Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Trị có nhiều khởi sắc

CHÍNH SÁCH dân tộc
22:06 - 15/11/2023
Ảnh minh họa - Trung tâm QLDT và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị
Ảnh minh họa - Trung tâm QLDT và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị
0:00 / 0:00
0:00

Bộ mặt nhiều xã vùng sâu, vùng xa của Quảng Trị được cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, nhờ chính sách và nguồn lực ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên hơn 313,6 nghìn ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh, dân số hơn 192,2 nghìn người, trong đó, dân tộc thiểu số gần 95 nghìn người, chủ yếu là dân tộc Pa Cô, Vân Kiều, tập trung ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông, số còn lại sinh sống ở một số xã vùng miền núi các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh.

Những năm qua, tỉnh Quảng Trị ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho đồng bào DTTS, cơ sở hạ tầng các xã miền núi từng bước được đầu tư cải thiện, chính sách an sinh xã hội đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao hơn trước.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, đời sống của người DTTS vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2022, tỉ lệ nghèo vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị là 49,51%, cao hơn nhiều so với tỉ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 10,44%.

Hình thức sản xuất quy mô nhỏ, manh mún với đơn vị sản xuất chính vẫn là hộ gia đình; chưa xây dựng được các chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, khả năng phát triển bằng nội lực của người DTTS còn hạn chế, một số nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào DTTS có nguy cơ bị mai một.

Bố trí ngân sách gần 1.500 tỷ đồng cho 6 dự án

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình), tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020 và tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4 - 5%/năm.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị là gần 1.479 tỷ đồng. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2023, tỉnh Quảng Trị được bố trí 192 tỷ đồng. Cụ thể, trên 37 tỷ đồng thực hiện Dự án 1; hơn 22,3 tỷ đồng thực hiện Dự án 2; trên 91,4 tỷ đồng thực hiện Dự án 4; hơn 12,2 tỷ đồng thực hiện Dự án 5; gần 26 tỷ đồng thực hiện Dự án 6 và trên 3,5 tỷ đồng thực hiện Dự án 10.

Sau 3 năm, tỉnh Quảng Trị đã riển khai nội dung của các Dự án và Tiểu dự án, đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo của Đoàn giám sát Ban Dân tộc tỉnh, đến 9/2023, giá trị giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình đạt tỷ lệ 30%, trong đó nguồn vốn đầu tư phát triển đạt tỷ lệ 41,75%, nguồn vốn sự nghiệp đạt tỷ lệ 15,4%.

Theo số liệu báo cáo của Sở Lao động, Thương binh & Xã hội, từ cuối năm 2022 đến tháng 9/2023, tỷ lệ hộ nghèo ở 28 xã khu vực III (đặc biệt khó khăn) giảm 5,85%, vượt trên mục tiêu Chương trình đặt ra (giảm 3-4%). Đây là dấu hiệu khởi sắc bước đầu sau một thời gian ngắn thực hiện mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể của Chương trình.

Về Dự án 1, hầu hết các địa phương đang triển khai các thủ tục giải ngân nguồn vốn được phân bổ trong kế hoạch năm 2022 và năm 2023. Các hộ dân là hộ nghèo người DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã, thôn bản đặc biệt khó khăn được giải quyết tình trạng thiết thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo điều kiện cụ thể của từng tiểu vùng.

Đối với Dự án 2, tỉnh tích cực rà soát, quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng DTTS như: đường giao thông, công trình nhà văn hóa thôn, nước sinh hoạt tập trung, điện sinh hoạt, trường học,…

Một tiết học của học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Ảnh: Báo Quảng Trị
Một tiết học của học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh. Ảnh: Báo Quảng Trị

Thực hiện Dự án 5 về “Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, tỉnh đã hỗ trợ 34 lớp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên người DTTS.

Về thực hiện Tiểu dự án 2 (Dự án 9) về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 20 lớp tập huấn, nhằm nâng cao kỹ năng truyền thông cho nhóm nòng cốt tại cộng đồng thôn bản; tổ chức 10 buổi tọa đàm, giao lưu tìm hiểu kiến thức tại 10 trường học vùng DTTS; tổ chức 10 hội thi tại các xã có tỷ lệ số vụ tảo hôn cao.

Tiến hành cấp phát 62 USB để trình chiếu phim ảnh tuyên truyền do Ủy ban Dân tộc, Đài Truyền hình Quốc hội sản xuất; treo 31 tấm Pano tuyên truyền song ngữ Việt–Bru Vân Kiều đến 31 xã ở vùng DTTS và miền núi.

Thực hiện Dự án 10, Ban Dân tộc cùng các huyện đã tổ chức thành công: 03 Hội nghị biểu dương điển hình người có uy tín; 02 Hội nghị cung cấp thông tin về kế hoạch Chương trình. Ngoài ra, Ban Dân tộc đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 01 Hội nghị bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ phổ biến giáo dục pháp luật; 06 đợt truyền thông trợ giúp pháp lý,...

Những kết quả đã đạt được là sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân vùng DTTS Quảng Trị. Từ những kết quả trên, sẽ khơi dậy, phát huy nguồn nội lực, tiềm năng vốn có để đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Quảng Trị.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.