Giải mã sức hút giúp cổ phiếu của Sabeco ngược dòng nhóm VN30

SABECO DOANH NGHIỆP
07:35 - 17/10/2022
Bia Sài Gòn là sản phẩm chủ đạo của Sabeco.
Bia Sài Gòn là sản phẩm chủ đạo của Sabeco.
0:00 / 0:00
0:00
Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu SAB của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là mã duy nhất trong nhóm VN30 giữ được sức hút dòng tiền.

Từ vùng giá 150.000 đồng (phiên 3/1/2022), mã này đã tăng 25% lên mức giá 188.000 đồng (kết phiên 14/10). Trước đó, SAB từng leo lên mức 195.000 đồng (phiên 15/8). Đáng chú ý là trong giai đoạn thị trường biến động mạnh, thị giá của SAB cũng không bị tác động nhiều.

Cùng đà tăng, so với đầu năm, cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam cũng tăng giá khoảng 9%, từ vùng giá 100.000 đồng lên 109.000 đồng. Tuy nhiên mã này có những thời điểm giảm sâu, từng rơi từ mức 130.000 đồng xuống vùng 95.000 đồng.

Các mã còn lại trong nhóm VN30 đều giảm giá so với đầu năm, thậm chí có mã “bốc hơi” tới 50-60 giá trị như SSI (Chứng khoán SSI), TCB (Ngân hàng Techcombank), HPG (Tập đoàn Hòa Phát).

Cổ phiếu SAB không bị tác động quá mạnh trong giai đoạn thị trường đi xuống vừa qua.

Cổ phiếu SAB không bị tác động quá mạnh trong giai đoạn thị trường đi xuống vừa qua.

Dòng tiền dồi dào

Việc SAB giữ “phong độ”, đi ngược thị trường trong 9 tháng đầu năm có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, dòng tiền dồi dào chính là thế mạnh quan trọng nhất của doanh nghiệp này trong bối cảnh “tiền mặt là vua”.

Theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2022, tại thời điểm 30/6/2022, tổng nguồn vốn của SAB là 31.341 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm; trong đó vốn chủ sở hữu chiếm 24.467 tỷ đồng, vốn cổ phần 6.412 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên tới 15.435 tỷ đồng.

Nợ phải trả 6.873 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Vay nợ ngắn hạn chiếm 502 tỷ đồng và vay nợ dài hạn 342 tỷ đồng. Như vậy, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) của công ty chỉ ở mức 0,28.

Trong cơ cấu tài sản, tiền và các khoản tương đương tiền của SAB là hơn 2.700 tỷ đồng. Đặc biệt, công ty có tới hơn 18.000 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn. Đây chủ yếu là các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng với thời hạn trên 3 tháng nhưng dưới 12 tháng, hưởng lãi suất từ 3,7-6,55%.

Bên cạnh đó, Sabeco còn có gần 2.500 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết, cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát và đầu tư góp vốn vào các đơn vị khác (trong đó có 410 tỷ đồng là trích lập dự phòng).

Nhờ các khoản đầu tư mà riêng doanh thu tài chính và phần lãi từ công ty liên kết, cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát của Sabeco trong 6 tháng đầu năm đã lên tới 482 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính chỉ chiếm 37 tỷ đồng.

Sabeco cũng là doanh nghiệp duy trì dòng tiền kinh doanh dương trong nhiều năm. 6 tháng đầu năm nay, dòng tiền kinh doanh của SAB dương 2.244 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2021 dương 1.541 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh vượt trội

Nguồn tiền dồi dào chính là yếu tố hỗ trợ lớn để Sabeco đạt kết quả kinh doanh vượt trội trong 2 quý đầu năm. Đây cũng chính là một căn cứ lớn để nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào doanh nghiệp.

Cụ thể, trong quý 2/2022, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần tăng 25% so với cùng kỳ, lên hơn 9.000 tỷ đồng; còn lợi nhuận sau thuế tăng 67%, lên 1.793 tỷ đồng. Đây chính là mức cao nhất tính theo quý từ khi ThaiBev mua gần 54% cổ phần để chiếm quyền chi phối Sabeco năm 2017.

Theo lý giải từ Sabeco, kết quả kinh doanh khả quan trên là nhờ không còn giãn cách xã hội như giai đoạn cùng kỳ năm 2021, Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa đón khách du lịch quốc tế và nhu cầu tiêu dùng hồi phục.

