EU xúc tiến thảo luận mua vaccine bệnh đậu mùa khỉ

đậu mùa khỉ CHÂU ÂU
12:04 - 27/05/2022
Việc triển khai tiêm phòng bệnh đậu mùa cho khỉ sẽ được giới hạn trong những trường hợp rất cụ thể. Ảnh: Reuters
Việc triển khai tiêm phòng bệnh đậu mùa cho khỉ sẽ được giới hạn trong những trường hợp rất cụ thể. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 26/5, Ủy ban châu Âu thông báo, Liên minh châu Âu (EU) đang xúc tiến kế hoạch mua vaccine và thuốc điều trị bệnh đậu mùa khỉ. Chi tiết kế hoạch này sẽ được thống nhất trong "những ngày tới".

AFP đưa tin, người phát ngôn Cơ quan ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp y tế châu Âu (HERA), ông De Keersmaecker, cho biết: "HERA thực sự đang làm việc với các quốc gia thành viên và các nhà sản xuất để mua vaccine và thuốc điều trị bệnh đậu mùa khỉ".

Theo đó, 27 quốc gia thành viên EU đã đồng ý rằng HERA sẽ thay mặt các nước này để mua vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ "càng sớm càng tốt". "Các thủ tục cụ thể sẽ được xác định với các quốc gia thành viên trong những ngày tới", ông nói thêm.

Một mẫu xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ. Ảnh: Independent

Một mẫu xét nghiệm dương tính với virus đậu mùa khỉ. Ảnh: Independent

Mặc dù EU từng đảm nhận vai trò trung tâm điều phối và mua trước hàng tỷ liều vaccine Covid-19 cho các nước thành viên, tuy nhiên ông De Keersmaecker cho biết tình hình bệnh đậu mùa khỉ hiện nay lại là câu chuyện khác.

"Việc triển khai tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ sẽ chỉ giới hạn cho những trường hợp rất cụ thể vì khả năng lây truyền và nguy cơ từ virus gây bệnh này không thể so sánh được với Covid-19", ông nhận định.

Nhiều nghiên cứu cho thấy vaccine phòng bệnh đậu mùa có tác dụng phòng ngừa 85% đối với bệnh đậu mùa khỉ, dù hiệu quả của vaccine giảm dần theo thời gian. Một số nước, trong đó có Mỹ, đã tích trữ vaccine phòng đậu mùa trong trường hợp bệnh này xuất hiện trở lại, nay có thể sử dụng vaccine này để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ.

Trong một báo cáo cập nhật cùng ngày, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cho biết mặc dù số ca mắc bệnh đã tăng gấp 5 lần kể từ một tuần trước, nhưng nguy cơ lây nhiễm vẫn "rất thấp".

Đến ngày 26/5, Tổ chức Y tế Thế giới WHO báo cáo, virus đậu mùa khỉ hiện đã lây lan tới hơn 20 quốc gia, đồng thời đưa ra lời kêu gọi các nước tăng cường giám sát tình hình khi dịch bệnh bùng phát.

Virus bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây truyền giữa người với người, chỉ lây lan khi mọi người tiếp xúc lâu với tổn thương, dịch cơ thể, giọt đường hô hấp hoặc đồ vật dính virus như chăn ga gối đệm.

Thời gian ủ bệnh của đậu mùa khỉ là từ 5 - 21 ngày nên mọi người được cảnh báo là phải cẩn trọng trong 3 tuần sau khi phơi nhiễm hoặc phát hiện mắc bệnh. Các triệu chứng ban đầu bao gồm sốt, nhức đầu, sưng hạch bạch huyết, đau lưng và cơ; sau đó là xuất hiện phát ban với mụn mủ trên mặt, tay và các nơi khác trên cơ thể. Các triệu chứng bắt đầu xuất hiện trong vòng một và hai tuần kể từ khi nhiễm bệnh.

Bệnh đậu mùa khi lần đầu được phát hiện vào năm 1958. Ca bệnh đầu tiên trên người được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo. Có 2 chủng đậu mùa khỉ, một chủng ở Tây Phi và một chủng ở trung Phi. Đợt bùng phát đậu mùa mới đây được cho là gây ra bởi chủng Tây Phi nhẹ hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp