Shopee thoái lui khỏi thị trường Ấn Độ do triển vọng kém

TMĐT ẤN ĐỘ
09:41 - 29/03/2022
Văn phòng Shopee tại Singapore. Ảnh: Reuters
Văn phòng Shopee tại Singapore. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Bắt đầu từ hôm nay (29/3), gã khổng lồ công nghệ Sea của Singapore sẽchính thức rút mảng kinh doanh thương mại điện tử Shopee khỏi thị trường Ấn Độ, chỉ vài tháng sau khi bắt đầu hoạt động do triển vọng tăng trưởng yếu.

Theo Nikkei Asia, Shopee rút khỏi thị trường bán lẻ Ấn Độ sau khi quốc gia này cấm trò chơi điện tử nổi tiếng “Free Fire” của tập đoàn mẹ Sea. Trong tuyên bố của mình, công ty cho biết nguyên nhân cho việc rút lui khỏi thị trường tỷ dân này là do “những bất ổn của thị trường toàn cầu", đồng thời cam kết sẽ khiến cho quá trình diễn ra “suôn sẻ nhất có thể”.

Tuy nhiên, quyết định rút khỏi Ấn Độ của Shopee xuất phát một phần bởi sự giám sát về mặt quy định ngày càng chặt hơn từ quốc gia này. Chính phủ Ấn Độ đang thực hiện những động thái mạnh mẽ trong việc siết quy định đối với các công ty được cho là gửi dữ liệu đến máy chủ tại Trung Quốc.

Shopee đã chối bỏ cáo buộc này vào hồi đầu tháng 3 và cho biết tập đoàn không chuyển hoặc lưu trữ dữ liệu của người dùng Ấn Độ tới Trung Quốc. Việc thoái lui khỏi thị trường Ấn Độ cũng sẽ gây ra tổn hại tới các công ty logistics của Ấn Độ mà Shopee đã kí hợp đồng trước đó trong khoản đầu từ 1 tỷ USD vào đây.

Khi được yêu cầu đưa ra bình luận, Shopee chỉ cho biết các quyết định liên quan tới Shopee Ấn Độ không liên quan đến các vấn đề pháp lý” mà không đưa ra thêm bất kỳ chi tiết nào. Ngoài ra, công ty cũng bổ sung mình sẽ tiếp tục làm việc để giải quyết tình hình của game Free Fire tại Ấn Độ.

Sau khi lệnh cấm tại Ấn Độ được đưa ra, giá trị thị trường của Sea niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York đã giảm 16 tỷ USD chỉ trong một ngày. Cổ phiếu của hãng đã giảm 1,8% ở mức $ 113,96. Sự sụt giảm này đã khiến một số nhà đầu tư phải cắt giảm cổ phần nắm giữ tại tập đoàn. Trước đó khi gã khổng lồ Trung Quốc Tencent thông báo sẽ bán 14,5 triệu cổ phiếu của tập đoàn vào tháng 1, cổ phiếu của Sea cũng đã đã giảm 11%.

Hãng tin Reuters đưa tin đây là động thái thoái lui thứ hai trong tháng này của Sea trong nỗ lực mở rộng thị trường của mình, do nó xảy ra chỉ vài tuần sau khi Shopee thông báo chính thức rút khỏi Pháp.

Shopee bắt đầu mở rộng kinh doanh tại Ấn Độ từ tháng 10/2021 như một phần của các nỗ lực mở rộng thị trường quốc tế và đặc biệt là sang châu Âu. Tại thời điểm đó, vốn hóa thị trường của tập đoàn lên tới 200 tỷ USD. Tuy nhiên tới hiện tại, con số này đã giảm xuống chỉ còn 64,76 tỷ USD vào tháng 3/2022 – vỏn vẹn nửa năm sau kế hoạch mở rộng.

Bắt đầu từ đầu tháng này, Sea cũng cho biết tăng trưởng mảng kinh doanh thương mại điện tử của hãng là Shopee được dự kiến sẽ giảm một nửa xuống còn khoảng 76% trong năm 2022. So với mức bùng nổ 157% vào năm 2021, con số này thấp hơn nhiều trong bối cảnh số lượng mua hàng và tương tác trực tuyến ít hơn khi ngày càng nhiều quốc gia kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19.

Ông Oshadhi Kumarasiri, nhà phân tích cổ phiếu của LightStream Research, nhận định sự thay đổi mạnh mẽ trong tâm lý thị trường đối với cổ phiếu tăng trưởng đã khiến tất cả các công ty thương mại điện tử chịu áp lực phải hòa vốn càng sớm càng tốt.

Tại Ấn Độ, nơi thị trường thương mại điện tử đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, các công ty thống trị tại đây là Amazon và Flipkart của Walmart. Shopee không phải hãng thương mại điện tử duy nhất gặp khó về vấn đề quy định. Chính phủ nước này từ lâu đã áp dụng các hạn chế pháp lý nghiêm ngặt nhằm bảo vệ thị trường bán lẻ truyền thống gồm các nhà bán lẻ nhỏ hơn – thành phần chiếm phần lớn trong nền kinh tế nước này.

Các nhà bán lẻ truyền thống tại quốc gia này thường cáo buộc các công ty nước ngoài vi phạm các quy định giám sát và giảm giá sâu, do đó gây tổn hại tới hoạt động kinh doanh của họ. Tuy các công ty, trong đó có bao gồm cả Shopee, đã chối bỏ cáo buộc này, công ty vẫn phải đối mặt với những lời kêu gọi tẩy chay từ người bán tại Ấn Độ.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.
Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.