng cách bổ nhiệm một cựu bộ trưởng nội các làm đại sứ mới của Ukraine tại Bắc Kinh. Ông Zelensky tuyên bố: “Tôi tin rằng cuộc điện đàm này, cũng như việc bổ nhiệm đại sứ Ukraine tại Trung Quốc, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển quan hệ song phương của chúng ta”.

Trong khi đó, ông Tập cho biết: “Là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là một nước lớn có trách nhiệm, chúng tôi sẽ không ngồi yên, cũng không đổ dầu vào lửa, càng không tìm cách trục lợi từ đó”.

Vì vậy, nhà lãnh đạo Trung Quốc trả lời Tổng thống Zelensky nước này sẽ tập trung nỗ lực vào việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hoà bình và nỗ lực ngừng bắn càng sớm càng tốt. Tại thời điểm đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ cử đại diện đặc biệt tới Ukraine và tổ chức các cuộc đàm phán với tất cả các bên tìm kiếm hòa bình.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine vẫn đang bế tắc. Kiev bác bỏ ý tưởng nhượng bộ lãnh thổ cho Nga và khẳng định muốn lấy lại toàn bộ 4 vùng đã được sáp nhập cùng bán đảo Crimea trong khi Moscow yêu cầu Kiev công nhận thực tại trên chiến trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp