Đồng bằng sông Cửu Long: 'Sân chơi' mới của các đại gia bất động sản

bđs Việt nAM
07:33 - 11/03/2022
Bất động sản vùng đồng bằng sông Cửu Long đang thu hút các "tay chơi" địa ốc.
Bất động sản vùng đồng bằng sông Cửu Long đang thu hút các "tay chơi" địa ốc.
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi thị trường bất động sản tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Long An nhộn nhịp từ lâu, làn sóng địa ốc mới lan toả đến các địa phương khác tại Đồng bằng sông Cửu Long trong 2 năm trở lại đây, với sự đổ bộ của Vingroup, T&T, Novaland, FLC…

Xu hướng dịch chuyển quỹ đất từ vùng Đông Nam Bộ sang Tây Nam Bộ của các doanh nghiệp bất động sản thể hiện khá rõ trong thời gian qua. Trong đó, Cần Thơ với ưu thế là trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại, y tế, giáo dục, khoa học, văn hoá, du lịch, công nghiệp chế biến của toàn vùng đang thu hút nhiều sự quan tâm nhất.

Từ đầu năm 2021 tới nay, hàng loạt “đại gia” bất động sản đã tìm về xứ “gạo trắng nước trong” để phát triển kinh doanh. Tập đoàn T&T của bầu Hiển đề xuất nhiều dự án lớn: Phát triển huyện Phong Điền thành đô thị sinh thái, sông nước miệt vườn và đầu tư Bảo Tàng nông nghiệp lúa nước tại đây; Xây dựng khu đô thị nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình thành phố công nghiệp với diện tích lên đến 7.500ha; Đầu tư Trung tâm công nghiệp tại quận Ô Môn với đề xuất đưa diện tích công nghiệp lên đến 2.300ha.

Tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo được UBND TP Cần Thơ chấp thuận cho tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đề xuất 2 dự án lớn là Khu Logistics và Công nghiệp Hàng không, sửa chữa tàu bay Cần Thơ tại đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy (quy mô khoảng 1.650ha) và Khu đô thị du lịch sinh thái Phong Điền, huyện Phong Điền (quy mô khoảng 1.000ha).

Tập đoàn Hòa Phát mới dồn lực phát triển mảng bất động sản cũng đề xuất khảo sát, nghiên cứu 2 dự án ở Cần Thơ. Đó là Khu đô thị thương mại - dịch vụ quy mô hơn 88 ha tại quận Cái Răng (dự án bị treo hơn 10 năm do chủ đầu tư thiếu năng lực) và dự án Khu đô thị thương mại - dịch vụ 6,24 ha tại khu đất vàng - Trung tâm hội chợ - triển lãm hiện hữu thuộc quận trung tâm Ninh Kiều.

Trước 3 doanh nghiệp trên, Cần Thơ đã thu hút được 2 “anh cả” làng bất động sản là Công ty Cổ phần Vinpeal (thuộc tập đoàn Vingroup) và Novaland (CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va). Dự án Vinpearl Cồn Ấu gồm Khu biệt thự Cồn Ấu có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.453 tỷ đồng và Sân golf quy mô hơn 77ha với 18 lỗ tiêu chuẩn, tổng vốn đầu tư hơn 1.139 tỷ đồng.

Còn Novaland phối hợp với Azerai khai trương Resort Azerai Cần Thơ, cũng tại Cồn Ấu. Đây là dòng khách sạn mang thương hiệu Azerai đầu tiên tại Việt Nam, với 30 bungalow với 60 phòng nghỉ và 45 căn biệt thự cao cấp timeshare.

Resort Azerai Cần Thơ được triển khai bởi Novaland và Azerai.

Resort Azerai Cần Thơ được triển khai bởi Novaland và Azerai.

Ngoài Cần Thơ, quỹ đất của các công ty địa ốc cũng đang có xu hướng dịch chuyển tới các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ khác. Vingroup đã rót hàng chục tỷ đồng vào loạt dự án tại Kiên Giang, Vincom Plaza Cao Lãnh tại Đồng Tháp. Novaland đề xuất dự án Mekong Smart City tại Đồng Tháp và Long An, với kỳ vọng trở thành điểm đến thu hút du lịch tiểu vùng sông Mekong. Phát Đạt cũng cũng đề xuất đầu tư ba dự án khu công nghiệp 14.726 tỷ đồng tại Đồng Tháp, dự kiến khởi công vào năm 2024.

T&T Group trúng thầu dự án Khu đô thị mới nhóm 5 (TP Cà Mau) với diện tích gần 23 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp còn đang được giao nghiên cứu, lập quy hoạch khu vực sân bay Cà Mau và thực hiện đầu tư loạt dự án lớn khác như cảng nước sâu Hòn Khoai, tuyến cao tốc đoạn từ TP Cà Mau đến Mũi Cà Mau...

