EU có thể phải thực hiện cắt điện do khủng hoảng năng lượng

NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU
07:35 - 04/10/2022
EU đang lên kế hoạch cắt điện, phân phối năng lượng và nhiều kế hoạch khẩn cấp khác để chuẩn bị cho khủng hoảng năng lượng. Ảnh: Reuters
EU đang lên kế hoạch cắt điện, phân phối năng lượng và nhiều kế hoạch khẩn cấp khác để chuẩn bị cho khủng hoảng năng lượng. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Theo một nguồn tin từ EU, liên minh kinh tế này đang chuẩn bị cho việc cắt điện và các biện pháp khẩn cấp khác khi lo ngại về xung đột tại Ukraine và một cuộc khủng hoảng năng lượng ngày một nghiêm trọng đang thành hình.

Sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự tại Ukraine và các quốc gia phương Tây bắt đầu áp đặt nhiều vòng trừng phạt kinh tế lên Nga, xuất khẩu năng lượng của quốc gia này sang EU đã sụt giảm đáng kể. Trong bối cảnh nguồn cung khí đốt sụt giảm và mùa đông sắp tới gần, các nước châu Âu đã buộc phải áp dụng các kế hoạch khẩn cấp có thể dẫn tới việc phân chia năng lượng bắt buộc.

Theo Reuters, EU đang chuẩn bị cho 2 kịch bản khác nhau, đồng thời cũng phải chạy đua tìm nhà cung cấp thay thế. Trong kịch bản đầu tiên, hãng thông tấn RND trích dẫn ủy viên quản lý khủng hoảng EU Janez Lenarcic hôm 4/10 cho biết sẽ chỉ có một số nhỏ các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng bởi một sự cố như mất điện. Do đó, các quốc gia EU khác không chịu ảnh hưởng nhiều có thể cung cấp điện cho các thành viên bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên ở kịch bản thứ 2, nếu một số lượng lớn các quốc gia đều chịu ảnh hưởng cùng một lúc, các quốc gia trong khối sẽ buộc phải giới hạn việc chuyển viện trợ khẩn cấp cho các thành viên khác. Một khi chuyện này xảy ra, EU có thể đáp ứng nhu cầu thông qua nguồn dự trữ chiến lược của mình vốn nhằm chống chịu các sự cố lớn như sự cố hóa học, hạt nhân và sinh học.

Ngoài ra, ông Lenarcic khẳng định các gói cứu trợ khủng hoảng cũng có khả năng sẽ cần thiết cho EU.

Trong bối cảnh tình hình năng lượng tại EU ngày càng trở nên phức tạp với việc các đường ống Nord Stream bị phá hoại, Mỹ đang tăng cường xuất khẩu khí đốt hóa lỏng tự nhiên (LNG) sang châu Âu vào tháng 9, bất chấp hoạt động sản xuất trong nước đang ở mức thấp hơn trung bình. Vụ hỏa hoạn hồi tháng 6 trước đó tại nhà xuất khẩu lớn thứ 2 của Mỹ là Freeport LNG khiến sản lượng của nước này dưới công suất đầy đủ.

Dù Mỹ tăng cường xuất khẩu LNG cho châu Âu, việc này vẫn không thể giúp cho khu vực này tránh khỏi khủng hoảng. Ảnh: Reuters

Dù Mỹ tăng cường xuất khẩu LNG cho châu Âu, việc này vẫn không thể giúp cho khu vực này tránh khỏi khủng hoảng. Ảnh: Reuters

Bất chấp các nỗ lực của Mỹ, châu Âu vẫn đang ở trong tình thế khó khăn về năng lượng do thay thế Nga là điều không dễ dàng. Theo nhà phân tích Emily McClain của Rystad Energy, nguồn cung khí đốt của châu Âu trong mùa đông này chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng, nhưng điều đáng lo ngại hơn lúc này chính là tác động của nó tới lượng khí đốt dự trữ cho mùa đông năm sau.

Đọc tiếp