Doanh nghiệp cần có chiến lược dài hơi trong hành trình chuyển đổi số

TMĐT Việt nAM
14:54 - 23/03/2022
0:00 / 0:00
0:00
Nghiên cứu kỹ càng thị trường, xây dựng bộ nhân sự chuyên trách, có định hướng chiến lược dài hạn và phải coi mở gian hàng điện tử như mở gian hàng thực là những yếu tố cần thiết để doanh nghiệp có thể vững bước trong quá trình chuyển đổi số. 

Tại hội thảo “Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới” hôm 22/3, bà Trần Như An, Cố vấn về Năng lực cạnh tranh của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho rằng, đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cú hích buộc doanh nghiệp phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số với những cơ hội và cả những thách thức không nhỏ.

Theo đó, chuyển đổi số tại Việt Nam trở thành tất yếu để các doanh nghiệp tiếp cận với tệp khách hàng đa dạng khi Việt Nam có tới 6 triệu người sử dụng internet, 60 triệu người sử dụng điện thoại thông minh, với độ phủ 71% và có tới 97% người Việt Nam thực hiện ít nhất 1 lần giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Thời gian vừa qua, bất chấp những ảnh hưởng do đại dịch Covid năm 2020, thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ và trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo Sách trắng công bố năm 2021 của Bộ Công Thương, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam đạt mức 18% với quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng thương mại điện tử 2 con số.

Báo cáo về thương mại điện tử toàn thế giới

Báo cáo về thương mại điện tử toàn thế giới

Nhu cầu mua bán trực tuyến giảm nhưng chuyển đổi số vẫn là tất yếu

Tính trên quy mô thương mại điện tử thế giới, theo báo cáo của IMF về cuộc điều tra tại 47 quốc gia từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021, tỷ lệ chi tiêu trực tuyến trong tổng chi tiêu toàn cầu đã tăng mạnh, nhất là thời điểm đỉnh dịch lên tới khoảng 14,9%, so với thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh là 10,3%. Tuy nhiên, khi dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát, cuộc sống sinh hoạt trở lại bình thường, tỷ lệ này giảm xuống còn 12,2%.

Như vậy, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội hồi phục trở lại, việc mua hàng trực tiếp sẽ tăng lên và mua hàng trực tuyến giảm đi. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua và đã dần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng trên toàn thế giới.

Do đó cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khi chuyển đổi số và kết nối với thế giới thông qua thương mại điện tử vẫn còn rộng mở. Ông Mark Birnbaum, đại diện Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam là một trong những trụ cột để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới hơn 97% sẽ khiến khu vực kinh tế tư nhân phải đối mặt với rất nhiều thách thức khi chuyển đổi số. Do quy mô nhỏ nên những khó khăn về nhân lực, tài chính, kiến thức, công nghệ sẽ có thể khiến các doanh nghiệp chậm bước chân của mình trên con đường chuyển đổi số này.

Ông Mark Birnbaum, đại diện Dự án IPSC.

Ông Mark Birnbaum, đại diện Dự án IPSC.

Chính vì vậy, để kích thích doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước bắt đầu hoạt động trên nền tảng thương mại điện tử, bà Vũ Thị Thư, Giám đốc kinh doanh khu vực Hà Nội, Sàn thương mại điện tử Tiki cho biết, các sàn thương mại điện tử trong đó có Tiki hiện đang có các chương trình như các chuyên gia tư vấn, các lớp học đào tạo ngắn ngày và các gói khuyến mại nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp.

Bà cũng cho rằng các doanh nghiệp khi làm việc trên sàn cần hiểu rõ 4 nội dung lớn là cơ chế riêng từng sàn, thị trường (ngách, mảng, đối thủ), chiến lược ngắn lẫn dài hạn và cần đầu tư dài hạn.

Mở gian hàng điện tử như mở ngoài đời thực

Đối với thương mại điện tử xuyên quốc gia, ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực phía Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, việc sử dụng các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đem lại nhiều thuận lợi hơn cho doanh nghiệp. Theo đó, thương mại điện tử xuyên biên giới giúp rút ngắn các thủ tục, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi kết nối trực tiếp với người mua và nhận được phản hồi từ họ để hoàn thiện hơn sản phẩm của mình.

Trong năm 2021 số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam có doanh số 100.000 USD trên Amazon tăng 18% so với năm trước, còn số lượng doanh nghiệp có doanh số 500.000 USD tăng 53%, số sản phẩm được bán bởi doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tăng 34%. Đây là những con số cho thấy sự phát triển không ngừng của các doanh nghiệp Việt Nam trên sàn điện tử lớn nhất thế giới này.

Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam.

Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực phía Bắc, Amazon Global Selling Việt Nam.

Giám đốc Amazon tại miền Bắc cũng cho rằng, chuyển đổi số và sử dụng các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia cho giao thương là việc bắt buộc phải làm trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện tại. Tuy nhiên, để làm được việc này, ông Toàn kiến nghị các doanh nghiệp bắt đầu từ những bước nhỏ nhất với 3 lưu ý. Thứ nhất là phải có nhân sự chuyên trách, các doanh nghiệp cần phải coi mở một gian hàng trên sàn thương mại điện tử như việc mở một gian hàng ngoài đời thực. Vì vậy cần có sự chuẩn bị kĩ càng về định hướng, kế hoạch lâu dài và lực lượng nhận sự đầy đủ.

Các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược xây dựng sản phẩm và thương hiệu lại từ đầu vì dù doanh nghiệp ở trong nước có thể có tiếng tăm nhưng trên các sàn nước ngoài, không mấy người biết đến. Bên cạnh đó, cũng như xuất khẩu truyền thống, các doanh nghiệp cần chuẩn bị những yêu cầu về chất lượng sản phẩm, các chứng chỉ, bao bì sản phẩm của thị trường xuất khẩu để việc thông quan vận chuyển được nhanh chóng.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Lê Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc CTCP Khánh Trình, thông qua câu chuyện của chính doanh nghiệp với sản phẩm xà đơn xếp được ưa chuộng tại cả Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, đã đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp. Đó là cần lưu ý về vấn đề đăng ký chứng nhận sở hữu trí tuệ, hoặc chứng nhận thương hiệu để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp, tránh những kết quả đáng tiếc.

Ngày 22/3, hội thảo “Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới” được tổ chức trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC), do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số và thích ứng trong bối cảnh mới.

IPSC khởi động từ tháng 1/2022 là dự án có tổng vốn viện trợ hơn 36 triệu USD và được thực hiện trong thời gian 5 năm (2020-2025) dành cho các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và đang tăng trưởng (doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh dưới 500 nhân viên) và các tổ chức, hiệp hội hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Dự án đặt mục tiêu cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng suất, mở rộng ra các thị trường quốc tế, tạo ra sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng và trí tuệ của người Việt Nam, định vị thương hiệu sản phẩm “Made by Viet Nam”.

Tin liên quan

Đọc tiếp