Dược Hậu Giang: Lợi nhuận quý 3 đi lùi nhưng vẫn hoàn thành 77% kế hoạch năm

dược phẩm DHG
15:58 - 24/10/2023
Trụ sở CTCP Dược Hậu Giang tại TP Cần Thơ. Ảnh: DHG
Trụ sở CTCP Dược Hậu Giang tại TP Cần Thơ. Ảnh: DHG
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo tài chính quý 3/2023, dù lợi nhuận quý 3 giảm 36% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế của CTCP Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) trong 9 tháng 2023 vẫn tăng trưởng 4% và hoàn thành 77% kế hoạch năm.

Doanh thu thuần quý 3 của Dược Hậu Giang đạt 1.099 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với quý cùng kỳ năm ngoái, kéo lợi nhuận gộp cũng giảm 11% xuống gần 515 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của DHG tăng tới 67% lên 55 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi tăng mạnh so với cùng kỳ. Chi phí tài chính tăng nhẹ so với cùng kỳ, đạt 27 tỷ đồng, trong đó, chi phí lãi vay tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ lên gần 10,3 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 13% và 29% lên 254 tỷ đồng và 90 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế của DHG đạt 187 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ.

Giải trình sự chênh lệch lợi nhuận này, Dược Hậu Giang cho biết trong quý 3, công ty tăng cường các hoạt động marketing, đầu tư phát triển sản phẩm mới nhằm thực hiện các chiến lược dài hạn, đẩy các loại chi phí tăng cao.

Đồng thời, tình hình kinh tế khó khăn làm giảm sức mua, tăng trưởng của nhiều ngành kinh tế, trong đó có ngành dược phẩm, dưới tác động này, doanh thu quý 3 của DHG đã có sự giảm sút so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu thuần của Dược Hậu Giang đạt 3.481 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 867 tỷ đồng, đều tăng 4% so với cùng kỳ 2022. Kết quả này đạt được chủ yếu do tình hình kinh doanh tốt của hai quý đầu năm.

Năm 2023, công ty đặt mục tiêu 5.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, sau 9 tháng, DHG đã hoàn thành 70% chỉ tiêu doanh thu và 77% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính đến ngày 30/9/2023, tổng tài sản của DHG tăng 16% so với đầu năm lên 5.989 tỷ đồng. Chiếm phần lớn cơ cấu tài sản là 2.290 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn từ 3 - 12 tháng, giảm 3% so với thời điểm cuối năm 2022 và 1.574 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng mạnh 26%.

Trong cơ cấu hàng tồn kho, chủ yếu là 677 tỷ đồng khoản nguyên vật liệu, tăng 12 tỷ đồng so với đầu kỳ và 580 tỷ đồng thành phẩm, tăng 90%.

Tại ngày 30/9/2023, khoản tài sản dở dang dài hạn của Dược Hậu Giang đạt gần 460 tỷ đồng, gấp 4,95 lần con số đầu năm và tăng gấp rưỡi so với thời điểm cuối quý 2.

Mức tăng này chủ yếu tới từ việc đầu tư mở rộng dự án nhà máy Dược phẩm và nhà máy in bao bì DHG. Tới cuối quý 3, Dược Hậu Giang đã đầu tư 415 tỷ đồng vào việc mở rộng dự án kể trên, gấp 8,8 lần đầu năm và gấp 1,6 lần con số cuối quý 2/2023.

Về cơ cấu nợ, tổng nợ phải trả tính đến hết tháng 9 của DHG tăng tới 59% so với thời điểm cuối năm 2022 lên 1.397 tỷ đồng.

Trong đó, 1.329 tỷ đồng là nợ ngắn hạn, bao gồm 245 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, giảm 23%, 169 tỷ đồng phải trả người lao động, 55 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện…

Đặc biệt, tại ngày 30/9/2023 Dược Hậu Giang ghi nhận gần 760 tỷ đồng tiền vay ngắn hạn ngân hàng, gấp 6,6 lần con số đầu năm và tăng 139 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý 2/2023.

Chính khoản nợ tăng đột biến này đã đẩy chi phí lãi vay của Dược Hậu Giang trong quý 3 tăng gấp 2,2 lần quý 3/2022, lên 10,3 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, chi phí này đạt 22 tỷ đồng, gấp 1,8 lần cùng kỳ năm trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.