Gỡ 'nút thắt' nào cho triển vọng kinh tế Việt Nam?

KINH TẾ Việt nAM
18:42 - 07/10/2021
Gỡ 'nút thắt' nào cho triển vọng kinh tế Việt Nam?
0:00 / 0:00
0:00
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có sự đảo chiều do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh trên khắp cả nước. Trong 8 tháng đầu năm 2021, gần 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, cao hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo ADO (Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á) năm 2021, tăng trưởng GDP Việt Nam đã phục hồi trong nửa đầu năm 2021, phần lớn được hỗ trợ bởi việc mở rộng thương mại. Tuy nhiên, đợt bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 trong tháng 4 đã thắt chặt nguồn cung lao động, hạ thấp sản lượng công nghiệp và làm gián đoạn chuỗi giá trị nông nghiệp trên cả nước.

Tăng trưởng kinh tế dự báo ở mức 3,8% trong năm nay và 6,5% trong năm 2022, tuy nhiên cả hai dự báo này đều thấp hơn dự báo trong báo cáo ADO năm 2021. Nhưng nếu kịp thời mở cửa và khôi phục lại nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2021, thặng dư sẽ tăng trưởng trở lại dù thấp hơn so với dự kiến trước đây - cũng theo báo cáo ADO.

Thách thức đo lường trong nền kinh tế Việt Nam

Trong 6 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế đã lấy lại đà tăng trưởng, GDP tăng từ mức 1,8% trong nửa đầu năm ngoái lên 5,6% trong giai đoạn đầu năm. Nhu cầu xuất khẩu mạnh đã thúc đẩy tăng trưởng nông, lâm và thủy sản từ 1,2% trong nửa đầu năm 2020 và 2,3% trong cùng kỳ năm 2019 lên 3,8%. Sản lượng này đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng nửa đầu năm. Tăng trưởng công nghiệp nửa đầu năm tăng hơn gấp đôi lên mức 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ thấp hơn mức 8,9% trong cùng kỳ năm 2019, đóng góp 3,0 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Dịch vụ tăng 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức 6,7% trong nửa đầu năm 2019 do lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm 97,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp của dịch vụ vào tăng trưởng GDP giảm xuống còn 1,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.

Làn sóng dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 kéo đến đã làm thay đổi tình hình kinh tế trên cả nước ta. Đặc biệt là các khu vực trọng điểm trên cả nước như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Giang,... . Trong 8 tháng đầu năm 2021, gần 85.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, cao hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt đã làm gián đoạn sự dịch chuyển lao động và cản trở quá trình sản xuất. Hậu quả của dịch bệnh mang lại khiến 12,8 triệu người bị mất việc làm hoặc bị giảm thu nhập. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thu nhập giảm sút đã làm giảm tốc độ tăng trưởng tiêu dùng cá nhân xuống 3,6% trong nửa đầu năm 2021, chỉ tăng 0,2% so với nửa đầu năm 2020 và bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019. Tăng trưởng tiêu dùng khu vực công cũng giảm một nửa, còn 3,2%, do Chính phủ cũng cắt giảm chi thường xuyên.

Các nhà máy đóng cửa và sự gián đoạn dịch chuyển lao động đã hạn chế đầu tư trong và ngoài nước. Lạm phát trong tháng 8 cao hơn 0,25% so với tháng 7 do giá nhiên liệu tăng và nguồn cung lương thực bị gián đoạn đã tạm thời làm tăng giá lương thực, thực phẩm.

Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ mở rộng, với lãi suất chính sách không thay đổi kể từ tháng 10 năm 2020. Các ngân hàng thương mại mở rộng tái cơ cấu nợ, miễn lãi suất cho các khoản vay hiện có, giảm lãi suất và cung cấp các khoản vay ưu đãi mới cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Dự báo tăng trưởng vẫn thấp dù kiểm soát được dịch COVID-19

Việc kéo dài giãn cách xã hội ở các thành phố lớn sẽ tiếp tục làm gián đoạn nguồn cung lao động, gây tổn hại đặc biệt đến các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động và làm giảm sản lượng. Chỉ số nhà quản trị mua hàng xuống dưới mức 50 từ tháng 6 đến tháng 8, báo hiệu sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất. Do vậy, tăng trưởng công nghiệp dự báo sẽ giảm xuống 5,0% vào năm 2021 so với mức trước đại dịch là 8,9% vào năm 2019.

