GDP Nhật Bản tăng trưởng âm trong quý III/2022

KINH TẾ NHẬT BẢN
16:10 - 15/11/2022
Nền kinh tế Nhật Bản đang chịu nhiều áp lực, đặc biệt là từ đồng yên suy giảm kỷ lục so với đồng USD. Ảnh: Reuters
Nền kinh tế Nhật Bản đang chịu nhiều áp lực, đặc biệt là từ đồng yên suy giảm kỷ lục so với đồng USD. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong quý III/2022, nền kinh tế Nhật Bản bất ngờ tăng trưởng âm 1,2%, càng làm nổi bật triển vọng u ám của kinh tế nước này cũng như toàn cầu, cũng như các thách thức khác như đồng yên yếu và chi phí nhập khẩu cao hơn.

Theo Reuters trích dẫn dữ liệu chính thức từ chính phủ Nhật Bản, GDP của nước này trong quý III/2022 tăng trưởng âm 1,2% so với ước tính trung bình của các nhà kinh tế là tăng 1,1%.

Trong khi đó, tiêu dùng tư nhân tăng 0,3%, cao hơn ước tính của các nhà kinh tế là 0,2% nhưng vẫn chậm hơn nhiều so với con số 1,2% của quý II. Tỷ lệ đầu tư phi nhà ở trong quý III tăng 1,5%, thấp hơn mức dự báo 2,1% của Reuters và mức 3% của Capital Economics. Xuất khẩu quý III tăng 1,9% nhưng bị lấn át bởi nhập khẩu tăng mạnh, đồng nghĩa với việc nhu cầu bên ngoài đã khiến GDP quý III của nước này giảm 0,7 điểm phần trăm.

Theo ông Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin, việc GDP quý III của Nhật Bản tăng trưởng âm là một bất ngờ. Tuy dỡ bỏ các hạn chế đại dịch giúp nền kinh tế giải tỏa được một số gánh nặng, triển vọng vẫn bị ảnh hưởng bởi lo ngại một đợt bùng dịch mới.

Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách và người dân đều đang chuẩn bị cho làn sóng đại dịch COVID thứ 8 có thể xảy ra, càng làm tăng thêm sự ảm đạm cho tiêu dùng tư nhân vốn chiếm hơn một nửa nền kinh tế Nhật Bản.

Tăng trưởng GDP theo từng quý năm 2021 và 2022 của Nhật Bản. Nguồn: Văn phòng Nội các Nhật Bản

Tăng trưởng GDP theo từng quý năm 2021 và 2022 của Nhật Bản. Nguồn: Văn phòng Nội các Nhật Bản

Thêm vào đó, bất chấp việc đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế dịch Covid-19 gần đây, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vẫn phải vật lộn với các yếu tố như căng thẳng địa chính trị, lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Đặc biệt, quốc gia này còn phải đối phó với các thách thức gây ra bởi đồng yên trượt giá xuống mức thấp nhất trong vòng 32 năm so với đồng USD. Mọi thứ từ nhiên liệu, năng lượng cho tới các mặt hàng thực phẩm đều tăng giá mạnh, từ đó gây ra căng thẳng về chi phí cho các hộ gia đình lẫn các doanh nghiệp tại đây.

Nhằm giảm bớt các tác động của lạm phát, chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đang đẩy mạnh các nỗ lực hỗ trợ các hộ gia đình bằng gói hỗ trợ 206,45 tỷ USD chi tiêu bổ sung trong ngân sách. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng đang duy trì chương trình kích thích tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo để giúp vực dậy nền kinh tế.

Theo ông Darren Tay, Nhà kinh tế Nhật Bản tại Capital Economics: “Tăng trưởng sẽ chuyển biến tích cực trong quý IV khi du lịch trong nước phục hồi và thâm hụt thương mại nhỏ hơn. Dù vậy, nguy cơ đại dịch tái bùng phát và tình hình kinh tế toàn cầu trên bờ vực suy thoái sẽ làm tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Hơn nữa vào năm 2023, ông Tay cho rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục trải qua một năm khó khăn nữa. Trong nửa đầu năm sau, suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ kéo theo các ảnh hưởng tiêu cực tới xuất khẩu và đầu tư kinh doanh của Nhật Bản.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.