Giá cả hàng hóa vẫn ổn định trong ngày 30 Tết

Tết hàng hóa
23:06 - 09/02/2024
Ảnh minh họa. Ảnh: Anh Thư - Mekong ASEAN
Ảnh minh họa. Ảnh: Anh Thư - Mekong ASEAN
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), không khí mua sắm Tết trong ngày cuối cùng của năm âm lịch 2023 vẫn khá nhộn nhịp, nguồn cung hàng hoá dồi dào, sức mua giảm nhẹ đôi chút so với những ngày trước đó, giá cả hàng hóa ổn định.

Năm nay, người dân có xu hướng tập trung mua sắm muộn hơn những năm trước, lượng mua tăng dần đều vào tuần sau ngày 23 tháng Chạp. Đến ngày 30 Tết, người tiêu dùng hầu hết chỉ tập trung mua sắm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh và hoa, quả để làm cơm cúng tất niên, giao thừa.

Do đa dạng nguồn cung các mặt hàng phục vụ Tết tại siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, cùng một số chương trình khuyến mại, giảm giá sâu vào những ngày sát Tết nên giá cả hàng hoá ổn định so với ngày thường và chỉ tăng nhẹ so với Tết năm trước (chủ yếu đã tăng từ trong năm) do giá đầu vào tăng.

Tại các chợ truyền thống, nguồn cung cũng được tăng cường và khá dồi dào nhưng nhu cầu mua sắm thấp hơn so với năm trước và chủ yếu tập trung vào các loại thực phẩm tươi sống, trái cây và rau, củ, quả với giá cả có xu hướng tăng so với ngày thường nhưng không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá bất hợp lý

Tới thời điểm hiện nay, giá hầu hết các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết không tăng đột biến, giá thịt lợn ổn định so với ngày 29 và tương đương so với năm trước; giá tôm sú loại to tăng khoảng 5% hoặc tương đương so với những ngày trước; giá gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp ổn định do người dân đã mua sắm từ trước Tết.

Một số loại hàng hóa khác như thịt gà, thịt bò, giá tương đương so với ngày 29 Tết. Giá các loại trái cây phục vụ cúng lễ tăng khoảng 5%, giá hoa tươi, rau củ ổn định so với ngày trước. So với cùng kỳ năm trước, giá rau củ và một số loại hoa như cúc, ly, lay-ơn, hoa hồng rẻ hơn khoảng 5 - 15% năm trước và không xảy ra hiện tượng khan hiếm.

Trong đó, đối với mặt hàng lương thực, giá cả các loại gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp ngon phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán có xu hướng tăng nhẹ, khoảng 5 - 10% (tùy thời điểm và khu vực) so với ngày thường, gạo tẻ thường vẫn giữ mức ổn định. Nhìn chung so với cùng kỳ năm trước, giá các loại gạo ở mức cao hơn từ 5-15% nhưng không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu.

Hiện giá gạo tẻ chất lượng cao tại Miền Bắc từ 22.000 - 45.000 đồng/kg, tại miền Nam từ 20.000 - 42.000 đồng/kg. Giá gạo nếp tại miền Bắc từ 28.000 - 37.000 đồng/kg, tại miền Nam từ 27.000 - 33.000 đồng/kg.

Thị trường thực phẩm tươi sống tương đối sôi động trong ngày 30 Tết. Như thường lệ, giá thịt lợn có xu hướng tăng nhẹ trong những ngày gần Tết do nhu cầu tiêu thụ cao nhưng nguồn cung vẫn được bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Giá thịt bò, gà tăng từ 5 - 15% so với ngày thường.

Hiện giá thịt lợn phổ biến ở mức: mông sấn 90.000 - 100.000 đồng/kg, giá thịt lợn thăn, ba chỉ 110.000 - 140.000 đồng/kg; thịt bò thăn loại I từ 250.000 - 270.000 đồng/kg; giá gà ta lông 120.000 - 150.000 đồng/kg; giá tôm lớt (loại 26 - 30 con/kg): 300.000 - 400.000 đồng/kg (ổn định so với năm trước)...

Đối với mặt hàng rau, củ, trái cây, so với ngày 29 Tết, giá các mặt hàng này tại chợ phía Bắc tăng nhẹ do mưa, rét dịp sát Tết. Giá một số loại rau củ hiện phổ biến như sau: bắp cải: 10.000 - 15.000 đồng/kg, su hào: 5.000 đồng/củ, xà lách: 15.000 - 30.000 đồng/kg, cà chua: 14.000 - 20.000 đồng/kg (tùy địa phương), khoai tây: 20.000 - 30.000 đồng/kg, súp lơ: 10.000 - 15.000 đồng/cây...

Trong đó, giá một số loại trái cây ngon để trưng cúng trong dịp Tết như cam canh, quýt đường, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa... ổn định so với ngày hôm trước nhưng tăng nhẹ so với ngày thường.

Sức mua các loại hoa, cây cảnh có xu hướng tăng so với những ngày trước nhưng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Năm nay, do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của hoa, cây cảnh nên nguồn cung dồi dào cộng thêm việc sức mua yếu nên giá cũng có xu hướng giảm so với năm trước.

Trong đó, giá hoa ly từ 200.000 - 300.000 đồng/chục cành; Lay-ơn từ 80.000 - 120.000 đồng/chục; cúc đại đóa khoảng 50.000 - 70.000 đồng/chục; hoa hồng 50.000 - 100.000 đồng/chục (loại hồng có cành lộc giá cao hơn và ở mức khoảng 120.000 - 150.000 đồng/chục)...

Các mặt hàng thực phẩm chế biến có giá ổn định so với ngày 29 Tết và tương đương so với cùng kỳ năm ngoái do giá mặt hàng thịt lợn ở mức tương đương. Cụ thể, giá giò lụa hiện phổ biến từ 130.000 - 150.000 đồng/kg, giá giò bò khoảng 280.000 - 300.000 đồng/kg, giá bánh chưng dao động từ 40.000 - 70.000 đồng/cái (tùy vào kích cỡ, khối lượng).

So với ngày thường, giá các mặt hàng rượu bia, bánh mứt kẹo tương đối ổn định và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do chi phí tăng. Cụ thể giá Bia lon Hà Nội từ 260.000 - 280.000 đồng/thùng; bia lon Saigon từ 330.000 - 350.000 đồng/thùng; bia lon Heniken từ 440.000 - 450.000đồng/thùng; Cocacola giá từ 180.000 - 190.000đồng/thùng; Vodka Hà Nội 700ml giá từ 120.000 - 130.000đồng/chai; mứt Hà Nội giá từ 59.000 - 85.000đồng/hộp 200 - 300gram; hạt bí giá từ 110.000 - 160.000đồng/kg…

Vụ Thị trường trong nước nhận định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn trong việc mua sắm vào dịp Tết. Bên cạnh đó, việc các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích mở cửa phục vụ người dân tới cuối ngày 30 Tết và mở cửa trở lại phục vụ sau Tết sớm góp phần hạn chế tâm lý mua trữ hàng của người dân, do vậy giá cả hàng hóa trên thị trường nhìn chung sẽ không biến động nhiều.

Tin liên quan

Đọc tiếp