Sau khi khởi công dự án FLC La Vista Sadec tại TP Sa Đéc (Đồng Tháp) quy mô 15 ha; Tập đoàn FLC tiếp tục được chính quyền Hậu Giang chấp thuận cho nghiên cứu, xây dựng phương án triển khai một loạt dự án có quy mô lớn trên địa bàn như: Khu đô thị mới kết hợp công viên xanh (185 ha), Khu đô thị mới Nam Vị Thanh (170 ha); đều tại TP Vị Thanh. Dự án Quần thể khu đô thị mới, dịch vụ thể thao và du lịch nghỉ dưỡng Châu Thành (xã Đông Phú, xã Phú Hữu và thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành) gần 488 ha.

Cũng tại Hậu Giang, Tập đoàn Đất Xanh được phê duyệt triển khai dự án Khu đô thị mới Mái Dầm tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, với tổng diện tích quy hoạch dự kiến 96,79 ha, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng. Dự án cung cấp khoảng 2.495 căn hộ, trong đó có 880 căn shophouse, 1.400 căn hộ liền kề, 215 căn biệt thự, với các tiện ích giáo dục, y tế, siêu thị… Dự kiến hoàn thành trong 7 năm.

Theo số liệu của Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang, tính tới thời điểm năm 2021, toàn tỉnh có 62 dự án bất động sản được tỉnh chấp thuận cho doanh nghiệp tiếp cận và phát triển. Có thể kể đến như: Tập đoàn DIC khởi công dự án DIC Victory City Hậu Giang; Tập đoàn Vingroup đầu tư trung tâm thương mại Vincom, Khu dân cư Vạn Phát Sông Hậu (huyện Châu Thành); Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bất động sản TNR Holdings với khu đô thị mới thị xã Ngã Bảy 2, tỉnh Hậu Giang có diện tích sử dụng đất 10,6ha…

Dự án FLC La Vista Sadec tại TP Sa Đéc

Dự án FLC La Vista Sadec tại TP Sa Đéc

Sức hấp dẫn của "miền đất hứa"

Khi quỹ đất tại TP HCM không còn nhiều, các doanh nghiệp địa ốc đổ về miền Tây Nam Bộ là xu hướng tất yếu vì nơi đây còn nhiều quỹ đất, mặt bằng giá còn thấp. Hơn nữa, kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long những năm trở lại đây chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ với GRDP toàn vùng giai đoạn 2011 – 2020 tăng từ 15,5% lên 21,6%. Từ thế mạnh nông nghiệp, các địa phương đã dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, thương mại, công nghệ cao…

Góp phần vào sự tăng trưởng là nhờ vào một loạt chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng của chính phủ, tạo động lực thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư. Mới đây nhất, Chính phủ đã ra Quyết định 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trong đó đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những nội dung quan trọng để nâng cao năng lực kết nối vùng, tiểu vùng, quốc tế; phát triển logistics.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2030, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây cùng với 3 tuyến cao tốc khác có tổng chiều dài khoảng 998 km; cùng với đó là hàng trăm kết nối hạ tầng từ sân bay, cảng biển đến cầu cống... để kéo gần miền Tây với các trung tâm kinh tế phía Nam và cả nước.

Tại Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (năm 2021), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, số tiền đầu tư cho khu vực này là 388.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào hạ tầng. Hàng loạt dự án như Đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau, Quốc lộ 60, Quốc lộ N2 và 4 công trình kết nối trục ngang Đồng bằng sông Cửu Long với Campuchia gồm Quốc lộ 62, 30, 91 và QL80 sau khi đi vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian di chuyển, đẩy mạnh giao thương với các khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước.

Như vậy có thể thấy, các “đại gia” bất động sản đều đã nhận thấy tiềm năng gia tăng giá trị các dự án tại thị trường miền Tây Nam Bộ. Cuộc dịch chuyển quỹ đất cũng hứa hẹn sẽ sôi động hơn trong thời gian tới. Tất nhiên, cơ hội để nhận được những vị trí đắc địa vẫn thuộc về doanh nghiệp nhạy bén, có tiềm lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực hấp dẫn nhưng cũng nhiều cam go này.

Giá bất động sản tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long thời điểm cuối năm 2021. Nguồn: Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ
Giá bất động sản tại các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long thời điểm cuối năm 2021. Nguồn: Hiệp hội Bất động sản Cần Thơ
Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, tính từ năm 2019 đến nay, giá bất động sản tại nhiều tỉnh ở miền Tây đã tăng 30%-35%. Trong năm 2021, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, dù giao dịch bị chững lại nhưng giá nhà vẫn tăng 20%-25%. Riêng hai tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, xu hướng tăng giá vẫn diễn ra tại nhiều phân khúc, đặc biệt là đất nền, nhà phố mặt tiền.

Đọc tiếp