Đồng Ruble mạnh lên cũng có thể gây hệ quả tiêu cực cho Nga

KINH TẾ NGA
10:19 - 24/05/2022
Về lâu dài, một đồng ruble mạnh có thể ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Ảnh: Sputnik
Về lâu dài, một đồng ruble mạnh có thể ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Ảnh: Sputnik
0:00 / 0:00
0:00
Theo RT trích lời Tiến sĩ Kinh tế Denis Domashchenko, sự kết hợp giữa đồng Ruble mạnh và giá dầu cao sẽ tạm thời kiềm chế lạm phát nhưng ngược lại cũng có thể đẩy nhanh giá tiêu dùng trong tương lai.

Trong phiên giao dịch ngày 23/5, đồng Ruble đã tăng hơn 6% so với đồng Euro lên mức 58,75, tương đương với mức cao nhất kể từ tháng 6/2015. So với đồng USD, đồng tiền Nga tăng 4,6% và được giao dịch quanh ngưỡng 57,47, không xa mức cao nhất trong 4 năm đạt được vào cuối tuần trước.

Trong bài phỏng vấn với nhật báo kinh doanh RBC, chuyên gia Denis Domashchenko nhận định rằng sự thống trị trong doanh thu ngành năng lượng cùng với một đồng tiền quốc gia mạnh có thể tạo thành một hiện tượng gọi là “căn bệnh Hà Lan”.

Cụ thể trong kinh tế học, “căn bệnh Hà Lan” dùng để chỉ mối quan hệ nhân quả giữa sự gia tăng phát triển kinh tế của một lĩnh vực cụ thể và sự suy giảm trong các lĩnh vực khác. Tình trạng này có thể là những hậu quả tiêu cực phát sinh từ việc giá trị đồng tiền của một quốc gia tăng đột biến do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của một ngành chiếm ưu thế, thường là nhiên liệu hóa thạch. Lúc đầu, dòng ngoại tệ đổ vào sẽ có thể làm giảm lạm phát trong nước. Tuy nhiên, nó đồng thời sẽ làm chậm sự phát triển của các ngành khác và cản trở tăng trưởng kinh tế, dẫn đến tăng giá.

Thuật ngữ này được sử dụng lần đầu tiên năm 1977 bởi The Economist để mô tả sự suy giảm của lĩnh vực sản xuất ở Hà Lan sau khi phát hiện ra mỏ khí đốt tự nhiên Groningen lớn vào năm 1959.

Do đó, ông Domashchenko nhận định, việc đồng tiền Nga mạnh lên gần đây và doanh thu gia tăng từ việc bán các sản phẩm năng lượng với giá cao là rủi ro cho nền kinh tế đất nước trong dài hạn. Căn bệnh Hà Lan, hay còn được gọi là hiệu ứng Groningen, có thể tự biểu hiện trong nền kinh tế Nga. Nguyên nhân là do tỷ giá hối đoái cao có thể gây ra tình trạng tồn đọng các lĩnh vực công nghệ cao của nền kinh tế và dẫn đến việc tăng giá chậm.

Một phương pháp có thể được sử dụng vào lúc này chính là thiết lập một tỷ giá hối đoái cố định bằng đồng Ruble thay vì thả nổi nó như hiện tại. Việc này sẽ giúp tạo ra sự cân bằng giữa điều tiết lạm phát và tăng trưởng kinh tế, giống như phương pháp mà chính phủ Trung Quốc từng dùng trước đây để ổn định tình hình tăng trưởng kinh tế nội địa.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin. Ảnh: TASS

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin. Ảnh: TASS

Ở một diễn biến khác, Nga đang tiếp đà rút lui khỏi hàng loạt các tổ chức và sự kiện quốc tế khi thông báo rút quyền đăng triển lãm Expo 2030 của mình hôm 23/5. Trước đó, Moscow cũng thông báo đang cân nhắc rút lui khỏi các tổ chức quốc tế lớn như WTO. Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã gửi thư thông báo quyết định này tới ông Dimitri Kerkentzes, Tổng thư ký Văn phòng International Des Expositions (BIE) - tổ chức liên chính phủ phụ trách giám sát và điều hành các đợt World Expo.

Theo ông Mishutin, nguyên nhân được đưa ra là do các sự kiện và phong trào quốc tế đã bị chính trị hóa nhằm theo đuổi “tinh thần chống Nga”. Các quyết định gần đây của Cục Triển lãm Quốc tế cũng cho thấy Nga sẽ không thể tham gia vào một chiến dịch cạnh tranh trung thực để chọn địa điểm cho hội chợ World Expo năm 2030.

Đồng thời, Thủ tướng Nga cũng cho biết thêm "bằng cách tự nguyện đưa ra quyết định khó khăn này, Liên bang Nga hy vọng rằng trong tương lai gần, phong trào triển lãm toàn cầu sẽ trở lại cội nguồn lịch sử của nó”. Cụ thể, chính phủ Nga cho rằng các sự kiện này nên tập trung vào các ứng dụng thuần túy vì lợi ích của phát triển kinh tế và tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế chứ không phải chính trị.

World Expo là sự kiện quốc tế lớn nhất mang đến cho các quốc gia tham dự cơ hội thể hiện mình với thế giới, đồng thời thể hiện những thành tựu trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, văn hóa và kiến trúc. Trong những năm gần đây, các hội chợ này đã đóng vai trò như một nền tảng để ngoại giao và xây dựng thương hiệu quốc gia cho nước đăng cai. Nếu giành được quyền đăng cai, Moscow sẽ tổ chức sự kiện này từ ngày 27/4 đến ngày 27/10/2030.

Đọc tiếp