Đề xuất các công ty năng lượng giải quyết ô nhiễm carbon

Khí hậu THẾ GIỚI
13:53 - 12/01/2023
Các công ty năng lượng phải chịu trách nhiệm cho lượng phát thải carbon xuất phát từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch của mình.
Các công ty năng lượng phải chịu trách nhiệm cho lượng phát thải carbon xuất phát từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Trong các cuộc tranh luận về một giải pháp rẻ hơn, công bằng hơn cho cuộc khủng hoảng khí hậu hiện tại, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các công ty năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch nên chịu trách nhiệm trong việc loại bỏ ô nhiễm carbon.

Một nghiên cứu trên tạp chí khoa học Environmental Research Letters công bố hôm 12/1 đã đưa ra đề xuất các công ty năng lượng phải chịu trách nhiệm cho lượng phát thải carbon xuất phát từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch của mình.

Cụ thể, các nhà khoa học của dự án này kiến nghị mở rộng phạm vi của các quy tắc “trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất” hay EPR – một công cụ chính sách thường được sử dụng trong lĩnh vực xử lý chất thải – sang các ngành công nghiệp dầu khí và than đá.

Theo AFP trích dẫn nghiên cứu này, việc thúc đẩy các công ty nhiên liệu hóa thạch sử dụng các công nghệ để hút carbon dioxide (CO2) từ không khí và chôn nó trở lại lòng đất sẽ là một chiến lược khử cacbon hiệu quả về chi phí.

Nếu phương pháp này được thực thi, bên hưởng lợi nhiều nhất từ giá nhiên liệu hóa thạch cao sẽ là chính ngành công nghiệp này trong khi thách thức khí hậu cũng được giải quyết một phần. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các lệnh cấm vận đã khiến thị trường năng lượng chấn động, dẫn đến giá cả tăng vọt và làm nổi bật lợi nhuận bội thu của ngành nhiên liệu hóa thạch.

Nhận định về vai trò của nghiên cứu này, các tác giả cho biết đây là một phản ứng đối với cuộc khủng hoảng năng lượng và những bài học tiềm năng cho quá trình hướng tới mức phát thải ròng bằng 0. Theo đồng tác giả Myles Allen, giáo sư tại Đại học Oxford, thế giới cần thảo luận về cách ngăn chặn nhiên liệu hóa thạch gây ra sự nóng lên toàn cầu trước khi ngừng sử dụng loại nhiên liệu này.

Để có thể đạt được điều này, với mỗi tấn CO2 do nhiên liệu hóa thạch thải ra cần có 1 tấn khí nhà kính được hút ra khỏi bầu khí quyển và đưa trở lại mặt đất. Nói cách khác, thế giới cần đạt được mục tiêu “phát thải ròng bằng 0 địa chất”.

Cụ thể theo nghiên cứu này, tất cả các nhà khai thác và nhập khẩu dầu, khí đốt và than đá phải xử lý CO2 do các hoạt động và sản phẩm của họ tạo ra với tỷ lệ ngày càng gia tăng và cuối cùng đạt ngưỡng 100% vào năm 2050. Các công nghệ chiết xuất CO2 tại nguồn phát thải hoặc trực tiếp từ không khí và lưu trữ vĩnh viễn trong lòng đất sẽ là trọng tâm của quá trình này.

Hiện đã có những dự án thực hiện được điều này, quy mô của chúng vẫn còn quá nhỏ. Cơ sở chiết xuất và thu giữ phát thải lớn nhất trên thế giới hiện tại có trụ sở tại Thụy Sĩ và do công ty Climeworks điều hành, tuy nhiên nó tốn tới 1 năm để loại bỏ lượng phát thải con người tạo ra trong vài giây.

Kết quả hiện tại không có nghĩa là việc này không thể thực hiện được. Ngược lại, ông Hugh Helferty, đồng tác giả của nghiên cứu và là cựu nhân viên của gã khổng lồ dầu mỏ ExxonMobil, cho biết ngành công nghiệp này “có khả năng” loại bỏ CO2.

Những gì còn thiếu hiện nay là khả năng kinh doanh và động lực để thực hiện nó. Vì vậy, ông kêu gọi đưa ra các quy định, chẳng hạn như các quy tắc cấm chì trong xăng dầu.

Trước mắt, công ty dầu khí Occidental của Mỹ năm 2022 đã công bố kế hoạch xây dựng một dự án thu giữ khí thải trực tiếp ở lưu vực Permian trong mỏ dầu ở Texas với công suất loại bỏ một triệu tấn CO2 hàng năm. Tuy nhiên, các nỗ lực này còn phải cải thiện nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu hạn chế sự nóng lên toàn cầu dưới 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris – một mục tiêu chỉ có thể đạt được khi vài tỷ tấn CO2 được chiết xuất mỗi năm khỏi bầu không khí cho tới năm 2050.

Đọc tiếp