Dưới cái nóng gần 50 độ, Ấn Độ đang trải qua cuộc khủng hoảng điện năng

Điện năng ẤN ĐỘ
14:53 - 06/05/2022
Một người phụ nữ tạt nước vào mặt trong một ngày hè tại nhà ga xe lửa Prayagraj, Ấn Độ. Ảnh: ANI Photo
Một người phụ nữ tạt nước vào mặt trong một ngày hè tại nhà ga xe lửa Prayagraj, Ấn Độ. Ảnh: ANI Photo
0:00 / 0:00
0:00
Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, đang phải đối mặt với nhiều tuần mất điện do nhiệt độ tăng cao, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tăng kỷ lục và các kho dự trữ than cạn kiệt.

Cuộc khủng hoảng điện ở Ấn Độ đang gây ra tình trạng mất điện kéo dài, khiến các dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và là nguyên nhân gây ra các cuộc biểu tình trên đường phố. Tình trạng này được dự báo sẽ kéo dài thêm nhiều tháng, gây thêm áp lực cho đà hồi phục kinh tế của quốc gia này.

Tình trạng mất điện và cắt điện luân phiên đã lan rộng ở hơn một nửa số tiểu bang của Ấn Độ. Hệ thống năng lượng từ than đá của quốc gia này có thể sẽ căng thẳng hơn nữa, khi nhu cầu sử dụng điện đạt mức cao kỷ lục sẽ tiếp diễn trong những tuần tới.

Ngay cả khi đợt nắng nóng 46 độ C tạm thời được khắc phục, các hộ gia đình và doanh nghiệp Ấn Độ vẫn phải đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn điện liên tục do lượng than dự trữ tại các nhà máy điện và nhiên liệu nhập khẩu sụt giảm vì giá tăng kể từ khi xảy ra chiến sự tại Ukraine.

Lượng than dự trữ tại các nhà máy nhiệt điện giảm gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng. Nguồn: Bộ Điện lực Ấn Độ / Bloomberg
Lượng than dự trữ tại các nhà máy nhiệt điện giảm gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng. Nguồn: Bộ Điện lực Ấn Độ / Bloomberg

Ông Sumant Sinha, Chủ tịch ReNew Energy Global Plc, nhà cung cấp năng lượng gió và mặt trời ở Ấn Độ, cho biết: "Tình hình hiện tại rất khó khăn. Cả mùa hè này chính là một thử thách”.

Giá than và dầu cao có nguy cơ làm gia tăng áp lực lạm phát, khiến Ngân hàng trung ương Ấn Độ hôm 4/5 bất ngờ nâng lãi suất cơ bản. Việc cắt giảm điện năng cũng ảnh hưởng đến đà hồi phục vốn đang chững lại trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp Ấn Độ.

Sản xuất than và nhiên liệu hoá thạch chiếm tới hơn 70% sản lượng điện của Ấn Độ, nhưng không thể theo kịp nhu cầu năng lượng cao kỷ lục do đợt nắng nóng và sự hồi sinh của ngành sản xuất công nghiệp sau đại dịch. Những khó khăn trong lĩnh vực logistics (bao gồm cả việc thiếu toa tàu vận chuyển nhiên liệu từ các mỏ đến nhà máy điện) đang làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt.

Bà Aditi Nayar, chuyên gia kinh tế của ICRA, cho biết: "Nếu nguồn cung điện bị hạn chế trong sản xuất công nghiệp, nó có thể trì hoãn sự hồi phục của ngành này ít nhất trong 1 quý nữa."

Lượng than dự trữ tại các nhà máy nhiệt điện than đã giảm hơn 14% kể từ đầu tháng 4, khiến khoảng 100 nhà máy không đủ nguồn cung thiết yếu, theo Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEE). Ngoài ra, dự trữ than được dự báo sẽ giảm nhiều hơn nữa do nhu cầu cao và sau đó là mùa mưa tháng 7.

Mưa gió lớn đã gây ra cuộc khủng hoảng điện cho Ấn Độ vào năm ngoái. Đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng, khi các mỏ than và đường xá ngập lụt, cản trở hoạt động sản xuất và vận chuyển.

“Nếu các kho dự trữ than tiếp tục cạn kiệt với tốc độ này, chúng ta sẽ chứng kiến ​​một cuộc khủng hoảng điện toàn diện trên toàn quốc”, ông Shailendra Dubey, Chủ tịch Liên đoàn Kỹ sư Điện toàn Ấn Độ, cơ quan vận động đưa ra các đề xuất về chính sách năng lượng, cho biết.