Đại dịch và giãn cách xã hội kéo dài dự kiến sẽ làm tiêu dùng và đầu tư sụt giảm trong năm 2021. Tình trạng thiếu lao động, thủ tục giải phóng mặt bằng chậm, chi phí vật liệu xây dựng tăng và mùa mưa bão trong quý III và quý IV sẽ làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Giải ngân ngân sách Nhà nước 8 tháng đầu năm giảm 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Các thủ tục rườm rà và không rõ ràng đã hạn chế việc giải ngân các khoản hỗ trợ tài chính cần thiết cho các doanh nghiệp và những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Tình trạng thiếu hụt lao động do chưa thể hoàn toàn kết thúc giãn cách xã hội ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng nông nghiệp. Xuất khẩu nông sản cũng có thể bị ảnh hưởng bởi mùa mưa bão cũng như các biện pháp kiểm dịch được áp dụng đối với xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam.

Về phương diện lạc quan, tiếp cận thị trường được cải thiện do các hiệp định thương mại tự do và sự phục hồi của Liên minh Châu Âu, Trung Quốc và Mỹ sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Tăng trưởng nông nghiệp dự kiến ở mức 2,7% vào năm 2021, bằng với mức năm 2020. Sự phục hồi nhanh chóng của các thị trường nước ngoài chính của Việt Nam sẽ hỗ trợ cho việc xuất khẩu, đặc biệt đối với hàng dệt, may và giày dép, điện tử và điện thoại di động. Nhưng việc đóng cửa các trung tâm công nghiệp lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hạn chế năng lực sản xuất, dẫn đến việc chuyển đơn hàng sang các nước khác.

Với giả định rằng đến cuối năm 2021, đại dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát và đến quý II năm 2022 tỷ lệ tiêm phòng đủ 2 liều vaccine chiếm 70% dân số, dự báo tăng trưởng cho năm sau được điều chỉnh thành 6,5%, vẫn thấp hơn so với dự báo trước đó. Dự báo tỷ lệ lạm phát cũng được điều chỉnh giảm xuống mức 2,8% cho năm 2021, do sức cầu trong nước giảm đã đẩy tỷ lệ này xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tỷ lệ lạm phát được dự báo ở mức 3,5% vào năm 2022 khi tăng trưởng tăng tốc.

Sự suy giảm của tài khoản vãng lai trong năm nay và năm sau dự kiến sẽ nhiều hơn mức dự báo trong báo cáo ADO 2021. Tài khoản vãng lai dự kiến sẽ thâm hụt nhẹ ở mức tương đương 1,0% GDP trong năm 2021 do tác động của đại dịch đối với sản xuất sẽ làm chậm tăng trưởng xuất khẩu trong từ bây giờ đến hết năm.

Triển vọng kinh tế ngắn hạn của Việt Nam cho đến nay vẫn còn nhiều thách thức mà nguy cơ chính vẫn là do sự phát triển nhanh chóng của đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến việc mở cửa kinh tế trong nước ta. Do vaccine chưa đến Việt Nam đủ nhanh, nên nỗ lực của Chính phủ để bắt đầu sản xuất vaccine COVID-19 trong nước trong năm 2021, kết hợp với tăng cường mua vaccine từ các nguồn bên ngoài, sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam ngăn chặn cuộc khủng hoảng về y tế do đại dịch gây ra.

Triển vọng tăng trưởng trong năm nay và năm sau cũng sẽ phụ thuộc vào việc cung ứng kịp thời và đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, như lương thực thực phẩm và tiền mặt, cho những người bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát đại dịch. Nợ xấu có thể trở thành rủi ro trong năm 2022. Cắt giảm gánh nặng hành chính không cần thiết và thực hiện số hóa các thủ tục của chính phủ rất quan trọng để nâng cao hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn đại dịch và hỗ trợ phục hồi trong năm nay và năm sau./.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.