Nga sẽ giám sát hoạt động xuất khẩu lương thực tới 'các nước thù địch’

XUẤT KHẨU NGA
10:41 - 06/04/2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp trực tuyến về nông nghiệp tại dinh thự bang Novo-Ogaryovo bên ngoài thủ đô Moscow, ngày 5/4. Ảnh: Sputnik / AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì một cuộc họp trực tuyến về nông nghiệp tại dinh thự bang Novo-Ogaryovo bên ngoài thủ đô Moscow, ngày 5/4. Ảnh: Sputnik / AFP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 5/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow sẽ giám sát cẩn thận việc xuất khẩu lương thực sang các quốc gia "thù địch", trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây liên tiếp giáng xuống nước này.

Phát biểu trong một cuộc họp về nông nghiệp, Tổng thống Putin tuyên bố: "Trong bối cảnh thiếu lương thực toàn cầu, năm nay chúng tôi sẽ phải thận trọng với nguồn cung thực phẩm ra nước ngoài và đặc biệt là giám sát cẩn thận việc xuất khẩu sang các nước có thái độ thù địch với chúng tôi", theo Moscow Times.

Nhà lãnh đạo Nga cũng nói rằng sản lượng lương thực của nước này "đáp ứng đầy đủ" nhu cầu trong nước và kêu gọi các quan chức tăng cường thay thế nhập khẩu.

Tổng thống Putin nhận định: “Chúng ta cần đặt ra các mục tiêu rõ ràng để thay thế nhập khẩu và kiên trì theo đuổi chúng trong tương lai gần”, đồng thời ông đề cập đến tiềm năng của đất nước trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và khoa học.

Ông cũng cho biết điều quan trọng là phải "giảm thiểu các tác động tiêu cực từ bên ngoài" đối với người Nga - những người cần được tiếp cận với "các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao giá cả phải chăng, bao gồm cả các sản phẩm từ cá".

"Đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm hiện tại”, Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh.

Hoạt động xuất khẩu lương thực của Nga đóng vai trò quan trọng đối với cung ứng toàn cầu. Ảnh: TASS

Hoạt động xuất khẩu lương thực của Nga đóng vai trò quan trọng đối với cung ứng toàn cầu. Ảnh: TASS

Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển và phụ thuộc vào nhập khẩu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, vì hai quốc gia này chiếm hơn 1/4 doanh số bán lúa mì hàng năm của thế giới. Trong đó, nguồn cung lúa mì từ Nga chủ yếu xuất khẩu sang các nước khu vực châu Phi và Trung Đông.

Đồng thời, Nga cũng là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về kali, phốt phát và nitơ – những thành phần quan trọng trong phân bón cây trồng và chất dinh dưỡng cho đất. Sản lượng phân bón hàng năm của Nga đạt hơn 50 triệu tấn, tương đương 13% tổng nguồn cung toàn cầu. Trong đó, Phosagro, Uralchem, Uralkali, Acron và Eurochem là những nhà sản xuất lớn nhất và chủ yếu xuất khẩu hàng sang châu Á và Brazil.

Các biện pháp trừng phạt tài chính và hậu cần của phương Tây đối với Nga đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu phân bón, làm suy giảm năng suất sản xuất nông nghiệp ở những khu vực khác, trong khi giá nhiên liệu toàn cầu vẫn tiếp tục đà tăng.

Người đứng đầu Điện Kremlin cảnh báo rằng giá năng lượng cao hơn kết hợp với tình trạng thiếu phân bón sẽ thúc đẩy phương Tây in tiền để mua thêm nguồn cung, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực ở các nước nghèo hơn.

“Chắc chắn điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực ở những vùng nghèo nhất trên thế giới, thúc đẩy làn sóng di cư mới và nói chung là khiến giá lương thực tăng cao hơn”, ông Putin cho biết.

Ngoài ra, trong lời cảnh báo tới các quốc gia châu Âu, Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng Moscow sẽ đáp trả bằng mọi hình thức đối với hành động quốc hữu hóa tài sản nào của Nga, đồng thời châm biếm rằng hành động đó là “vũ khí hai lưỡi”.

Phát biểu của nhà lãnh đạo Nga diễn ra một ngày sau khi Đức cho biết cơ quan quản lý năng lượng của họ sẽ tạm thời nắm quyền kiểm soát Gazprom Germania – chi nhánh của tập đoàn khí đốt Nga Gazprom tại Đức.

Theo các chuyên gia, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã đẩy Nga vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, mặc dù Moscow nói rằng tác động toàn cầu của lệnh trừng phạt có thể còn nghiêm trọng hơn nhiều.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.