Tình trạng thiếu điện trong năm 2022 tại Ấn Độ. Nguồn: Bộ Điện lực Ấn Độ / Bloomberg

Tình trạng thiếu điện trong năm 2022 tại Ấn Độ. Nguồn: Bộ Điện lực Ấn Độ / Bloomberg

Theo Bộ Điện lực Ấn Độ, nhu cầu điện tại quốc gia này đã đạt mức kỷ lục vào ngày 29/4 lên tới 207,1 gigawatt và được dự báo sẽ tăng lên 220 gigawatt trong 2 tháng tới. Giá điện trung bình tại Sở giao dịch năng lượng Ấn Độ đã tăng khoảng 10 Rupee (0,13 USD)/kilowatt giờ, gần gấp 3 lần mức trung bình trong tháng 1 và đã được các cơ quan quản lý áp giới hạn.

Đầu tuần này, Thủ hiến bang Rajasthan, ông Ashok Gehlot, cho biết ít nhất 16 trong số 28 bang của Ấn Độ đã phải vật lộn với tình trạng mất điện từ 2-10 tiếng mỗi ngày. Sau đó, tình hình này được khắc phục ở một số khu vực.

Ông nói thêm, bang Rajasthan, nơi được coi là trung tâm của nhà máy luyện kim loại cho đến nhà máy dệt, tuần trước đã yêu cầu cắt giảm một nửa nguồn cung điện cho một số ngành công nghiệp. Ông Gehlot cũng kêu gọi người dân nên hạn chế sử dụng các thiết bị như máy điều hoà không khí và máy làm mát trong nhà cũng như nơi làm việc.

Một người bán hàng chợp mắt vào một buổi trưa hè trong đợt nắng nóng ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 30/4. Ảnh: Bloomberg

Một người bán hàng chợp mắt vào một buổi trưa hè trong đợt nắng nóng ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 30/4. Ảnh: Bloomberg

Trong khi đó, bang Maharashtra, nơi có thành phố Mumbai, đang phải “chiến đấu với tình trạng mất điện ngày càng tồi tệ”, ông S. Maheshkumar, Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Kinh tế và Công nghiệp Maharashtra, cho hay. "Các ngành công nghiệp lo lắng rằng họ sẽ phải cắt giảm sản lượng và từ chối các đơn đặt hàng xuất khẩu và nội địa”, ông nói.

Sự tức giận vì thiếu điện để dùng là nguyên nhân gây ra nhiều cuộc biểu tình ở khắp bang Punjab, nơi sản xuất ngũ cốc hàng đầu Ấn Độ, vào cuối tuần qua. Những người nông dân đã xuống đường và kêu gọi họ cần được sử dụng điện tối thiểu 8 tiếng/ngày để sản xuất nông nghiệp. Nhiều người lo ngại về việc cung cấp điện trong mùa gieo sạ từ giữa tháng 6.

Tại các bang khai thác than Jharkhand và Chhattisgarh, nhiều ngành sản xuất đang phải cắt giảm sản lượng hoặc chạy máy phát điện dự phòng bằng dầu diesel vốn rất đắt đỏ. Ông Philip Mathew, Chủ tịch Hiệp hội các Ngành công nghiệp nhỏ tại Jharkhand, nhận định: "Nếu cứ phải vận hành nhà máy trong tình trạng như thế này, chúng tôi sẽ sớm lâm vào nguy cấp”.

Cuối tuần trước, các thành viên đảng đối lập đã tổ chức tuần hành trên các đường phố ở Jammu để phản đối việc cắt điện 6 tiếng mỗi ngày. Tình trạng mất điện đã xảy ra ở các trung tâm dân cư quan trọng như Uttar Pradesh. Ngay cả những nơi mà nguồn cung đang dần được cải thiện như Karnataka và Karala, thì việc kết nối điện vẫn không được đảm bảo cả ngày.

Theo bà Shumita Deveshwar, Giám đốc cấp cao về nghiên cứu Ấn Độ tại TS Lombard, mặc dù chính quyền Thủ tướng Narendra Modi vẫn chưa phải đối mặt với những quan điểm bất đồng, nhưng nền kinh tế nước này đang phải chịu áp lực từ giá năng lượng cao, lạm phát gia tăng cũng như tác động của đại dịch Covid-19.

"Những điều này có khả năng sẽ trở thành những vấn đề chính trị lớn hơn trong dài hạn. Nếu cuộc khủng hoảng than tiếp diễn trong một thời gian dài, áp lực kinh tế sẽ tăng lên”, bà nhận định.

Tin liên quan

Đọc tiếp