Báo cáo tài chính còn cho thấy khả năng kiểm soát tốt chi phí của doanh nghiệp: Giá vốn nguyên vật liệu đầu vào tăng ít hơn doanh thu giúp biên lợi nhuận gộp vọt lên 34,24% (tức cứ một 100 đồng thu vào sau khi trừ vốn thì công ty lãi 34,24 đồng). Chi phí dành cho quảng cáo, khuyến mại, nhân viên tiết giảm 8% bất chấp doanh số tăng mạnh.

Lũy kế nửa năm, chủ hãng bia 333 đạt doanh thu 16.315 tỷ đồng và lãi sau thuế xấp xỉ 3.030 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 47% và 66% kế hoạch cả năm. Bia đóng góp hơn 88% vào tổng doanh thu; phần còn lại từ bán nguyên vật liệu, nước giải khát, rượu và cồn.

Triển vọng ngành

Ngoài năng lực tài chính và kết quả kinh doanh, không thể không nói đến triển vọng ngành bởi đây là yếu tố quan trọng mà mọi nhà đầu tư đều quan tâm trên thị trường chứng khoán.

Sau 2 năm với những khoảng thời gian giãn cách xã hội kéo dài, ngành bia đang hồi phục trở lại khi các nhà hàng, quán ăn, quán karaoke và khách sạn được mở cửa trở lại, thúc đẩy sự tăng trưởng của kênh on-trade (tiêu dùng tại chỗ) – kênh phân phối và tiêu thụ chính của bia.

Trong báo cáo triển vọng ngành Thực phẩm và đồ uống nửa cuối năm 2022 và 2023 phát hành hồi tháng vừa qua, Chứng khoán SSI nhận định, doanh thu và lợi nhuận của SAB trong 6 tháng đầu năm 2023 có thể tăng trưởng cao hơn so với 6 tháng đầu năm 2022, nhờ việc mở lại hoàn toàn dịch vụ khách sạn, nhà hàng, các hoạt động vui chơi giải trí và lượng khách du lịch nước ngoài tăng lên.

Trong bối cảnh áp lực lạm phát và thu nhập giảm, SAB có thể được hưởng lợi do có tỷ trọng bia dành cho phân khúc phổ thông cao. Cộng thêm chi phí hàng hóa (mạch nha, hoa bia) giảm sẽ giúp các công ty bia tăng tỷ suất lợi nhuận.

Việc cổ phiếu Sabeco giữ giá trong thời gian qua còn phần nào đến từ cơ cấu cổ đông cô đặc và chính sách cổ tức cao. Hiện Công ty TNHH Vietnam Beverage (thuộc sở hữu của Thaibev) là công ty mẹ đang nắm giữ 53,59% vốn Sabeco. Cổ đông lớn còn lại là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) đang sở hữu 36% vốn. 10% còn lại cũng chủ yếu do các nhà đầu tư ngoại nắm giữ.

Công ty có chính sách trả cổ tức tiền mặt 35% bằng tiền mặt trong nhiều năm qua, kể cả qua 2 năm hoạt động kinh doanh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 và Nghị định 100 liên quan đến điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng bia, rượu. Năm nay, Sabeco lên kế hoạch doanh thu tăng 32% lên 34.791 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng 17% lên 4.581 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức không đổi là 35% bằng tiền mặt.

Sabeco đang có đủ "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" nên cổ phiếu giữ được sức hút dòng tiền cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên câu chuyện đầu tư là câu chuyện về triển vọng tương lai. Vì vậy việc SAB có thể duy trì các thế mạnh trên trong thời gian tới hay không là điều mà nhà đầu tư quan tâm.

Thực tế, vùng giá đỉnh của SAB lên tới hơn 300.000 đồng, cao hơn hiện tại rất nhiều. Đó là thời điểm ThaiBev đấu giá thành công hơn 343 triệu cổ phần Sabeco với giá 320.000 đồng/cổ phiếu, tương đương khoảng 53,59% cổ phần. Tổng giá trị thương vụ là gần 110.000 tỷ đồng, tương đương 5 tỷ USD.

Tuy nhiên sau đó, SAB xuống giá và chưa thể trở lại mức đỉnh ấy, thậm chí có giai đoạn lao dốc mạnh từ 270.000 đồng (7/2019) xuống vùng giá thấp nhất 120.000 đồng (tháng 3/2020).

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.