Giá lương thực thế giới tăng cao gây ra sự đứt gãy cung ứng thực phẩm

Lương thực THẾ GIỚI
20:24 - 26/04/2022
IMF dự báo giá lương thực tăng có thể gây ra một tác động đáng lo ngại khác là bất ổn xã hội ở các nước nghèo.
IMF dự báo giá lương thực tăng có thể gây ra một tác động đáng lo ngại khác là bất ổn xã hội ở các nước nghèo.
0:00 / 0:00
0:00

Xung đột Nga - Ukraine đang làm trầm trọng thêm lạm phát toàn cầu do giá lương thực và năng lượng tăng cao cùng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn sau COVID-19. Các chuyên gia nhận định sự bất ổn này sẽ tạo ra "hiệu ứng gãy cổ” trong chuỗi cung ứng thực phẩm.

Đây là nhận định của một trong số các chuyên gia tài chính thế giới. Ông Bill Blain, chiến lược gia tại Shard Capital nhận định: “Lạm phát từ các doanh nghiệp nông nghiệp, năng lượng và chuỗi cung ứng đang quay tít mù không kiểm soát nổi. Nó giống như một phản ứng hạt nhân, đang gây ra một loạt các hậu quả phía trước rất nguy hiểm”.

Còn theo ông Daniel Aminetzah, người đứng đầu mảng Thực hành Nông nghiệp và Hóa chất của tập đoàn McKinsey (Mỹ), tình hình chiến sự kết hợp với lạm phát và đại dịch COVID-19 đang đặt ra “một mối đe dọa tiềm ẩn đối với nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm trên toàn cầu".

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tỷ lệ lạm phát của Mỹ sẽ chạm 7,7% trong năm 2022 và 5,3% ở khu vực đồng Euro. Lo ngại về giá cả tăng đang thúc đẩy các nhà đầu tư bán trái phiếu, đẩy lợi suất cao hơn.

Nga và Ukraine là hai quốc gia đóng một vai trò quan trọng không chỉ xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như lúa mì, mà còn là một trong những nhà cung cấp phân bón lớn trên thế giới.

“Hai nước này có 6 tập đoàn lương thực chiếm khoảng 60 - 70% hàng hóa nông nghiệp toàn cầu. Nga và Ukraine còn chịu trách nhiệm về khoảng 30% lượng xuất khẩu lúa mì và 65% sản phẩm từ cây hướng dương toàn cầu, trong bối cảnh các thị trường ngày càng chặt chẽ và có tính liên kết với nhau. Vì vậy chỉ một chút ít gián đoạn nguồn cung cũng sẽ tạo ra những tác động dây chuyền đến giá cả thế giới”, ông Daniel Aminetzah lưu ý.

Theo vị chuyên gia này, trong hệ thống lương thực toàn cầu, các kịch bản cung - cầu trước đây chủ yếu được mã hóa dựa vào yếu tố thời tiết và các sự cố liên quan đến nguồn cung. Nhưng giờ đây, thế giới đang ở trong một tình huống chưa từng có, đặc biệt là khi nói đến nguồn cung lúa mì và phân bón quan trọng như Biển Đen.

“Sự bất ổn này sẽ bắt đầu tạo ra thứ hiệu ứng 'gãy cổ' trong chuỗi cung ứng thực phẩm và thật khó để dự đoán đầy đủ hết các tác động của nó ảnh hưởng thứ cấp đến các quốc gia sản xuất lương thực khác, như Brazil”, ông Daniel Aminetzah cho biết thêm.

IMF cũng dự báo giá lương thực tăng có thể gây ra một tác động đáng lo ngại khác là bất ổn xã hội ở các nước nghèo. Trong khi đó, hiện chưa có bất kì dấu hiệu nào cho thấy Nga sẽ sớm ngừng các chiến dịch quân sự, bất chấp việc bị hàng loạt các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, từ dầu khí đến hệ thống tài chính.

Chỉ số giá lương thực thế giới tăng kéo theo chỉ số giá nhóm lương thực của Việt Nam cũng tăng theo. Ảnh: VNreport.

Chỉ số giá lương thực thế giới tăng kéo theo chỉ số giá nhóm lương thực của Việt Nam cũng tăng theo. Ảnh: VNreport.

Chỉ số giá lương thực tăng kỷ lục

Số liệu gần đây nhất được Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) cho biết, chỉ số giá lương thực, thực phẩm thế giới đã có một bước nhảy vọt đáng kể trong tháng 3/2022, cán mốc cao nhất từ ​​trước đến nay. Nguyên nhân được cho là tình hình chiến sự ở khu vực Biển Đen đã làm lan truyền những cú sốc thông qua các thị trường như lúa mì và ngô cùng với dầu thực vật.

Cụ thể là chỉ số giá lương thực của FAO đạt trung bình 159,3 điểm trong tháng 3, tăng 12,6% so với tháng 2 và cao hơn 33,6% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu này chính thức ghi nhận mức cao nhất kể từ khi phương pháp tính toán này ra đời vào năm 1990.

Cùng với ảnh hưởng của thị trường thế giới, chỉ số giá nhóm lương thực của Việt Nam trong tháng 3/2022 cũng được Tổng cục Thống kê chỉ ra tăng 0,17% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,08%. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và giá vật tư phân bón, các doanh nghiệp trong nước đã đẩy mạnh thu mua để dự trữ.

Giá nguyên liệu đầu vào, giá cước vận chuyển tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến khác. Theo đó, giá mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền trong tháng 3 cũng được Tổng cục Thống kê phản ánh tăng 0,95% so với tháng trước; bột mì tăng 0,65%; bột ngô tăng 0,56%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,25%; bánh mì tăng 0,23%.

Tin liên quan

Đọc tiếp